Đức Cơ: Quay quắt vì nắng hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến hàng trăm héc ta cà phê, hồ tiêu ở huyện Đức Cơ (Gia Lai) chết khô vì không có nước tưới. Không những vậy, hàng trăm hộ dân nơi đây cũng đang quay quắt vì thiếu nước sinh hoạt.

 

Cà phê, hồ tiêu chết khô

Anh Nguyễn Bá Huấn (làng Bua, xã Ia Pnôn) cho biết: Vườn cà phê 1 ha của gia đình anh tái canh 3 năm trước, nay đã đến kỳ thu bói. Nhưng do nắng nóng kéo dài, những con suối xung quanh đều khô cạn, giếng khoan cũng hết nước nên không thể tưới cho vườn cà phê. “Giờ cây khô lá, chết cháy nên tôi đành phải chặt bỏ. Ước tính trong đợt hạn này, gia đình tôi thiệt hại hơn 120 triệu đồng. Chưa có năm nào ở đây nắng hạn kéo dài như vậy. Nhiều vườn cà phê của các hộ trong làng cũng đang chuẩn bị chặt bỏ vì cây bắt đầu khô héo, cháy lá”-anh Huấn nói.

 

Vườn cà phê của anh Nguyễn Văn Tâm (làng Bua, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) sắp phải chặt bỏ vì cây đã khô héo. Ảnh: N.S
Vườn cà phê của anh Nguyễn Văn Tâm (làng Bua, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) sắp phải chặt bỏ vì cây đã khô héo. Ảnh: N.S


Cách vườn của anh Huấn không xa, hơn 1,2 ha cà phê kinh doanh của anh Nguyễn Văn Tâm (cùng làng) cũng đang chết khô. Anh Tâm cho hay: “Nắng nóng kéo dài gần 1 tháng qua khiến nguồn nước khô cạn, đành bất lực nhìn cây cà phê rụng lá, cháy khô. Năm ngoái, gia đình tôi thu hơn 250 triệu đồng từ vườn cà phê này. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình, giờ sắp phải chặt bỏ thấy xót lắm”.

Chủ tịch UBND xã Ia Pnôn Rơ Châm Khiêm cho biết: Trong số 843 ha cà phê trên địa bàn thì có khoảng 100 ha bị thiệt hại 50-70% do thiếu nước tưới. Mặc dù địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng-chống hạn nhưng do thời tiết nắng nóng kéo dài, một số con suối, giếng khoan đã cạn kiệt, không đảm bảo nước tưới dẫn đến nhiều diện tích cà phê khô héo, cháy lá. “Thời gian tới nếu không có mưa thì sẽ thiệt hại nặng nề hơn. Thậm chí, nhiều vườn cà phê phải chặt bỏ. Cách đây 5 ngày, xã thống kê có 25 ha cà phê bị thiệt hại do nắng hạn nhưng đến giờ, con số này đã tăng gấp 4 lần”-ông Khiêm thông tin.

Ở làng Sơn (xã Ia Nan), vườn hồ tiêu 1,8 ha của gia đình bà Nguyễn Thị Lợi đã chết khô do thiếu nước tưới. Bà Lợi cho biết: “Gia đình tôi có giếng đào, giếng khoan nhưng tất cả đều khô cạn. Không chỉ gia đình tôi mà cả vùng này đều thế. Cây hồ tiêu và cà phê không có nước tưới coi như bỏ”.

Bà Bùi Thị Thanh-Chủ tịch UBND xã Ia Nan-cho hay: Nắng hạn kéo dài khiến diện tích cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả của người dân trong xã bị ảnh hưởng nặng nề. Hiện toàn xã có 291,6 ha cà phê, 18 ha hồ tiêu và 3 ha cây ăn quả bị khô hạn. Xã đã lập 3 tổ công tác thường xuyên xuống địa bàn để kiểm tra tình hình thiệt hại do nắng hạn gây ra. Tuy nhiên, diện tích cây trồng bị thiệt hại do nắng hạn sẽ tăng lên từng ngày nếu trong thời gian tới không có mưa.

Nỗ lực tìm nguồn nước sinh hoạt cho dân

Nắng nóng kéo dài cũng khiến hơn 300 hộ dân ở thôn Đức Hưng và làng Sơn (xã Ia Nan) bị thiếu nước sinh hoạt. Ông Hoàng Văn Ga-Trưởng thôn Đức Hưng-cho biết: Thôn có 2 giếng khoan cấp nước sinh hoạt tập trung cho 185 hộ dân hợp đồng đấu nối sử dụng nước; còn lại 52 hộ dân sử dụng nước giếng đào, giếng khoan của gia đình. 2 công trình cấp nước tập trung có công suất thiết kế 73 m3/ngày đêm, được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2012. Tổng khối lượng nước tiêu thụ của nhân dân khoảng 1.600 m3/tháng. Tuy nhiên, bước vào cao điểm mùa khô, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của nhân dân tăng cao.

 Anh Nguyễn Bá Huấn (làng Bua, xã Ia Pnôn) phải chặt bỏ 1 ha cà phê bị khô cháy vì nắng hạn. Ảnh: N.S
Anh Nguyễn Bá Huấn (làng Bua, xã Ia Pnôn) phải chặt bỏ 1 ha cà phê bị khô cháy vì nắng hạn. Ảnh: N.S


Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ, từ ngày 22-4 đến 11-5, do nắng nóng kéo dài đã làm 336,6 ha cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả của 2 xã Ia Pnôn, Ia Nan bị thiệt hại 50-70% (trong đó Ia Nan 311,6 ha, Ia Pnôn 25 ha). Giá trị thiệt hại ước khoảng 6,7 tỷ đồng.

Trong khi đó, mực nước ngầm 2 giếng khoan tụt giảm mạnh nên lượng nước bơm không đủ cung cấp cho người dân sử dụng hàng ngày. Thôn hiện có 185 hộ bị thiếu nước sinh hoạt, trong đó có 40 hộ thiếu nước trầm trọng. “Ủy ban nhân dân xã đã xuất kinh phí 10 triệu đồng hỗ trợ thôn, cộng với sự đóng góp của người dân để khoan 1 giếng nước. Tuy nhiên, lượng nước của giếng mới cũng chỉ được 0,7 m3/giờ, bơm hết công suất cũng chỉ được khoảng 15 m3/ngày”-ông Ga thông tin.

Làng Sơn hiện có 116 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Hiện nay, hầu hết các giếng trong làng đều khô cạn. Bà Siu Blem cho hay: Nhà tôi có 3 cái giếng, lâu nay chưa bao giờ thiếu nước vào mùa khô. Nhưng năm nay, tất cả đều khô cạn nên gia đình gặp khó khăn trong sinh hoạt. Hàng ngày, tôi phải đi rất xa để chở nước về dùng. Rất may, hơn 10 ngày qua, Công ty TNHH một thành viên 72 (Binh đoàn 15) cho xe chở nước đến cung cấp cho từng hộ dân trong làng. Tuy lượng nước không nhiều nhưng phần nào giúp dân làng chống chọi qua đợt hạn này.

Theo Chủ tịch UBND xã Ia Nan, trước tình hình người dân thôn Đức Hưng và làng Sơn thiếu nước sinh hoạt, UBND xã đã làm việc với Ban Quản lý công trình nước sinh hoạt và Ban Nhân dân thôn Đức Hưng rà soát, lập danh sách các hộ dân bị thiếu nước để có biện pháp khắc phục. Đồng thời, UBND xã đã đề xuất Công ty TNHH một thành viên 72 hỗ trợ chở nước mỗi ngày 1 lần (18 m3 nước) cho thôn Đức Hưng và 2 ngày/lần cho làng Sơn. Nhờ đó, hiện nay, người dân cơ bản đã có nước dùng hàng ngày.

Ông Trịnh Văn Thành-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-cho biết: Gần 1 tháng qua, thời tiết nắng nóng gay gắt dẫn đến nhiều ao hồ, suối bị cạn, không có nước để tưới cây công nghiệp, cây ăn quả. Các xã Ia Nan, Ia Pnôn đã có báo cáo sơ bộ về tình hình thiệt hại đối với cây trồng và thiếu nước sinh hoạt của người dân. Hiện nay, các xã: Ia Lang, Ia Din, Ia Kriêng cũng xảy ra tình trạng hạn hán nhưng chưa tổng hợp báo cáo gửi về huyện. Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại để có biện pháp khắc phục.

“Riêng những thôn, làng đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, UBND huyện chỉ đạo các địa phương tăng cường vận động nhân dân nạo vét giếng, giọt nước, mua sắm dụng cụ chứa nước để khắc phục. Bên cạnh đó, UBND huyện sẽ làm việc với các công ty thuộc Binh đoàn 15 và những doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn hỗ trợ người dân khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, quyết tâm không để người dân phải đi mua nước về dùng, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo”-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ khẳng định.

 

 NGỌC SANG-LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.