Tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm qua, Gia Lai đã từng bước tạo lập môi trường thuận lợi nhằm hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Khởi nghiệp ĐMST là quá trình khởi nghiệp dựa trên những ý tưởng sáng tạo, tạo ra sản phẩm, dịch vụ, quy trình, mô hình kinh doanh mới; hoặc sản phẩm cũ nhưng có điểm khác nổi trội, ưu việt hơn so với những sản phẩm, dịch vụ đã từng có trên thị trường và được phát triển nhanh chóng vượt bậc. Nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cùng những nét văn hóa đặc trưng của vùng đất cao nguyên, nhiều chủ thể khởi nghiệp ĐMST đã hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp từ nông sản chủ lực của địa phương với những cách làm mới, góp phần quảng bá, tăng giá trị sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết để nâng cao hiệu quả sản xuất cho cá nhân và cộng đồng.

Chị Nguyễn Thị Hà (xã Ia Vê, huyện Chư Prông) tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để chế biến trà mãng cầu, góp phần gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp ở địa phương. Ảnh: T.D

Chị Nguyễn Thị Hà (xã Ia Vê, huyện Chư Prông) tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để chế biến trà mãng cầu, góp phần gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp ở địa phương. Ảnh: T.D

Chứng kiến người nông dân trồng mãng cầu xiêm với diện tích khá lớn nhưng tới vụ thu hoạch, giá cả xuống thấp, thậm chí không có thương lái thu mua, năm 2013, chị Nguyễn Thị Hà (xã Ia Vê, huyện Chư Prông) tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có này để chế biến trà, góp phần gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp ở địa phương. Chị chia sẻ: “Qua tìm hiểu, tôi được biết quả mãng cầu có tác dụng ngăn ngừa ung thư, ổn định huyết áp, ngừa bệnh tim mạch. Vì vậy, tôi đã lên ý tưởng khởi nghiệp từ sản phẩm này. Đến năm 2019, tôi mở cơ sở chế biến trà mãng cầu xiêm Minh Hưng Phát. Ngoài sấy trà từ quả, tôi đã nghiên cứu chế biến trà từ hoa và lá mãng cầu để tận dụng tối đa nguồn phụ phẩm. Được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương cùng các ngành, tôi đã xây dựng trà mãng cầu xiêm trở thành sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022. Hiện sản phẩm trà mãng cầu xiêm Minh Hưng Phát tiêu thụ hơn 2 tấn/năm và có mặt tại các tỉnh, thành như: Bình Dương, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…”.

Là một trong những người trẻ bước đầu thành công với mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao, anh Đoàn Anh Tuấn-Chủ cơ sở sản xuất cà phê D&S (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) đã đưa nông sản chủ lực của địa phương vươn xa. Theo anh Tuấn, khởi nghiệp từ nông nghiệp không chỉ là câu chuyện của niềm đam mê, khát vọng mà còn là sự cạnh tranh khốc liệt trên thương trường. Bởi vậy, người khởi nghiệp phải làm chủ khoa học công nghệ, quy trình sản xuất và sáng tạo trong kết nối để xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Dù gặp không ít khó khăn nhưng sau thời gian kiên trì học hỏi và nhận được sự hỗ trợ từ các ngành, địa phương, sản phẩm khởi nghiệp của anh Tuấn đang phát triển rất tốt. “Hiện nay, với vùng nguyên liệu gần 15 ha, mỗi năm, cơ sở sản xuất cà phê D&S bán ra thị trường trong nước trên 15 tấn nhân xanh và 2 tấn cà phê rang xay thành phẩm. Khi được các ngành chức năng địa phương tiếp sức xây dựng thành sản phẩm OCOP, các sản phẩm cà phê chất lượng cao của tôi được thị trường tiếp nhận với giá tương đối cao và được người tiêu dùng tin tưởng”-anh Tuấn cho hay.

Anh Nguyễn Văn Thiêm (bìa phải)-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nguyễn Thiêm (xã Ia Chía, huyện Ia Grai) khởi nghiệp dựa trên chính những ý tưởng đổi mới sáng tạo. Ảnh: T.DT

Anh Nguyễn Văn Thiêm (bìa phải)-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nguyễn Thiêm (xã Ia Chía, huyện Ia Grai) khởi nghiệp dựa trên chính những ý tưởng đổi mới sáng tạo. Ảnh: T.DT

Trong xu thế phát triển của công nghệ, các chủ thể khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách làm hay để quảng bá sản phẩm, tiếp cận khách hàng thông qua việc phát huy tối đa lợi ích của các nền tảng mạng xã hội mang lại. Qua các trang mạng xã hội, chủ thể có thể tiếp cận, kết nối với khách hàng dễ dàng hơn. Khởi nghiệp từ hạt điều rang củi, anh Nguyễn Văn Thiêm-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nguyễn Thiêm (xã Ia Chía, huyện Ia Grai) đã nỗ lực đưa sản phẩm nhanh chóng vươn ra thị trường. Anh cho biết: “Sau khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, mã số, mã vạch và tiêu chuẩn cơ sở… sản phẩm hạt điều rang củi đã có thương hiệu chính thức trên thị trường, xây dựng uy tín thương mại cũng như quảng bá nhằm phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị hàng hóa. Chúng tôi đang đẩy mạnh quảng bá trên Facebook, Zalo và các trang mạng xã hội”.

Thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Gia Lai là địa phương sớm triển khai chương trình hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST so với các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Cùng với sự chủ động của chủ thể thì các ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh cũng đã quan tâm tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST năng động và hiệu quả với sự tham gia, kết nối thường xuyên của các thành tố trong hệ sinh thái này. Các hoạt động được triển khai đồng bộ từ khâu lựa chọn nhân sự, công tác truyền thông đến việc tham gia, đề xuất các chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp ĐMST.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) đã tích cực tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách như: Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh; thành lập Ban điều hành Mạng lưới khởi nghiệp ĐMST và xây dựng Cổng thông tin khởi nghiệp tỉnh Gia Lai tại địa chỉ: http://startup.gialai.gov.vn. Công tác thông tin, truyền thông, phát triển hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho khởi nghiệp ĐMST được tăng cường triển khai với các nội dung liên quan như: đào tạo về khởi nghiệp ĐMST, về huấn luyện viên khởi nghiệp; ngày hội khởi nghiệp ĐMST; tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, hội thảo chuyên sâu về khởi nghiệp ĐMST; diễn đàn đối thoại khởi nghiệp ĐMST; phát triển tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp, hợp tác xã; sở hữu trí tuệ với khởi nghiệp ĐMST; đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích… Hàng năm, Sở KH-CN phối hợp với các ngành, đơn vị tổ chức các cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh cũng đã quan tâm phát triển cơ sở phục vụ hoạt động khởi nghiệp ĐMST. Sở KH-CN đang triển khai Dự án “Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu vườn ươm, trung tâm khởi nghiệp ĐMST làm trọng điểm tại tỉnh” để xây dựng cơ sở ươm tạo, trung tâm khởi nghiệp ĐMST nhằm triển khai các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tính khả thi; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng, đổi mới công nghệ từ kết quả nghiên cứu nhằm tăng số lượng sản phẩm KH-CN áp dụng vào sản xuất theo nhu cầu của doanh nghiệp và quản trị được nguồn tài sản KH-CN.

Anh Đoàn Anh Tuấn-Chủ cơ sở sản xuất cà phê D&S (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) đã đưa sản phẩm cà phê của địa phương vươn xa với nhiều cách làm sáng tạo. Ảnh: T.D

Anh Đoàn Anh Tuấn-Chủ cơ sở sản xuất cà phê D&S (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) đã đưa sản phẩm cà phê của địa phương vươn xa với nhiều cách làm sáng tạo. Ảnh: T.D

Bà Nguyễn Hương Quỳnh-Giám đốc điều hành của Nền tảng kết nối ĐMST BambuUP: “Muốn thành công, các mô hình khởi nghiệp ĐMST ở Gia Lai cần lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng, định vị đúng thị trường, ra mắt đúng thời điểm; đặc biệt là phải thể hiện được sự khác biệt và tính độc đáo của sản phẩm. Thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST không chỉ đơn thuần là hỗ trợ cho khởi nghiệp. Yếu tố ĐMST cần được coi trọng, bởi đây là một cách để tái cấu trúc và nâng cao hiệu suất nền kinh tế địa phương. Do đó, cùng với sự chủ động của các chủ thể với những ý tưởng khởi nghiệp ĐMST thì các cấp, ngành, đoàn thể cần quan tâm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của tỉnh năng động và hiệu quả”.

Ông Nguyễn Ngọc Cường-Phó Giám đốc Sở KH-CN-khẳng định: Khởi nghiệp ĐMST là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, là “chìa khóa” để chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình tăng trưởng mới. Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tỉnh Gia Lai đang ở giai đoạn hình thành và phát triển. Với mục đích tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST năng động và hiệu quả, Gia Lai đã có nhiều hoạt động để từng bước tạo lập môi trường thuận lợi nhằm hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

“Gia Lai có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và nền kinh tế năng động đang trong xu hướng phát triển đã tạo nhiều lợi thế cho sự hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Cùng với đó, “làn sóng” khởi nghiệp ĐMST lan rộng trong cộng đồng và nhận được sự quan tâm lớn từ các cấp, các ngành, đơn vị liên quan đã thúc đẩy tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh”-ông Cường nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở KH-CN, để chương trình khởi nghiệp ĐMST phát triển bền vững, các cấp, ngành đang tiếp tục quan tâm xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực am hiểu nhiều lĩnh vực, có khả năng tiếp cận và ứng dụng, kết nối được các nguồn lực để cùng hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST; đồng thời, xây dựng các cơ chế hỗ trợ và ưu đãi dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp, các nhà đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST và có cơ chế để hình thành, công nhận các loại hình đầu tư mới như: quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần… để hỗ trợ các cá nhân, tổ chức khởi nghiệp ĐMST. Bên cạnh đó, tỉnh cần tập trung đầu tư nguồn lực hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, trang-thiết bị nhằm tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ các dự án khởi nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Từng theo học Trường đại học Tây Nguyên, ngành kế toán, công tác tại nhiều công ty, chị Phạm Thị Nga (32 tuổi, trú tại Ea M'Nang, H.Cư Mgar, Đắk Lắk) quyết tâm về quê khởi nghiệp mô hình trái cây sấy khô.

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

(GLO)- Sau 3 năm gắn bó với nghề, chị Nay Ly Cơ (tổ 4, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã thành công với việc làm rượu cần truyền thống của người Jrai. Không những vậy, chị còn tích cực quảng bá để hương rượu cần có cơ hội được bay xa.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Từ những chiếc bánh ép Huế bình dân, Ngô Văn Quốc (22 tuổi, quê P.Thuận An, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) đã cho ra đời sản phẩm đóng gói đẹp mắt, mang thương hiệu của Huế, bày bán tại các trung tâm thương mại, cửa hàng sân bay... khắp cả nước.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

(GLO)- Chiều 10-10, chị Nguyễn Thị Thu Trang-Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo LiLa (xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) thi thuyết trình chung kết toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Đại úy Y Yến (36 tuổi, dân tộc Xơ Đăng)-Trưởng Công an xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, Kon Tum, đã được Bộ Công an trao tặng danh hiệu “Phụ nữ Công an tiêu biểu”, “Nữ Công an cơ sở xuất sắc” năm 2023.