Gia Lai siết chặt quản lý chăn nuôi động vật hoang dã

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những năm gần đây, ngành chức năng tỉnh Gia Lai tăng cường công tác quản lý các cơ sở và chủ thể chăn nuôi động vật hoang dã, góp phần hạn chế tình trạng mua bán, vận chuyển, săn bắn động vật hoang dã trái pháp luật.

Ông Nguyễn Duy Lân-Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh-cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 1620/UBND-NL của UBND tỉnh về tăng cường các giải pháp cấp bách quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý vi phạm về săn bắt, nuôi nhốt động vật hoang dã.

Cùng với đó, đơn vị phối hợp với các ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ, nuôi nhốt động vật hoang dã; hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi động vật có nguồn gốc hoang dã thực hiện hồ sơ pháp lý theo quy định; chủ động vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại nhằm ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm từ động vật rừng sang người và các loài vật nuôi khác, không để xuất hiện dịch bệnh trên địa bàn.

Mô hình nuôi hươu sao của một hộ dân trên địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: Nguyễn Diệp
Mô hình nuôi hươu sao của một hộ dân trên địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: Nguyễn Diệp


Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, toàn tỉnh hiện có khoảng 67 hộ dân, cá nhân đăng ký hoàn thiện hồ sơ chăn nuôi thương mại các loài động vật rừng thông thường và nhóm IIB có nguồn gốc tự nhiên như: hươu sao, nhím, dúi, nai, cầy vòi hương… Đa số cơ sở tập trung tại các huyện: Chư Sê, Krông Pa, Ia Grai, Chư Prông, Đức Cơ, thị xã An Khê, TP. Pleiku và đều được Chi cục cấp mã số cơ sở nuôi động vật rừng theo quy định.

Ông Phạm Tiến Tuất (thôn Nông Trường, xã Ia Glai, huyện Chư Sê) cho biết: Cách đây khoảng 10 năm, ông lên tỉnh Kon Tum học tập kỹ thuật và mua một cặp nhím sinh sản với giá gần 25 triệu đồng về nuôi. Những năm đầu, nhím sinh sản tốt, có thời điểm tăng đàn lên đến 48 con.

“Sau khi được lực lượng chức năng tuyên truyền các quy định của Nhà nước về quản lý chăn nuôi động vật hoang dã, gia đình tôi đã chấp hành nghiêm túc việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý theo quy định. Hàng quý, gia đình đều báo cho cơ quan chức năng biết số lượng đàn nhím tăng hay giảm, khi xuất bán đều có giấy xác nhận về nguồn gốc động vật của Hạt Kiểm lâm huyện”-ông Tuất thông tin.

Tương tự, gia đình ông Trương Hồng Tâm (phường An Phú, thị xã An Khê) đang thuần dưỡng loại vật nuôi khá quý hiếm là cầy vòi hương. Ông Tâm chia sẻ: “Gia đình tôi đã nuôi cầy vòi hương sinh sản được vài năm nay. Đây là loài động vật quý nên các cơ quan nhà nước quản lý rất chặt. Hạt Kiểm lâm huyện và chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra và đã hướng dẫn gia đình hoàn thành các thủ tục hồ sơ theo quy định. Gia đình cũng thường xuyên báo cáo cơ quan chức năng về tình hình sinh trưởng, phát triển của đàn cầy vòi hương. Bên cạnh đó, gia đình tôi định kỳ vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng nhằm hạn chế dịch bệnh”.

Ông Thái Thượng Hải-Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê-cho hay: “Cùng với việc tăng cường kiểm tra, ngăn chặn hoạt động săn bắt động vật hoang dã, thời gian qua, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định của Nhà nước về chăn nuôi động vật có nguồn gốc hoang dã tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Hạt phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi động vật hoang dã thực hiện hồ sơ pháp lý theo quy định của Nhà nước; đồng thời, hỗ trợ các hộ về quy trình, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, đảm bảo vệ sinh môi trường chăn nuôi nhằm hạn chế dịch".

Người nuôi nhím gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm. Ảnh: Lê Hòa
Người nuôi nhím gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Diệp


Tuy nhiên, thực tế hoạt động chăn nuôi động vật có nguồn gốc hoang dã trên địa bàn tỉnh chưa thực sự phát triển, công tác quản lý còn gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Duy Lân thông tin thêm: Thời gian qua, các chương trình, dự án khuyến nông đã hỗ trợ nuôi các loài động vật như: nhím, hươu sao… bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần bảo tồn loài, hạn chế áp lực khai thác, sử dụng động vật hoang dã từ tự nhiên.

Công tác quản lý các loài động-thực vật hoang dã nói chung và quản lý hoạt động chăn nuôi động vật hoang dã nói riêng hiện vẫn còn những khó khăn, bất cập như: hoạt động chăn nuôi động vật hoang dã còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, số lượng cá thể ít nên vẫn còn một số hộ chưa thực hiện tốt quy định của Nhà nước về quản lý lĩnh vực này; chưa có kinh phí nghiên cứu đánh giá nuôi sinh sản, sinh trưởng của từng cá thể ở các địa phương để làm cơ sở phát triển hoạt động chăn nuôi.

Bên cạnh đó, chưa có quy trình kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, phòng bệnh, quy cách chuồng trại để làm cơ sở hướng dẫn chủ nuôi thực hiện các quy định của Nhà nước trong chăn nuôi động vật hoang dã. Không loại trừ trường hợp trộn lẫn động vật rừng săn bắt được vào động vật hoang dã để tiêu thụ.

 NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024. 

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

(GLO)- Sở hữu 5 ha cà phê với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng ông Amyơm (SN 1964; làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn muốn mở rộng thêm diện tích nhằm nâng cao thu nhập cùng quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

(GLO)- Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và ngân sách địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai phối hợp với các địa phương xây dựng nhiều mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Nhờ đó, năng suất, chất lượng nông sản địa phương được nâng cao.

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

(GLO)- Tuy mới thành lập nhưng Tổ hội nghề nghiệp nuôi trùn quế xã Tú An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã mang lại lợi ích kép cho các thành viên khi không chỉ tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm làm ăn mà còn thúc đẩy việc nhân rộng mô hình chăn nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế.