Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị” là chủ đề của Ngày chuyển đổi số quốc gia (10-10). Đây được xem là yếu tố cốt lõi trong quá trình chuyển đổi số. Vì thế, thời gian qua, Gia Lai quan tâm xây dựng, rà soát, kết nối, khai thác, chia sẻ, liên thông dữ liệu số nhằm hình thành cơ sở dữ liệu (CSDL) của các ngành, quốc gia.

Hệ thống CSDL dần hoàn thiện

Trong 2 năm (2021-2022), TP. Pleiku dẫn đầu về chỉ số Chính quyền điện tử khối các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Để đạt được kết quả đó, theo ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku: Thành phố đã tập trung xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC). Đến nay, Trung tâm đã tích hợp 8 nền tảng, công nghệ gồm: phản ánh hiện trường, phần mềm giám sát vô tuyến, camera an ninh, camera giao thông. Đặc biệt, Trung tâm cũng tích hợp các CSDL dùng chung của tỉnh như: y tế, giáo dục và báo cáo kinh tế-xã hội. Đây được coi là hệ thống nền tảng cốt lõi quan trọng, hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển bền vững. Qua hơn 1 năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã phát huy hiệu quả, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố; góp phần quan trọng vào công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới xây dựng chính quyền số.

Việc tích hợp, kết nối, khai thác liên thông dữ liệu giữa các cấp, ngành sẽ phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Bá Bính

Việc tích hợp, kết nối, khai thác liên thông dữ liệu giữa các cấp, ngành sẽ phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Bá Bính

Ông Phan Đình Hiếu-Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Sở Thông tin và Truyền thông) cho rằng: “Dữ liệu số được thu thập và tạo ra trên các nền tảng số, các hệ thống thông tin, có thể sử dụng, khai thác để tạo ra thông tin, tri thức. Đây được xem là loại tài nguyên mới với các giá trị không tiêu hao, càng dùng càng nhiều lên, càng dùng càng tạo ra giá trị cao hơn. Nhận thức tầm quan trọng của dữ liệu số, năm 2021, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục CSDL dùng chung của tỉnh. Đồng thời, tỉnh tiếp tục phát triển các CSDL mở của các ngành, triển khai các hệ thống thông tin theo kiến trúc chính quyền điện tử của địa phương (phiên bản 2.0) và kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu theo các yêu cầu, chỉ đạo từ Trung ương như: tích hợp, khai thác các ứng dụng từ CSDL quốc gia về dân cư. Thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai kho dữ liệu, CSDL dùng chung, chuyên ngành và CSDL mở; triển khai nền tảng tổng hợp phân tích xử lý dữ liệu; cổng dữ liệu mở; nền tảng trợ lý ảo phục vụ cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp”.

Theo đó, hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) đã triển khai thử nghiệm kết nối để khai thác CSDL quốc gia về dân cư phục vụ xử lý thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và sử dụng chính thức cho 263 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu (trong đó có 183 dịch vụ cấp tỉnh, 37 dịch vụ cấp huyện, 16 dịch vụ cấp xã) có nhu cầu khai thác dữ liệu từ CSDL quốc gia về dân cư. Đồng thời, tỉnh đã thực hiện kết nối chính thức với các hệ thống, CSDL của Trung ương qua hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) như: đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); văn bản quy phạm pháp luật; Hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến; Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch (Bộ Tư pháp); Hệ thống thông tin quản lý danh mục điện tử dùng chung của các cơ quan nhà nước phục vụ phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông); Hệ thống dịch vụ công (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam). Ngoài ra, tỉnh cũng xây dựng phần mềm kết nối liên thông từ hệ thống Một cửa điện tử của Văn phòng Đăng ký đất đai với Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công tỉnh Gia Lai; đồng bộ các thủ tục đăng ký, nhận hồ sơ trực tuyến thuộc lĩnh vực đất đai về hệ thống Một cửa điện tử của Văn phòng Đăng ký đất đai.

Kỹ thuật viên xử lý thông tin hình ảnh qua camera tại Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP. Pleiku. Ảnh: Đức Thụy

Kỹ thuật viên xử lý thông tin hình ảnh qua camera tại Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP. Pleiku. Ảnh: Đức Thụy

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Giám đốc Sở Tư pháp Lê Thị Ngọc Lam thông tin: Thời gian qua, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2433/KH-UBND ngày 9-12-2020 về số hóa, chuyển đổi, chuẩn hóa dữ liệu hộ tịch, cập nhật vào CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc và triển khai đăng ký hộ tịch trực tuyến trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Công an tỉnh triển khai số hóa sổ hộ tịch trên nền CSDL quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp còn chủ động ban hành nhiều văn bản triển khai, đôn đốc, hướng dẫn công tác số hóa sổ hộ tịch. Đến ngày 31-7, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện số hóa được 9.581 sổ và 767.281 dữ liệu, chuyển 741.934 dữ liệu vào CSDL hộ tịch điện tử; thực hiện số hóa được 838 sổ với 6.022 dữ liệu trên nền CSDL quốc gia về dân cư.

Tiếp tục kết nối, chia sẻ, làm sạch dữ liệu

Ông Phan Đình Hiếu đánh giá: Việc kết nối CSDL quốc gia về dân cư với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành đang được triển khai theo lộ trình. Qua việc kết nối đã xác thực, làm sạch được nhiều dữ liệu có liên quan, phục vụ tích cực cho việc triển khai các dịch vụ công, đồng thời từng bước bổ sung, làm giàu dữ liệu dân cư phục vụ các tiện ích của Đề án 06.

Có thể kể đến một số kết quả nổi bật như: Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã đã chuyển 22.923 thông tin khai sinh của trẻ em dưới 14 tuổi (trích xuất trên hệ thống thông tin quản lý hộ tịch) sang CSDL quốc gia về dân cư để cấp số định danh cá nhân theo quy định. Công an các xã, phường, thị trấn đã hoàn thành công tác làm sạch dữ liệu cho 1.682.035 thông tin dân cư, đảm bảo thông tin dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” khi kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư; cập nhật thông tin lên hệ thống CSDL quốc gia về dân cư đối với 36.101 hội viên Hội Người cao tuổi, 52.364 hội viên Hội Nông dân, 3.035 hội viên Hội Cựu chiến binh, 170 hội viên Hội Chữ thập đỏ, 50.480 phương tiện giao thông, 669 đối tượng an sinh xã hội, 34.896 sổ hộ tịch. Đến nay, Gia Lai đã hoàn thành công tác cấp thẻ căn cước cho 100% công dân đủ điều kiện. Sở Giao thông-Vận tải rà soát cơ sở dữ liệu và kết nối, chia sẻ CSDL giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện theo chỉ đạo của Bộ Giao thông-Vận tải, thực hiện đồng bộ 41.556 thông tin dữ liệu giấy phép lái xe đã cấp về Cục Đường bộ Việt Nam và công khai thông tin dữ liệu về giấy phép lái xe đã cấp để tổ chức, cá nhân biết, khai thác thông tin. Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thành quy trình kỹ thuật xử lý nội bộ đối với thủ tục hành chính đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin cấp giấy chứng nhận, xây dựng các dữ liệu về đất đai. Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã xác thực 1.155.594 thông tin người tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp với CSDL quốc gia về dân cư (đạt tỷ lệ 90%)…

Cùng với các hệ thống CSDL nói trên, nhiều CSDL chuyên ngành phục vụ công tác chuyên môn cũng được các đơn vị triển khai, đưa vào sử dụng, góp phần tích cực vào công tác xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính như: CSDL giá (Sở Tài chính); Hệ thống thông tin và CSDL công tác dân tộc (Ban Dân tộc); Cổng thông tin và CSDL ngành du lịch (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch); CSDL giáo dục-đào tạo; CSDL tài nguyên và môi trường...

Cần huy động tổng lực các nguồn lực như thành viên tổ công tác Đề án 06 cấp xã, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi… thành một tổ để rà soát chung tất cả các dữ liệu đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm. Ảnh: Bá Bính

Cần huy động tổng lực các nguồn lực như thành viên tổ công tác Đề án 06 cấp xã, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi… thành một tổ để rà soát chung tất cả các dữ liệu đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm. Ảnh: Bá Bính

Dù vậy, việc số hóa dữ liệu cũng như kết nối, liên thông CSDL vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: tiến độ xây dựng, làm sạch một số dữ liệu, số hóa còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ (CSDL quốc gia về đất đai; dữ liệu tiêm chủng vắc xin Covid-19; dữ liệu bảo hiểm xã hội; số hóa dữ liệu hộ tịch trên nền CSDL quốc gia về dân cư). Hệ thống thông tin của tỉnh đã kết nối chính thức với CSDL quốc gia về dân cư nhưng cán bộ, công chức, viên chức chưa thể khai thác, sử dụng thông tin dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện Đề án 06, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long yêu cầu các cấp, ngành tập trung thực hiện số hóa hồ sơ thủ tục hành chính theo quy định tại Thông tư số 01/2023/TT-VPCP của Văn phòng Chính phủ; thực hiện nghiêm túc việc luân chuyển hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trong nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước bằng phương thức điện tử. Rà soát, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành xây dựng các CSDL hiện có, bảo đảm kết nối, chia sẻ với CSDL quốc gia về dân cư theo đúng lộ trình Đề án 06; bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, CSDL, bảo vệ dữ liệu cá nhân theo đúng quy định.

Đồng thời, các tổ chức hội, đoàn thể tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan đối soát, làm sạch dữ liệu theo hướng huy động tổng lực các nguồn lực như thành viên tổ công tác Đề án 06 cấp xã, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi… thành một tổ để rà soát chung tất cả các dữ liệu đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, đồng bộ, thống nhất với CSDL quốc gia về dân cư và CSDL hộ tịch điện tử theo đúng quy định pháp luật.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

(GLO)- Chiều 14-11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.