Đây là huân chương cao quý nhất của nhà nước Pháp, được trao nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh Cộng hòa Pháp (14-7), nhằm ghi nhận những đóng góp to lớn và bền bỉ của họ trong lĩnh vực khoa học và hoạt động nhân đạo suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Giáo sư Trần Thanh Vân quê ở Đồng Hới (Quảng Bình), là nhà Vật lý lý thuyết nổi tiếng toàn cầu. Ông là người sáng lập chuỗi hội nghị Vật lý quốc tế danh tiếng như: Gặp gỡ Moriond, Gặp gỡ Blois và đặc biệt là chuỗi sự kiện Gặp gỡ Việt Nam.
Năm 2000, ông từng được trao Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh hạng Hiệp sĩ (Chevalier) và năm 2012 tiếp tục nhận Huy chương Tate của Hội Vật lý Hoa Kỳ-một trong những giải thưởng danh giá nhất trong giới khoa học.
Giáo sư Lê Kim Ngọc quê ở Vĩnh Long, từng học tại Trường Marie Curie (TP. Hồ Chí Minh) trước khi du học và tốt nghiệp xuất sắc ngành Khoa học tự nhiên tại Đại học Sorbonne (Pháp).
Bà là người đầu tiên trên thế giới đưa ra khái niệm “lát mỏng tế bào” (Thin Cell Layer)-một đột phá trong công nghệ sinh học thực vật, được trích dẫn rộng rãi trong các công trình khoa học quốc tế. Năm 2016, tại TP. Hồ Chí Minh, bà đã được Tổng thống Pháp François Hollande trực tiếp trao tặng Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh hạng Hiệp sĩ.
Từ năm 2008, vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân đã trở về Việt Nam để thực hiện dự án xây dựng ICISE tại Quy Nhơn (nay thuộc tỉnh Gia Lai). Trung tâm được khánh thành ngày 12-8-2013, mang theo khát vọng trở thành nơi giao thoa giữa khoa học, giáo dục và nhân văn.
Đến nay, ICISE đã đón tiếp hơn 16.500 nhà khoa học từ hơn 60 quốc gia, trong đó có 18 chủ nhân giải Nobel. Trung tâm không chỉ là niềm tự hào của địa phương mà còn là biểu tượng sinh động cho tinh thần kết nối tri thức toàn cầu, cống hiến vì sự phát triển bền vững.
Ngoài ICISE, vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân còn để lại dấu ấn sâu đậm qua 4 trụ cột lớn: Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam, Quỹ học bổng Vallet, hỗ trợ xây dựng và bảo trợ Làng trẻ SOS cùng việc thúc đẩy khoa học và giáo dục cho thế hệ trẻ.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định trước đây và tỉnh Gia Lai hiện nay luôn xác định khoa học và giáo dục là chiến lược trọng tâm để phát triển bền vững. Chính quyền cam kết tiếp tục đồng hành cùng ICISE, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để trung tâm phát huy tối đa sứ mệnh làm cầu nối giữa các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế, thúc đẩy các nhóm nghiên cứu xuất sắc và nuôi dưỡng đam mê khoa học cho thế hệ trẻ.