Một vụ cháy rừng ở New South Wales, Australia. Ảnh: AP |
Với tần suất xảy ra trung bình 2 - 7 năm một lần, El Nino là một hiện tượng khí hậu được đánh dấu bằng tình trạng nhiệt độ mặt nước biển ấm hơn mức trung bình ở khu vực trung tâm và phía đông Thái Bình Dương gần xích đạo.
Cuối tháng 3/2023, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc (LHQ) đã công bố một báo cáo dài 20 trang, chắt lọc tài liệu khoa học của gần 10 năm nhằm cảnh báo nguy cơ hiện hữu của tình trạng ấm lên toàn cầu, cũng như đề xuất những giải pháp đối phó.
Tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi nơi được coi là lạnh nhất thế giới, Siberia- cũng “đổ mồ hôi” khi nhiệt độ cao kỷ lục trong tuần qua với 37,7 độ C. Nắng nóng khắc nghiệt cũng lan rộng khắp Trung Á. Vào đầu tháng 4, Turkmenistan có nhiệt độ lên tới 42 độ C. Đây là kỷ lục thế giới đối với vùng vĩ độ đó. Kể từ đó, sức nóng không ngừng tăng lên. Ngày 7/6, nhiệt độ ở Trung Quốc đã vượt ngưỡng 45 độ C, ở Uzbekistan là 43 độ C và Kazakhstan là 41 độ C.
Nhà khí hậu học Maximiliano Herrera nhận xét rằng đó là một đợt nắng nóng đang viết lại lịch sử khí hậu thế giới.
Trong 3 năm qua, thế giới chịu ảnh hưởng của hiện tượng La Nina (mưa nhiều). Chính vì vậy nhiều chuyên gia lo ngại hiện tượng El Nino năm nay sẽ khó lường. El Nino ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế- xã hội đặc biệt là sản xuất nông nghiệp dẫn đến tác động tiêu cực tới giá cả lương thực thực phẩm toàn cầu.
Thực tế mấy chục năm qua cho thấy, quá trình công nghiệp hóa toàn cầu đã làm gia tăng lượng khí thải nhà kính vào bầu khí quyển. Hệ quả là khí hậu bị biến đổi, nhiệt độ bề mặt Trái đất tăng lên, nước biển dâng, kéo theo các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán ngày càng gay gắt.