Gia Lai: Ghi nhận nhiều kiến nghị của doanh nghiệp tại các buổi Cà phê Doanh nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thông qua những buổi Cà phê doanh nhân, nhiều đề xuất, kiến nghị đã được các doanh nghiệp nêu ra với mong muốn được lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ.

Cà phê Doanh nhân được tổ chức nhằm mục đích tạo không gian gặp gỡ, đối thoại cởi mở giữa lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành có liên quan với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, tạo cơ hội để doanh nhân, doanh nghiệp chia sẻ những vấn đề đang gặp phải.

mo-hinh-ca-phe-doanh-nhan-se-dien-ra-sang-thu-5-hang-tuan-tai-nha-khach-noi-bo-ubnd-tinh-anh-ha-duy.jpg
Các buổi Cà phê doanh nhân diễn ra sáng thứ 5 hàng tuần tại Nhà khách nội bộ UBND tỉnh. Ảnh: Hà Duy

Theo đó, tại buổi Cà phê Doanh nhân lần thứ nhất vào sáng 6-3-2025, ông Nguyễn Văn Thành-Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang (phường Trà Bá, TP. Pleiku) cho biết: “Việc thực hiện các quy định mới về phòng cháy chữa cháy dẫn đến chi phí quá cao gây khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp, nhất là trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động tại các cơ sở sản xuất. Vì vậy, tôi đề nghị cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy vừa đúng quy định, vừa phù hợp tình hình thực tế tại các nhà máy của các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuận lợi hoạt động”.

Kiến nghị này xuất phát từ thực tế tại nhiều cơ sở sản xuất, mặc dù đã đầu tư hệ thống phòng cháy chữa cháy bài bản với hệ thống báo cháy tự động, máy bơm nước chữa cháy hay bình chữa cháy chuyên dùng…, song vẫn phải đảm bảo thêm yêu cầu nữa là lắp đặt thêm hệ thống chữa cháy tự động. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, nếu lắp đặt thêm hệ thống này, chi phí đội lên cả tỷ đồng, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Tương tự, ông Lưu Quốc Thạnh-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quicornac (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) chia sẻ: “Khu công nghiệp Trà Đa hiện có nhiều doanh nghiệp hoạt động liên quan đến sản xuất thực phẩm. Những ngành này đòi hỏi các tiêu chuẩn rất cao về chất lượng sản phẩm cũng như bảo đảm vấn đề môi trường. Trong khi đó, khu công nghiệp lại nằm gần Nghĩa trang Trà Đa, và tại đây đang có dự án về lò hoả táng. Nếu dự án này triển khai, những doanh nghiệp như chúng tôi rất khó hoạt động, vì sẽ khó đảm bảo được vấn đề môi trường. Vì vậy, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo dời dự án này sang địa điểm khác”.

nha-may-che-bien-chanh-day-quicornac-khu-cn-tra-da-tp-pleiku-anh-ha-duy-5598.jpg
Nhà máy chế biến chanh dây Quicornac tại khu công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Thời gian tới, Gia lai có hàng loạt dự án hạ tầng được triển khai, cần nguồn nguyên vật liệu xây dựng lớn nên để đảm bảo các nguồn vật liệu ổn định, ông Đào Trọng Tú-Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Trung Nguyên (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) kiến nghị: “Theo tôi, UBND tỉnh cần có ý kiến chỉ đạo với các địa phương, các sở, ngành tăng cường kiểm soát để tránh việc đầu cơ, nâng giá vật liệu xây dựng để đón đầu các dự án lớn của tỉnh. Đồng thời, tổ chức đấu giá các điểm quy hoạch mỏ để thu ngân sách nhà nước, đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng cho các dự án, từ đó có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án theo đúng kế hoạch”.

Và tin vui là mới đây, Gia Lai đã tổ chức đấu giá thành công 9 khu vực mỏ đất san lấp làm vật liệu xây dựng, gồm: mỏ đất làm vật liệu san lấp tại xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa); mỏ đất san lấp tại xã Ia Pếch (huyện Ia Grai); mỏ đất san lấp xã Ia Dêr (huyện Ia Grai); mỏ đất san lấp tại xã Lơ Ku (huyện Kbang); mỏ đất san lấp tại xã Tơ Tung (huyện Kbang); mỏ đất san lấp tại xã Yang Nam (huyện Kông Chro); 2 mỏ đất san lấp tại xã Ia Ake (huyện Phú Thiện) và mỏ đất san lấp làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Ia Sol (huyện Phú Thiện).

Có nhiều doanh nghiệp đã có những kiến nghị liên quan quỹ đất. Như ý kiến của ông Nguyễn Thanh Tâm-Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Sự kiện và Thể thao Tâm Nguyễn: “Công ty Tâm Nguyễn với đặc thù ngành nghề in ấn, may đồng phục, công việc phù hợp với nhiều đối tượng yếu thế, như người khuyết tật, hay người đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện Công ty cũng đã có nhận một số lao động thuộc các đối tượng này, nhưng số lượng chưa nhiều. Tôi mong muốn có một quỹ đất phù hợp để phát triển một xưởng sản xuất đủ lớn để có điều kiện tạo việc làm cho nhiều lao động thuộc các đối tượng này. Tôi đề xuất lãnh đạo UBND tỉnh xem xét tạo điều kiện về chính sách ưu đãi liên quan đến quỹ đất để chúng tôi có thể thực hiện được mong muốn này”.

Tại buổi Cà phê Doanh nhân lần thứ 2 vào sáng 13-3-2025, đại diện Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi cho biết: Công ty đang đề xuất dự án đầu tư mở rộng nâng công suất Nhà máy đường An Khê lên 25.000 tấn mía/ngày (dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 1.169 tỷ đồng). Công ty cũng đang lập dự án đầu tư nâng công suất Nhà máy điện sinh khối An Khê lên 135 MW, tăng 40 MW so với hiện nay (dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 846 tỷ đồng); đồng thời lập dự án đầu tư Nhà máy điện sinh khối-Ethanol An Khê (dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 1.741 tỷ đồng). Vì vậy, Công ty kiến nghị lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ, tạo điều kiện cho Công ty thực hiện các thủ tục đầu tư được kịp thời; đáp ứng nhu cầu thu hoạch mía theo mùa vụ của bà con nông dân trồng mía trên địa bàn.

nhieu-nha-dau-tu-quan-tam-den-tinh-hinh-thu-hut-dau-tu-vao-vi-tri-khach-san-se-san-cu-tren-duong-hung-vuong-anh-ha-duy.jpg
Nhiều nhà đầu tư quan tâm đến tình hình thu hút đầu tư vào vị trí khách sạn Sê San (cũ) trên đường Hùng Vương (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Trong 3 buổi Cà phê Doanh nhân vừa qua, nhiều doanh nghiệp cũng quan tâm đến tình hình thu hút đầu tư vào địa điểm khách sạn Sê San (cũ), tình hình thu hút đầu tư vào lĩnh vực Logistics, hoạt động doanh nghiệp công nghệ số…

Liên quan đến các kiến nghị của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung cho biết: Những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, UBND tỉnh sẽ ghi nhận và chỉ đạo các sở, ngành có liên quan nghiên cứu đề ra hướng xử lý trong thời gian tới. Từ trước tới nay, để có những buổi gặp gỡ giữa chính quyền địa phương với các doanh nghiệp, nhà đầu tư không dễ. Vì vậy, tôi mong qua các buổi Cà phê Doanh nhân được tổ chức mỗi sáng thứ Năm hàng tuần, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ tiếp tục được lắng nghe các kiến nghị, đề xuất cũng như hiến kế từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Các buổi gặp mặt đều có lãnh đạo và công chức các sở, ngành, các phòng chuyên môn để phục vụ lãnh đạo UBND tỉnh tại buổi tiếp xúc, đối thoại theo lĩnh vực phụ trách khi có yêu cầu. Qua đó, theo dõi, hỗ trợ xử lý kịp thời những vấn đề người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư cần theo từng lĩnh vực phụ trách.

Có thể bạn quan tâm

Các sản phẩm OCOP của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (ảnh đơn vị cung cấp).

Tự tin tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp quốc gia

(GLO)- Sau nhiều nỗ lực, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) đã xây dựng thành công 5 sản phẩm cà phê và hồ tiêu đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Hiện các sản phẩm này đang được hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận OCOP cấp quốc gia (OCOP 5 sao).

Ảnh: V.T

Sôi động thị trường bán lẻ trong dịp lễ

(GLO)- Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài tới 5 ngày, là dịp để người dân nghỉ ngơi, vui chơi, mua sắm và cũng được xem là cơ hội lớn kích cầu tiêu dùng. Từ các cửa hàng đến siêu thị, không khí mua sắm khá nhộn nhịp với nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá sâu.

Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai: Hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người trồng mía

Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người trồng mía

(GLO)-Niên vụ ép mía 2024-2025 dù gặp nhiều bất lợi do thời tiết, nhưng nhờ triển khai kịp thời các chính sách đầu tư, hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, bảo hiểm giá thu mua… Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai về đích sớm so với kế hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho người trồng mía. 

Nhân viên Công ty Điện lực kiểm tra Trạm biến áp của Nhà máy điện gió HBRE Chư Prông. Ảnh: V.T

Gia Lai: Đảm bảo cung ứng điện trong thời gian cao điểm

(GLO)- UBND tỉnh ban hành Công văn số 1107/UBND-CNXD về việc triển khai thực hiện Công điện số 49/CĐ-TTg ngày 23-4-2025 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả giải pháp đảm bảo cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2025 và thời gian đến.

“Vé thông hành” cho mặt hàng chanh dây

“Vé thông hành” cho mặt hàng chanh dây

(GLO)- Sự kiện Việt Nam và Trung Quốc ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch mặt hàng chanh dây không chỉ mở ra cơ hội lớn cho nông sản của Gia Lai thâm nhập thị trường tỷ dân mà còn trao cho ngành hàng này “vé thông hành” để bước vào thị trường lớn.

Giá hạt điều xuất khẩu tăng 28%

Giá hạt điều xuất khẩu tăng 28%

(GLO)- Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Hải quan, trong tháng 3-2025, Việt Nam đã xuất khẩu 55.839 tấn hạt điều, trị giá hơn 384 triệu USD (giảm 5,2% về lượng nhưng tăng 21,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024).

Tăng tốc giải ngân nguồn vốn đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tăng tốc giải ngân nguồn vốn đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(GLO)- Trên cơ sở các nguồn vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp được Trung ương giao, Sở Dân tộc và Tôn giáo Gia Lai phối hợp cùng các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021-2025).