Gia Lai: Ban Dân tộc HĐND các cấp nâng cao hiệu quả giám sát

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong nhiệm kỳ 2016-2021, Ban Dân tộc HĐND các cấp ở Gia Lai đã chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát từ khâu lựa chọn nội dung, lĩnh vực đến hình thức, cách thức giám sát. Qua đó, không ít khó khăn, vướng mắc liên quan được các ngành và địa phương kịp thời tháo gỡ, góp phần thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc.


Chú trọng chất lượng hoạt động

Căn cứ vào chương trình hoạt động, giám sát của Thường trực HĐND tỉnh và nghị quyết của HĐND tỉnh, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình giám sát, khảo sát hàng năm phù hợp với thực tế địa phương. Ngoài việc tổ chức giám sát, khảo sát chung về tình hình thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh liên quan đến chính sách dân tộc, Ban còn tổ chức 20 cuộc giám sát, khảo sát với 18 chuyên đề về lĩnh vực dân tộc.

Ban Dân tộc HĐND tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan để tăng hiệu quả giám sát trong từng lĩnh vực. Ảnh: Hồng Thi
Ban Dân tộc HĐND tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan để tăng hiệu quả giám sát trong từng lĩnh vực. Ảnh: Hồng Thi

Theo ông Nguyễn Hữu Chí-Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, trong nhiệm kỳ 2016-2021, nội dung giám sát đều có trọng tâm, trọng điểm, là những vấn đề có tác động lớn đến việc thực hiện các chính sách dân tộc ở địa phương như: việc thực hiện chính sách định canh định cư; triển khai thực hiện chính sách pháp luật về trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016-2020; tình hình cho thuê, chuyển nhượng đất sản xuất trong đồng bào DTTS; tình hình quản lý và sử dụng các công trình nước sinh hoạt tập trung; việc thực hiện và hiệu quả của các chính sách tín dụng, cho vay đối với hộ đồng bào DTTS; tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS; thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào DTTS; tình hình hỗ trợ các mặt hàng chính sách đảm bảo xã hội cho đồng bào DTTS...

“Khi tổ chức đoàn giám sát, Ban mời Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành có chuyên môn, am hiểu sâu về lĩnh vực mà đoàn giám sát, khảo sát yêu cầu. Tùy theo vấn đề giám sát, chúng tôi yêu cầu đơn vị được giám sát chuẩn bị báo cáo bằng văn bản gửi cho đoàn trước. Đoàn giám sát làm việc với các ban, ngành của tỉnh trước để nghe ý kiến, sau đó mới tổ chức đi thực tế gặp gỡ người dân ở cơ sở, khảo sát, xem xét các nội dung trong báo cáo và làm việc với cấp xã, huyện. Trên cơ sở đó, Ban thảo luận, đánh giá kết quả giám sát, rút ra những việc làm được và chưa làm được, những thuận lợi, khó khăn và kiến nghị của đơn vị”-ông Chí cho biết.

Huyện Kông Chro có tỷ lệ đồng bào DTTS khá cao. Những năm qua, HĐND huyện luôn chú trọng thực hiện hiệu quả chức năng giám sát, nhất là các vấn đề liên quan đến thực thi chính sách dân tộc.

Ông Nguyễn Thanh Minh-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện-cho biết: Trong nhiệm kỳ 2016-2021, Ban Dân tộc HĐND huyện đã tổ chức 12 cuộc giám sát và khảo sát về việc khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế; việc triển khai cho vay vốn đối với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng khác; tình hình thực hiện chương trình khuyến nông; việc triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS”; việc phát huy vai trò và thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS; việc thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135, chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo trên địa bàn huyện; việc ổn định định cư cho các hộ di cư tự do tại xã Chư Krêy; việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước tại các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn huyện… Sau mỗi đợt giám sát, các đoàn đã kịp thời báo cáo kết quả và tiếp tục theo dõi; đồng thời có văn bản đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện các kiến nghị theo quy định.

Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh theo Nghị định 116 của Chính phủ tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Nguyễn Bá Ngọc (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện). Ảnh: Hồng Thi
Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh theo Nghị định 116 của Chính phủ tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Nguyễn Bá Ngọc (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện). Ảnh: Hồng Thi

Hiệu quả sau giám sát

Theo thống kê của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, trong nhiệm kỳ 2016-2021, qua giám sát, khảo sát, Ban đã có 155 kiến nghị đối với Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp có thẩm quyền. Đa số kiến nghị sau mỗi đợt giám sát đã được UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khắc phục và giải quyết đầy đủ, kịp thời. Đến nay, 144/155 kiến nghị đã được giải quyết, đạt 92,9%.

“Nhìn chung, các cuộc giám sát, khảo sát của Ban tại các đơn vị, địa phương trong nhiệm kỳ đều đạt kết quả tốt, góp phần tích cực vào sự phát triển lĩnh vực chính sách dân tộc của tỉnh nhà, hạn chế những biểu hiện tiêu cực. Ban đã thực hiện đúng các quy định và có sự phối hợp chặt chẽ, khoa học, cụ thể với các ngành liên quan. Mối quan hệ công tác giữa Ban với các cơ quan hành chính nhà nước cũng ngày càng được tăng cường, thống nhất hơn”-Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh nhận định.

Nhờ sự giám sát chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở, nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện khá hiệu quả các chương trình, chính sách cho đồng bào DTTS, điển hình như huyện Ia Pa. Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Trần Xuân Hiệp cho hay: Trong 5 năm (2015-2020), huyện đã tích cực triển khai hỗ trợ giống cây trồng, phân bón, bò và dê giống cho hộ nghèo là người DTTS, giúp họ từng bước vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán, muối I ốt cho hộ DTTS nghèo; hỗ trợ di dân định canh định cư; Chương trình 135… cũng được chú trọng. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng chính việc triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc đã góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và tạo động lực để huyện đẩy nhanh công tác giảm nghèo bền vững.

Để Ban Dân tộc HĐND tỉnh hoạt động có hiệu lực, hiệu quả và thiết thực hơn nữa trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Hữu Chí, đơn vị sẽ chủ động trong việc xây dựng chương trình hoạt động, kế hoạch giám sát, khảo sát và thực hiện hiệu quả kế hoạch này; tăng cường trao đổi về nội dung và thời gian, địa điểm, thành phần giám sát, khảo sát; tạo điều kiện cho các thành viên chủ động sắp xếp công tác chuyên môn để tham gia đầy đủ các đợt giám sát, khảo sát của Ban; họp đoàn trước và sau mỗi đợt giám sát, khảo sát. Ngoài ra, Ban cũng sẽ cung cấp đầy đủ thông tin, nhất là thông tin về phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh và các lĩnh vực văn hóa, xã hội, dân tộc trong tỉnh tới các thành viên; đồng thời, thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị sau giám sát, tái giám sát.

HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời

Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời

(GLO)- Những năm gần đây, Trung ương và các cấp chính quyền của tỉnh đã quan tâm đầu tư nhiều công trình, dự án chống sạt lở bờ sông, suối. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách có hạn nên chưa thể đầu tư rộng khắp, tình trạng sạt lở bờ sông, suối ở một số nơi vẫn xảy ra.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cùng các đại biểu dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Ia Mrơn. Ảnh: Vũ Chi

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Ia Mrơn

(GLO)- Chiều 16-11, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa đã về dự, chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với bà con Liên khu dân cư thôn Ma Rin 3 và Ma San (xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Tuân (bìa phải)-Bí thư Chi bộ làng Khôn trao đổi về công tác chuẩn bị đại hội chi bộ với lãnh đạo Đảng ủy xã Ia Mơ. Ảnh: P.D

Làng Khôn gặp khó về công tác cán bộ

(GLO)- Theo kế hoạch, đầu năm 2025, làng Khôn (xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) sẽ tiến hành bầu trưởng thôn và tổ chức Đại hội Chi bộ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2027. Tuy nhiên, làng Khôn vẫn còn khó khăn trong công tác cán bộ và phát triển đảng viên.