Gia Lai: Hiệu quả dạy và học trực tuyến ở các trường THPT

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dạy và học trực tuyến được xem là giải pháp hữu hiệu để củng cố kiến thức cho học sinh trong thời gian tạm nghỉ học để phòng-chống dịch Covid-19. Qua một thời gian triển khai, nhiều trường THPT ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã có những cách làm hay, sáng tạo, thu hút gần như tuyệt đối học sinh tham gia.

Chú trọng xây dựng chất lượng bài học

Năm học 2020-2021, Trường THPT Hoàng Hoa Thám có 1.727 học sinh với 39 lớp; trong đó có 151 em là người dân tộc thiểu số. Thực hiện phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”, 2 năm qua, nhà trường đã tích cực triển khai kế hoạch tổ chức dạy và học qua mạng internet một cách hiệu quả trong thời gian tạm nghỉ để phòng-chống dịch Covid-19, góp phần hoàn thành nhiệm vụ năm học.

Trường THPT Hoàng Hoa Thám tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên về dạy và học qua internet. Ảnh: Mộc Trà
Trường THPT Hoàng Hoa Thám tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên về dạy và học qua internet. Ảnh: Mộc Trà


Theo thầy Nguyễn Văn Tàu-Hiệu trưởng nhà trường, năm học 2019-2020 là năm đầu tiên thực hiện dạy học qua internet và trên truyền hình do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhà trường đã phối hợp với Viettel và VNPT Gia Lai triển khai hệ thống dạy học trực tuyến đến toàn bộ giáo viên, học sinh. Việc dạy học theo hình thức này đạt được những kết quả nhất định với 96,7% học sinh tham gia. Từ những kinh nghiệm có được, đến thời điểm nghỉ dịch năm nay, nhà trường đã chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận để triển khai dạy và học trực tuyến theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).

“Ban Giám hiệu đã chỉ đạo tổ trưởng các tổ chuyên môn phân công giáo viên hoặc nhóm giáo viên xây dựng chương trình, nội dung bài học, học liệu để tổ chức dạy học trực tuyến theo kế hoạch của nhà trường; phê duyệt và chịu trách nhiệm về nội dung bài học. Giáo viên chủ nhiệm xây dựng hệ thống thông  tin liên lạc với phụ huynh, học sinh của lớp mình; thường xuyên kiểm tra, giám sát và có biện pháp tích cực để học sinh tham gia học tập trực tuyến có hiệu quả. Đối với những học sinh không có thiết bị, điều kiện để học tập, giáo viên đã tổ chức thành những nhóm nhỏ từ 3 đến 5 em học cùng nhau; đồng thời thông báo cho phụ huynh biết về địa điểm và lịch học để cùng quản lý. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến đã nâng lên 98,4%; chất lượng dạy và học được đảm bảo”-thầy Tàu thông tin.

Thầy Nguyễn Văn Hoành là một trong những “đầu tàu” triển khai hiệu quả nhiệm vụ dạy học qua internet của Trường THPT Pleiku khi học sinh tạm nghỉ học để phòng-chống dịch. Trên cơ sở chỉ đạo của nhà trường, với vai trò Tổ trưởng Tổ Vật lý-Công nghệ, thầy Hoành đã kịp thời phân công các thành viên của Tổ thực hiện tốt yêu cầu chuyên môn và đạt kết quả cao trong dạy và học trực tuyến.

Theo đó, dưới sự hướng dẫn của thầy Hoành, các giáo viên trong Tổ đã nhanh chóng kích hoạt tài khoản trên trang http://thptpleikugialai.lms.vnedu.vn; hướng dẫn học sinh sử dụng ứng dụng và sưu tầm bài giảng điện tử đưa lên website của trường tại địa chỉ http://thptpleiku.gialai.edu.vn để học sinh tải về ôn tập. Việc kiểm tra, đánh giá công tác dạy và học trực tuyến của giáo viên, học sinh được tiến hành thường xuyên, từ đó tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc.

Thầy Nguyễn Văn Hoành-giáo viên Trường THPT Pleiku-luôn chú trọng tích hợp công nghệ, xây dựng nội dung bài học sinh động để thu hút học sinh. Ảnh: Mộc Trà
Thầy Nguyễn Văn Hoành-giáo viên Trường THPT Pleiku-luôn chú trọng tích hợp công nghệ, xây dựng nội dung bài học sinh động để thu hút học sinh. Ảnh: Mộc Trà


Là giáo viên Vật lý, thầy Hoành cũng không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu những phương pháp hay để truyền đạt cho học sinh, khắc phục tình trạng các em mệt mỏi, chán nản vì học quá lâu qua máy tính, điện thoại.

“Khi soạn bài giảng, tôi đưa nhiều hình ảnh và clip mô phỏng hơn là chữ viết nhằm tạo sự sinh động, cuốn hút; tích hợp công nghệ để ghi chép trên màn hình máy tính như ghi phấn trên bảng trong quá trình giảng bài giúp học sinh dễ hiểu hơn; tăng cường tương tác và lồng ghép các trò chơi nhỏ liên quan đến bài học để tăng sự yêu thích cho các em… Ngoài dạy trực tiếp qua zoom, tôi còn tự mày mò quay, dựng các video bài giảng rồi đăng tải lên mạng. Kết quả, đã thu hút trên 95% học sinh tham gia”-thầy Hoành chia sẻ.

Em Nguyễn Vũ Khánh Linh (lớp 10B2, Trường THPT Pleiku) tâm sự: “Tuy học trực tuyến không thể bằng học trực tiếp với thầy-cô giáo ở trường nhưng đã giúp chúng em củng cố, bổ sung kiến thức trong thời gian nghỉ học. Bài giảng của thầy Hoành trên mạng rất sinh động, chi tiết, vận dụng đưa vào nhiều vấn đề thực tiễn nên chúng em dễ dàng tiếp thu”.

Kết nối chặt chẽ với phụ huynh

Có thể nói, dạy và học trực tuyến đã giúp học sinh củng cố kiến thức trong thời gian tạm dừng đến trường; góp phần nâng cao năng lực tự học của học sinh và kỹ năng dạy học qua internet cho giáo viên. Đặc biệt, mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường trong việc tổ chức, hỗ trợ học sinh học tập ngày càng được tăng cường.

Điển hình như tại Trường THPT Chi Lăng, sự kết nối liên lạc giữa giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm với từng phụ huynh học sinh vô cùng chặt chẽ, kịp thời. Giải pháp này đã giúp nhà trường quản lý tốt học sinh trong quá trình học tập tại nhà và duy trì tỷ lệ tham gia học trực tuyến đạt luôn 100%.

Thầy giáo Đỗ Viết Huy-giáo viên Trường THPT Chi Lăng-livestream dạy trực tuyến cho học sinh trên nhóm kín facebook. Ảnh: Mộc Trà
Thầy giáo Đỗ Viết Huy-giáo viên Trường THPT Chi Lăng-livestream dạy trực tuyến cho học sinh trên nhóm kín Facebook. Ảnh: Mộc Trà


Thầy giáo Đỗ Viết Huy-Tổ trưởng Tổ Khoa học Tự nhiên-được xem là người đi đầu trong việc hình thành và triển khai ý tưởng trên cho toàn trường. Theo thầy Huy, để dạy và học hiệu quả trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường thì điều cần làm trước tiên là phải huy động được các em vào học đầy đủ. Muốn làm được điều đó thì sự hỗ trợ từ phía cha mẹ học sinh là rất quan trọng trong thời gian các em ở nhà. Ngoài lập nhóm riêng trên Zalo, giáo viên còn cập nhật số điện thoại của tất cả phụ huynh để thông báo khi con em họ không tham gia học, không làm bài tập hoặc nộp bài trễ; từ đó có sự tác động, chấn chỉnh kịp thời.

Bên cạnh triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo 100% học sinh tham gia học trực tuyến, thầy Huy còn chú trọng tham mưu cho Ban Giám hiệu nhà trường để nâng cao chất lượng dạy và học. Sau khi thử qua tất cả các ứng dụng, phần mềm hỗ trợ dạy học qua internet, cuối cùng thầy Huy đã lựa chọn lập một nhóm kín trên Facebook cho từng lớp để đăng tải thời khóa biểu, nội dung bài học, bài kiểm tra, giao nhiệm vụ cho học sinh và livestream dạy học. Ngoài ra, bài tập hàng ngày dưới dạng trắc nghiệm cũng được đăng tải lên trang web: https://landing.shub.edu.vn.

“Các em phải làm bài tập trắc nghiệm trên web đúng giờ theo yêu cầu của giáo viên, sau đó trình bày thành một bài giải tự luận vào vở bài tập rồi chụp ảnh đăng vào phần bình luận của topic trên nhóm Facebook để giáo viên kiểm tra và báo lại cho phụ huynh. Khi livestream, việc điểm danh được thực hiện 3-4 lần trong một tiết học; sau khi kết thúc, video này sẽ được lưu lại trong nhóm giúp học sinh dễ dàng xem lại nếu chưa hiểu bài. Trang web https://landing.shub.edu.vn cũng sẽ hiển thị ngay kết quả làm bài, điểm số của từng học sinh cũng như số lượng câu trả lời đúng hoặc sai. Trên cơ sở này, giáo viên có thể tập trung sửa những bài tập mà các em trả lời sai nhiều nhất”-thầy Huy cho hay.

Công tác dạy và học trực tuyến của Trường THPT Chi Lăng được cha mẹ học sinh đánh giá khá cao. Chị Đỗ Thị Liên (tổ 6, phường An Bình, thị xã An Khê) bày tỏ: “Con trai tôi đang theo học lớp 12 tại trường. Trong thời gian con nghỉ học ở nhà để phòng-chống dịch, tôi thấy nhà trường và các giáo viên đã tổ chức dạy học trực tuyến khá chặt chẽ, đồng thời thường xuyên giữ liên lạc với phụ huynh để thông báo tình hình học tập của cháu. Nhờ đó, tôi có thể nắm bắt được con mình có học tập nghiêm túc, hiệu quả hay không để kịp thời đôn đốc, nhắc nhở”.

Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT, trong đợt tạm nghỉ học để phòng-chống dịch Covid-19 vừa qua, cấp THPT có 36.269/43.026 học sinh tham gia học trực tuyến, đạt 84,5%. Đây là kết quả đáng khích lệ đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Gia Lai.

“Hầu hết các đơn vị đã tích cực triển khai dạy học trực tuyến phù hợp với điều kiện nhà trường. Nội dung dạy học chủ yếu ôn tập lại kiến thức đã học trong thời gian trước (khoảng 80%) và dạy kiến thức ở các bài mới (khoảng 20%). Nhiều giáo viên đã có giải pháp sáng tạo trong việc ôn tập, giao bài tập cho học sinh thông qua các phương tiện dạy học. Một số trường, học sinh không có điều kiện học trực tuyến, giáo viên đã đến nhà giao bài và hướng dẫn học sinh ôn tập tại nhà. Sau khi học sinh đi học trở lại, các trường đã rà soát, đánh giá kết quả học tập qua internet để tiếp tục củng cố, hệ thống kiến thức cho các em”-Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định cho biết.
 

MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Thay thi bằng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên với những quy định mới; hướng dẫn phương pháp tính giá dịch vụ GD-ĐT là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 12 năm nay.

Phát động dự án “Đến trường an toàn” năm học 2024-2025

Phát động dự án “Đến trường an toàn” năm học 2024-2025

(GLO)- Sáng 25-11, Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai phối hợp với tổ chức AIP Foundation, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam phát động dự án “Đến trường an toàn”, năm học 2024-2025 tại các Trường Tiểu học: Phan Chu Trinh, Lê Lợi và Nguyễn Trãi (huyện Phú Thiện).