Gia Lai: Hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế để thu hút đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Gia Lai sẽ triển khai trong năm 2024 để tăng hiệu quả thu hút đầu tư.

Từng bước hoàn thiện hạ tầng

Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) được thành lập theo Quyết định số 139/2001/QĐ-TTg ngày 21-9-2001 của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích 41.515 ha, nằm trên địa bàn các xã: Ia Kla, Ia Pnôn, Ia Nan, Ia Dom và thị trấn Chư Ty.

Đến nay, Khu Kinh tế mới chỉ quy hoạch chi tiết 2 khu chức năng đặc thù là khu trung tâm với diện tích 155,12 ha và khu công nghiệp với diện tích 210,1 ha. Tại đây đang có 36 nhà đầu tư triển khai thực hiện 40 dự án (chủ yếu ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ, kinh doanh kho bãi) với tổng vốn đăng ký 643,87 tỷ đồng.

Để từng bước hoàn thiện hạ tầng Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh, tháng 7-2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 238/NQ-HĐND điều chỉnh khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 388/NQ-HĐND ngày 17-6-2021 của HĐND tỉnh về quy mô Dự án hạ tầng Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh.

Cụ thể, Khu Kinh tế sẽ được đầu tư xây dựng 6 tuyến đường giao thông và cải tạo 3 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài 2.564 m (theo Nghị quyết số 388/NQ-HĐND là 18 tuyến đường với tổng chiều dài 7.181 m), kết cấu mặt đường bằng bê tông nhựa.

Bên cạnh đó, xây dựng các hạng mục: bó vỉa, đan rãnh, hệ thống thoát nước, hệ thống an toàn giao thông hoàn chỉnh, hệ thống cấp điện, cây xanh...

Tập kết điều tại Công ty TNHH một thành viên Quang Sáng (Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh). Ảnh: H.D

Tập kết điều tại Công ty TNHH một thành viên Quang Sáng (Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh). Ảnh: H.D

Ông Nguyễn Như Trình-Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh-cho biết: “Ban đang hoàn thiện hồ sơ quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh đến năm 2045 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp nhận, xem xét các hồ sơ dự án của nhà đầu tư đảm bảo năng lực tài chính, có nhu cầu đầu tư vào đây thông qua quy trình đấu giá lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, Ban phối hợp với UBND huyện Đức Cơ triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở, đất thương mại dịch vụ tại khu trung tâm Khu Kinh tế Cửa khẩu”.

Nằm ở vị trí khá thuận lợi nên Khu Công nghiệp Nam Pleiku được khá nhiều nhà đầu tư để mắt. Hiện khu công nghiệp này đã có 10 nhà đầu tư đăng ký thuê hơn 60 ha đất (chiếm gần 50% diện tích cho thuê đất) và đã có một số nhà đầu tư lớn đặt cọc giữ chỗ. Tuy nhiên, dự án vẫn còn vướng mắc phần đấu nối đường ra và hệ thống cống xả thải sau xử lý.

“Ban tiếp tục phối hợp với chủ đầu tư, các địa phương và đơn vị có liên quan để tháo gỡ vướng mắc; theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp này nhằm đủ điều kiện tiếp nhận dự án của nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào đây”-Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh cho hay.

Đối với Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku), điều thuận lợi là hạ tầng đã được hoàn thiện. Tuy nhiên, thời gian xây dựng khá lâu cũng khiến nhiều hạng mục xuống cấp hoặc không còn đủ năng lực phục vụ cho sự phát triển quy mô của các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây.

Ông Hồ Sỹ Sáu-Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood Cao Nguyên-kiến nghị: “Chúng tôi mong đơn vị quản lý nâng năng lực cấp nước tại Khu Công nghiệp Trà Đa lên khoảng 800 m3 mỗi ngày để có thể đáp ứng được kế hoạch sản xuất kinh doanh của nhà máy. Chúng tôi dự kiến sắp tới nâng công suất nhà máy lên khoảng 30% nhưng với lượng nước như hiện tại là không đủ”.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Như Trình, năm 2024, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh tiếp tục đồng hành hỗ trợ, xử lý hoặc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp sau khi kiểm tra các dự án tại Khu Công nghiệp Trà Đa, Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh; đề xuất giải pháp chấn chỉnh hoạt động đầu tư các dự án, tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư có năng lực thật sự.

Đồng thời, Ban sẽ tiến hành rà soát, thu hồi đối với trường hợp thuê đất nhưng không đưa đất hoặc chậm đưa đất vào sử dụng nhằm tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư tiềm năng. Đặc biệt, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế để tăng hiệu quả thu hút đầu tư.

Một góc Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Hà Duy

Một góc Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Hà Duy

Được biết, năm 2023, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp, khu kinh tế vẫn khá ổn định, một số chỉ tiêu quan trọng có mức tăng trưởng khá. Khu Công nghiệp Trà Đa hiện có 63 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.590,8 tỷ đồng.

Trong năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 6.010,9 tỷ đồng, tăng 81,1% so với năm 2022; tổng doanh thu thuần đạt 5.928,8 tỷ đồng, tăng 53,1% so với năm 2022; doanh thu công nghiệp đạt 5.161,7 tỷ đồng, tăng 46,9% so với năm 2022. Các doanh nghiệp đã nộp ngân sách nhà nước 171,2 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2022.

Còn tại Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh, năm 2023, doanh thu thuần của các doanh nghiệp ước đạt 610,023 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2022; kim ngạch xuất-nhập khẩu đạt 135,47 triệu USD, tăng 4,7% so với năm 2022; thu ngân sách nhà nước do lực lượng Hải quan thực hiện đạt 22,33 tỷ đồng, tăng 41,33% so với năm 2022.

Có thể bạn quan tâm

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.