Giá cà phê hôm nay 14-4: 'Thế lực' mới trên thị trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giá cà phê hôm nay khởi đầu tuần mới với nhiều yếu tố bất định sau 4 phiên tăng liên tiếp ở tuần trước.

Hôm nay, 14-4, giá cà phê trong nước bắt đầu với giá 125.000 đồng/kg, còn trên sàn tạm thời tham chiếu ở mức 5.099 USD/tấn với Robusta và 7.940 USD/tấn với Arabica cho cùng kỳ hạn giao tháng 5-2025.

Theo chuyên gia về thị trường cà phê Nguyễn Quang Bình, giá cà phê tuần này khả năng tăng - giảm chia đều 50/50, không có xu hướng nào mạnh hơn.

Yếu tố giúp khả năng giá cà phê đi lên là đồng USD đang giảm so với đồng nội tệ của các nước xuất khẩu cà phê; còn khả năng giá giảm có thể do các nhà đầu tư bán ra sau 4 phiên tăng liên tiếp với Robusta.

Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 5-2025 đã tăng từ ngày 9-4, phiên sau tăng mạnh hơn phiên trước khi tăng lần lượt 26, 51, 64 và 162 USD/tấn, tổng cộng tăng 303 USD/tấn.

Thị trường trong nước năm nay nổi lên "thế lực" mới là nông dân trong vai trò điều tiết thị trường. Nhờ liên tiếp trúng giá nhiều mặt hàng: cà phê, tiêu, sầu riêng,… nên nông dân Tây Nguyên có của ăn của để, có khả năng trữ hàng và không gặp áp lực bán ra.

Cà phê hái chín vừa tăng chất lượng vừa tăng trọng lượng
Cà phê hái chín vừa tăng chất lượng vừa tăng trọng lượng

Ông Nguyễn Đắc Đạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại Nga Thanh – vận hành như một đại lý cấp 2 chuyên mua cà phê tại địa phương, cho hay 2 năm gần đây rất nhiều nông dân xây kho tự bảo quản cà phê thay vì mang đến đại lý gởi như trước.

"Mua bán bây giờ là chốt giá thời điểm hiện tại, trả tiền, nhận cà phê, không còn buôn cà phê "giấy" như trước đó" – ông Đạt nêu.

Mua cà phê "giấy" là khái niệm giao dịch cà phê tương tự như trên sàn, tức là chuyển nhượng hợp đồng trong tương lai nhưng độ rủi ro cao hơn do thiếu trọng tài, các bên mua bán dựa trên niềm tin.

Trước đó, khi thu hoạch cà phê xong, do không có kho tự bảo quản nên nông dân thường gửi đại lý, chốt với nhau về số lượng nhưng chưa chốt giá. Nông dân thường chốt giá theo đợt, tùy theo nhu cầu. Các đại lý thường không thu tiền gửi cà phê của nông dân mà dùng cà phê này để kinh doanh.

Thời gian qua, giá cà phê biến động mạnh, chủ yếu là tăng quá nóng khiến nhiều đại lý vỡ nợ vì đã trót bán ra giá thấp nhưng chưa chốt giá mua vào với nông dân.

Do đó, thị trường chuyển sang hướng "chắc ăn" là giao dịch mua bán ngay, trả tiền – nhận hàng để tránh rủi ro về giá. Nông dân cũng không có hiện tượng bán tháo cà phê khi giá giảm.

Theo Tin-ảnh: Ngọc Ánh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

“Vé thông hành” cho mặt hàng chanh dây

“Vé thông hành” cho mặt hàng chanh dây

(GLO)- Sự kiện Việt Nam và Trung Quốc ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch mặt hàng chanh dây không chỉ mở ra cơ hội lớn cho nông sản của Gia Lai thâm nhập thị trường tỷ dân mà còn trao cho ngành hàng này “vé thông hành” để bước vào thị trường lớn.

Giá hạt điều xuất khẩu tăng 28%

Giá hạt điều xuất khẩu tăng 28%

(GLO)- Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Hải quan, trong tháng 3-2025, Việt Nam đã xuất khẩu 55.839 tấn hạt điều, trị giá hơn 384 triệu USD (giảm 5,2% về lượng nhưng tăng 21,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024).