Gia Lai: Đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện, chiến lược Quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) Gia Lai đã triển khai và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận về phát triển hạ tầng, xây dựng cơ sở dữ liệu, triển khai đầu tư các lĩnh vực và công nghệ ưu tiên, đem lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.

Thời gian qua, Gia Lai đã từng bước phát triển hạ tầng cơ sở thông tin khoa học công nghệ phục vụ CMCN 4.0 với mục tiêu đầu tư cơ sở hạ tầng, tích hợp dữ liệu (BigData) về thông tin ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Đầu tư trang thiết bị và nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu theo quy định về tổ chức chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; thực hiện việc áp dụng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

hang-xuat-khau-cua-cty-vinh-hiep-anh-ha-duy-1369-4531.png
Việc tỉnh đầu tư trang thiết bị và nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giúp doanh nghiệp thêm cơ hội mở rộng thị trường. Ảnh: Hà Duy

Ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-chia sẻ: “Việc hình thành được điểm hỏi-đáp hàng rào kỹ thuật trong thương mại nhằm tư vấn, hướng dẫn giúp cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hiểu và thực hiện tốt các quy định, điều kiện về thương mại trong quá trình sản xuất, giao thương với các nước trên thế giới là hoạt động vô cùng quan trọng khi các sản phẩm nông sản của Gia Lai đang dần tiếp cận được thị trường nhiều nước trên thế giới”.

Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 đến năm 2030, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành và địa phương nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ được giao; đồng thời tiếp tục triển khai Kế hoạch số 2415/KH-UBND ngày 3-12-2020 của UBND tỉnh về Chuyển đổi số của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch phát triển nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ thông tin như VNPT, Viettel... thực hiện các chương trình ký kết hợp tác, phục vụ tốt nhu cầu chuyển đổi số của tỉnh.

Theo đó, việc xử lý thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương đã được công khai tại địa chỉ http://dichvucong.gialai.gov.vn và đã được kết nối, cung cấp thông tin theo thời gian thực với Cổng thông tin điện tử Chính phủ, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 20/20 sở, ban, ngành thuộc tỉnh, 17/17 UBND các huyện, thị xã, thành phố và 220/220 UBND các xã, phường, thị trấn đã triển khai mô hình "Một cửa điện tử liên thông".

100-ubnd-cac-xa-phuong-thi-tran-tren-dia-ban-tinh-da-trien-khai-mo-hinh-mot-cua-dien-tu-lien-thong-anh-ha-duy-3433-8708-210-8254.jpg
100% UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã triển khai mô hình Một cửa điện tử liên thông. Ảnh: Hà Duy

Nhằm phát triển mạnh mẽ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, UBND tỉnh đã thành lập Ban điều hành Mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Gia Lai với nhiệm vụ là tham mưu, giúp UBND tỉnh điều phối các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; vận hành có hiệu quả Cổng thông tin Khởi nghiệp của tỉnh tại địa chỉ http://statup.gialai.gov.vn, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh có cơ hội tiếp cận, tham gia vào các chương trình, hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Để hỗ trợ các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tính khả thi, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng, đổi mới công nghệ từ kết quả nghiên cứu nhằm gia tăng số lượng sản phẩm khoa học công nghệ áp dụng vào sản xuất theo nhu cầu của doanh nghiệp, quản trị được nguồn tài sản trí tuệ, UBND tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dự án khu vườn ươm, Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng.

Liên quan đến dự án này, ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: “Bên cạnh các mô hình Trung tâm triển khai thì Trung tâm còn tư vấn, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống; tư vấn về các dự án khởi nghiệp, nghiên cứu hoàn chỉnh việc sản xuất các sản phẩm của các tổ chức, cá nhân (có nhu cầu) nhằm đảm bảo chất lượng trước khi đưa ra ngoài thị trường”.

Đặc biệt, nhiều dự án đầu tư công nhằm tăng cường tiềm lực thúc đẩy phát triển CMCN 4.0 cũng được tỉnh chú trọng triển khai. Có thể kể tới như các dự án: Xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu địa chính tỉnh Gia Lai với tổng mức đầu tư 1.316 tỷ đồng; đầu tư trung tâm giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng, đầu tư cơ sở hạ tầng và xây dựng nền tảng, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ đô thị thông minh, đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển các hệ thống thông tin phục vụ Chính quyền điện tử, chính quyền số với tổng mức đầu tư 73,346 tỷ đồng; xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia thuộc địa bàn tỉnh Gia Lai với tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng; dự án hoàn thiện, tăng cường tiềm lực về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tại Khu thực nghiệm khoa học và công nghệ, xây dựng cơ sở vật chất bảo tồn quỹ gen với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng; hay dự án xây dựng và phát triển hạ tầng cơ sở thông tin khoa học công nghệ phục vụ CMCN 4.0 với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng...

tinh-gia-lai-da-dau-tu-xay-dung-khu-thuc-nghiem-khoa-hoc-va-cong-nghe-xay-dung-co-so-vat-chat-bao-ton-quy-gen-voi-tong-muc-dau-tu-20-ty-dong-anh-ha-duy-9113-3857.jpg
Dưa lưới được trồng tại Khu thực nghiệm khoa học và công nghệ, xây dựng cơ sở vật chất bảo tồn quỹ gen. Ảnh: Hà Duy

Tuy vậy, vẫn còn nhiều khó khăn trong hoạt động chuyển đổi số của tỉnh, nhất là hoạt động chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Như nhận định của ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên sự chủ động tham gia ứng dụng công nghệ số còn thấp, nhiều doanh nghiệp chưa có chiến lược tiếp cận công nghệ số. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đến nay chưa thoát ra khỏi khó khăn từ ảnh hưởng của dịch Covid-19, điều kiện tài chính hạn chế nên việc đầu tư chuyển đổi số chưa được chú trọng đầu tư có hệ thống.

"Nhu cầu lớn nhất của các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động chuyển đổi số thời gian này chính là được tiếp cận cơ sở dữ liệu về đất đai, vùng nguyên liệu cây trồng, vật nuôi giúp cho doanh nghiệp tổ chức quản lý sản xuất, chế biến đạt hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; kéo giảm chi phí đầu tư các sản phẩm nền tảng số; tỉnh có những hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận ngày càng sâu nền tảng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp”-ông Tuấn cho hay.

Có thể bạn quan tâm