Gia Lai: Mạnh tay xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, ngành chức năng và các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, mạnh tay xử lý vi phạm nhằm siết chặt quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Trước đây, trên địa bàn huyện Chư Păh thường xảy ra tình trạng khai thác trái phép khoáng sản, đặc biệt là cát xây dựng. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2021, UBND huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra nhằm xử lý vi phạm, đưa hoạt động khai thác của các doanh nghiệp được cấp phép vào nền nếp. Bên cạnh đó, UBND huyện giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan và người đứng đầu các địa phương trong quản lý khoáng sản. Năm 2021, huyện đã khoanh định 70 điểm mỏ khoáng sản nhưng chưa khai thác hoặc thường xuyên xảy ra khai thác khoáng sản trái phép để tăng cường kiểm tra, kiểm soát.
Vụ khai thác vàng trái phép tại đoạn giáp ranh giữa xã Hà Tây (huyện Chư Pah) và xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa)
Vụ khai thác vàng trái phép tại đoạn giáp ranh giữa xã Hà Tây (huyện Chư Păh) và xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa). Ảnh: Hồng Thương
“Hiện tại, trên địa bàn huyện có 12 điểm mỏ được cấp phép khai thác. Qua kiểm tra cho thấy, một số mỏ hoạt động thường xuyên, còn lại làm theo từng thời điểm và các doanh nghiệp được cấp phép đã cơ bản thực hiện đúng thủ tục và chủ động xử lý các vướng mắc để đảm bảo quá trình khai thác đúng theo quy định. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã kiểm soát tốt vấn đề khai thác trái phép cát xây dựng, chỉ xảy ra vài vụ khai thác đất san lấp nhỏ lẻ. Tuy nhiên, mới đây xảy ra 2 vụ khai thác vàng sa khoáng tại xã Hà Tây, trong đó, 1 vụ đã bị UBND tỉnh xử phạt 60 triệu đồng, vụ còn lại đang được ngành chức năng điều tra, xử lý. Huyện cũng đã thành lập đoàn liên ngành để tuần tra, kiểm soát thường xuyên tại khu vực này nhằm ngăn chặn sự việc tái diễn”-ông Lê Xuân Dũng-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Chư Păh-cho hay.
Tại huyện Chư Prông, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản cũng được địa phương siết chặt. Ông Lê Tấn Hiếu-Trưởng phòng TN-MT huyện-thông tin: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Chư Prông cũng chỉ đạo siết chặt quản lý khoáng sản chưa khai thác, cát và đất san lấp. Ủy ban nhân dân huyện giao trách nhiệm cho UBND cấp xã kiểm tra, xử lý vi phạm. Theo đó, Phòng TN-MT thường xuyên kiểm tra, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép. Từ đầu năm đến nay, huyện đề nghị UBND tỉnh xử phạt 2 vụ khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Trong đó, 1 vụ khai thác đất trái phép ở xã Ia Ga, 1 vụ khai thác cát ở Ia Mơr. “Địa bàn huyện rộng, đường đi khó khăn, hầu như khoáng sản (chủ yếu là cát) thường ở các xã khu vực biên giới, lực lượng cán bộ quản lý lại mỏng. Trong khi đó, các đối tượng khai thác trái phép thường lợi dụng ban đêm, ngày nghỉ để lén lút khai thác nên rất khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra. Đối với tuyến biên giới, rất cần lực lượng Biên phòng phối hợp kiểm tra, xử lý”-ông Hiếu nói.
Hiện trường vụ khai thác đá trái phép tại huyện Đức Cơ được phát hiện vào tháng 3-2021. Ảnh: Hồng Thương
Hiện trường vụ khai thác đá trái phép tại huyện Đức Cơ được phát hiện vào tháng 3-2021. Ảnh: Hồng Thương
Ông Tạ Văn Thân-Phó Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN-MT) cho biết: Toàn tỉnh có 72 doanh nghiệp được cấp 85 giấy phép khai thác khoáng sản. Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, Sở TN-MT đã ban hành nhiều văn bản phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ; đồng thời, tăng cường thanh-kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 31 vụ vi phạm, xử lý 26 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính 406,6 triệu đồng, tịch thu tang vật vi phạm gồm: 42 m3 đá xây dựng, 15 m3 đất san lấp, 150 viên đá chẻ và một số phương tiện khác. Đồng thời, tịch thu toàn bộ khoáng sản được quy đổi bằng tiền trên 218 triệu đồng. Trong đó, UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính 3 trường hợp, UBND cấp huyện và xã xử phạt vi phạm hành chính 23 trường hợp, 5 trường hợp còn lại đang tiếp tục xử lý.
“Tới đây, Sở TN-MT sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh-kiểm tra nhằm siết chặt công tác quản lý khoáng sản tại các điểm mỏ đã được cấp phép và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm; hỗ trợ về pháp lý để các doanh nghiệp hoạt động đúng quy định; phối hợp với các sở, ngành liên quan cũng như các địa phương để quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; yêu cầu các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thực hiện nghiêm túc việc cắm mốc các điểm khép góc khu vực mỏ, lắp đặt trạm cân, camera giám sát tại các mỏ khoáng sản theo quy định và chấp hành các quy định khai thác khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật”-Phó Trưởng phòng Khoáng sản thông tin thêm.
HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm