Bệnh viêm gan virus là bệnh truyền nhiễm phổ biến toàn cầu, trong đó Việt Nam có hơn 10 triệu người mang virus viêm gan B, C. Bệnh gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và có thể tử vong do các biến chứng của viêm gan virus
Bệnh nhân H.S.H (36 tuổi, ở Thanh Hóa) chỉ phát hiện viêm gan C khi xuất hiện các triệu chứng của viêm gan mạn tính như mệt mỏi tăng dần, da và mắt vàng, phù hai chân, đau hạ sườn phải. Còn bệnh nhân V.T.T (56 tuổi; ở Hạ Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) chỉ "vô tình" phát hiện viêm gan B khi phải phẫu thuật cắt mật. Tuy nhiên, sau 1 tuần điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng sức khỏe của cả 2 bệnh nhân đã tiến triển rõ rệt.
Hơn 10 triệu người nhiễm viêm gan B, C
PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, cho hay viêm gan đã trở thành nguyên nhân đứng thứ 3 gây tử vong ở Việt Nam với gánh nặng bệnh tật rất lớn. Khi bị nhiễm virus viêm gan, người bệnh có thể tiến triển nhanh tới viêm gan cấp và suy gan, có thể viêm mạn tính và dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Đáng chú ý, bệnh viêm gan virus thường diễn biến thầm lặng, có tới 90% người nhiễm không biết về tình trạng nhiễm virus của bản thân, vì thế khi phát hiện thường đã ở giai đoạn muộn, khi đã viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan.
Theo PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia về bệnh gan mật Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc, nguyên nhân khiến ung thư gan tăng chóng mặt trong những năm qua đến từ tình trạng nhiễm virus viêm gan cao, thói quen tiêu thụ rượu bia nhiều, thực phẩm và môi trường sống tồn dư hóa chất bảo quản, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, tình trạng tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là các thuốc có thành phần paracetamol. Trong số các nguyên nhân đó, virus viêm gan B và C là vấn đề nổi cộm. Đây là 2 loại virus gây ra hơn 80% ca bệnh ung thư gan được chẩn đoán hiện nay.
Tại Việt Nam, tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B, C cao hơn nhiều, trung bình khoảng 10%-15% dân số, trong đó có những khu vực có tỉ lệ nhiễm đến 33%. Số người nhiễm hai loại virus này ước tính khoảng hơn 10 triệu người. Tuy nhiên, 90% người bệnh không biết về tình trạng của mình, chỉ có khoảng 10% số người mắc viêm gan B và C được chẩn đoán và chỉ khoảng 30% người được chẩn đoán được điều trị.
Siêu âm gan là một trong những biện pháp để đánh giá tình trạng sức khỏe lá gan Ảnh: Kim Thanh |
Điều trị viêm gan B, đừng tự ý ngưng thuốc
Theo giới chuyên môn, ung thư gan là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Bệnh thường diễn tiến âm thầm nên khi phát hiện phần lớn các trường hợp đã ở giai đoan trung gian hoặc giai đoạn tiến triển và đã quá chỉ định điều trị triệt để. Viêm gan virus B có liên hệ mật thiết và là nguyên nhân dẫn đến ung thư gan. Tại Việt Nam, một nghiên cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy khảo sát trên 24.091 bệnh nhân ung thư gan cho thấy có đến 62,3% các trường hợp có viêm gan virus B mạn.
Với viêm gan C hiện đã có thuốc điều trị khỏi bệnh. Tổng thời gian điều trị khoảng 3 tháng, ngày uống 1 viên, chi phí cho cả liệu trình đã giảm đi rất nhiều. Đây là một trong những tiến bộ vượt bậc của y học hiện đại. Hiện nay ở một số cơ sở điều trị, BHYT đã thanh toán 50% tiền thuốc nên bệnh nhân viêm gan C đã đỡ được gánh nặng chi phí điều trị.
Viêm gan B không lây lan qua đường tiếp xúc thông thường như ôm, hôn, ho, hắt hơi hoặc ăn uống chung mà có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với máu, qua quan hệ tình dục không được bảo vệ và tiếp xúc với chất dịch cơ thể bị nhiễm bệnh. Vì vậy, cần tránh quan hệ tình dục không được bảo vệ. Không dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo râu, kim tiêm, cắt móng tay, bàn chải đánh răng hoặc khuyên tai, trang sức cơ thể - bất cứ thứ gì có thể có dấu vết máu. Không tiếp xúc trực tiếp với vết cắt và vết loét mở trên da và niêm mạc...
PGS Thành cho biết với việc ứng dụng khoa học hiện đại vẫn còn hy vọng cho bệnh nhân viêm gan B mạn tính để không phải điều trị thuốc cả đời, đặc biệt là với những bệnh nhân trẻ. Tuy nhiên, quan trọng nhất là bệnh nhân phải chủ động phát hiện bệnh, chủ động điều trị và tuyệt đối tuân thủ phác đồ.
Các bác sĩ cũng lưu ý hiện vắc-xin ngừa virus viêm gan B có trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, cũng như thuốc tiêm ngừa được phổ biến rộng rãi và giá thành không cao. Vì vậy, phòng bệnh hơn chữa bệnh, chúng ta nên chủ động tầm soát và tiêm phòng virus viêm gan B. Nếu đã nhiễm virus viêm gan B, người bệnh nên tái khám thường xuyên với bác sĩ chuyên khoa gan mật hoặc khi đã có chỉ định phải dùng thuốc điều trị thì không nên ngưng thuốc khi không có ý kiến của bác sĩ. Thực tế, có những người bệnh sau một thời gian điều trị đáp ứng tốt, nồng độ virus trong máu đạt dưới ngưỡng phát hiện, chức năng gan cải thiện nhưng vì một số yếu tố khách quan đã tự ý ngưng thuốc (như chủ quan vì bệnh đã ổn định, tự ngưng thuốc khi mang thai…) mà chưa qua tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị. Điều này khiến người bệnh có thể nguy kịch do viêm gan virus B bùng phát chỉ sau ngưng thuốc ức chế virus.
Khánh Anh (NLĐO)