Đak Pơ: Quay quắt vì nắng hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ trước Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020 đến nay, khu vực huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai chưa có thêm một cơn mưa nào. Hạn hán đã và đang diễn ra khiến nhiều diện tích cây trồng và người dân quay quắt trong cơn khát.
Dân thiếu nước sinh hoạt 
Làng Bút, xã An Thành, huyện Đak Pơ có tổng cộng 32 giếng nước, trong đó có 21 giếng do người dân tự đào, 11 giếng nước tập trung được nhà nước hỗ trợ. Từ đầu năm 2019 đến nay, một số giếng trong làng cạn nước trơ đáy, một số bị nhiễm phèn, khiến nhiều hộ dân trong làng thiếu nước sinh hoạt. Hai năm nay, gia đình ông Đinh Tin và 18 hộ dân trong làng sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt. Ông Tin cho hay: “Chỗ nhà mình ở có nhiều đá bàn phía dưới nên việc đào hay khoan giếng đều rất khó và các giếng đào rất nhanh hết nước. Vì thế, để có nước sinh hoạt, nhà mình cùng hàng chục hộ phía Nam phải sang các hộ phía Bắc của làng xin nước”.
Ông Đinh Văn Tương-Trưởng làng Bút cho rằng, thiếu nước sinh hoạt đã ảnh hưởng rất lớn tới đời sống, sinh hoạt hàng ngày của bà con trong làng, đặc biệt là 19 hộ khu vực phía bên Nam. “UBND xã An Thành đã hỗ trợ người dân nạo vét giếng. Tuy nhiên, gặp đá bàn nên việc nạo vét không được sâu. Tình trạng giếng cạn trơ đáy vẫn diễn ra”-ông Tương nói.
Giọt nước tự chảy tại làng Hway, xã Hà Tam không thể sử dụng được vì không có nước. Ảnh: Nguyễn Hiền
Giọt nước tự chảy tại làng Hway, xã Hà Tam không thể sử dụng được vì không có nước. Ảnh: Nguyễn Hiền
Tình hình thiếu nước sinh hoạt đã và đang diễn ra tại các làng như Kuk Đak, Kuk Kol…của xã An Thành. Nhiều hộ phải ra suối móc lỗ sâu giữa lòng suối, rồi vét từng gáo nước để tắm, giặt. Chị Đinh Thị Đắp (làng Kuk Đak) chia sẻ: “Trong làng mình nhiều cái giếng đào sâu mấy chục mét mà cứ tới mùa khô là không còn nước. Bà con phải ra suối tắm. Mà suối cũng khô hết cả rồi”.
Ông Trần Minh Đức-Chủ tịch UBND xã An Thành cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có 3 làng với hàng chục hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt. Trước mắt, chúng tôi vận động nhân dân chia sẻ nguồn nước. Làng có 1 đến 2 cái giếng có nước thì bà con chia sẻ với nhau; khuyến cáo người dân sử dụng nước hết sức tiết kiệm. Đồng thời kêu gọi người dân dọn vệ sinh và cải tạo lại giếng. Về phía xã cũng đang tổng hợp thống kê, báo cáo cụ thể với Phòng Nông nghiệp và PTNT và UBND huyện về tình trạng thiếu nước sinh hoạt của nhân dân”.
Tại xã Hà Tam, nhiều gia đình cũng rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Hơn nửa năm nay, cái hố nhỏ bên cạnh lòng suối Xà Guồng trở thành nơi cung cấp nước cho hơn chục hộ dân tại cụm dân cư số 2, thôn 5. Giếng phần thì nhiều vôi, phần đã cạn kiệt nên vào mỗi buổi sáng, chiều, bà Trần Thị Thủy ở thôn 5 đều ra suối xách nước về dùng. “Nước lấy từ suối về tôi phải lọc lại cho trong rồi nấu uống. Còn tắm giặt thì toàn bộ sài dưới suối đây. Chiều đi làm về cứ canh me, người này múc xong đến người kia”-bà Thủy bộc bạch.
Cũng như thôn 5, 138 hộ dân của làng Hway, xã Hà Tam chủ yếu sử dụng nước sinh hoạt từ 6 giọt nước tự chảy được nhà nước đầu tư xây dựng. Bao năm nay, những giọt nước này đều đặn dẫn nước về cho bà con nhưng hiện tại chỉ còn 2/6 giọt nước có thể sử dụng được. Chỉ tay về phía dãy núi cuối làng, ông Đinh Kri-Trường làng Hway nói: “Nước ở đầu nguồn bắt đầu cạn rồi”. 
Công trình thủy lợi cạn nước, cây trồng khô héo 
Huyện Đak Pơ có 20 công trình thủy lợi lớn nhỏ với năng lực tưới thiết kế 417 ha. Trong đó có 2 trạm bơm điện, 5 hồ chứa tưới trên 9 ha, còn lại là các hồ chứa và đập dâng nhỏ tưới từ 1 đến 9 ha. Đa số các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện đã cạn đến mực nước chết, không còn khả năng sinh thủy để phục vụ sản xuất, tưới cho cây trồng. Thống kê sơ bộ tính đến ngày 1-4, toàn huyện Đak Pơ đã có trên 114 ha cây trồng bị thiệt hại do nắng hạn, trong đó cây lúa trên 40 ha, rau màu gần 74 ha; ước tổng giá trị thiệt hại gần 1,6 tỷ đồng. “Trong thời gian tới, thời tiết tiếp tục không có mưa thì diện tích cây trồng bị khô hạn sẽ còn tiếp tục tăng cao”-ông Nguyễn Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ cho hay.
Ông Nguyễn Long đang bơm nước để tưới cho đám ớt đang thời kỳ nuôi trái. Ảnh: Nguyễn Hiền
Ông Nguyễn Long đang bơm nước để tưới cho đám ớt đang thời kỳ nuôi trái. Ảnh: Nguyễn Hiền
Tại khu vực lòng suối của đập dâng Suối Cát, xã Hà Tam, lòng đập đã cạn trơ đáy. Những hộ dân sản xuất ở gần con suối đã phải thuê máy múc, móc từng hố sâu giữa lòng suối để lấy nước giải cơn khát cho hàng chục ha cây trồng. Ông Nguyễn Long (thôn 2) than thở: gia đình tôi có 3 sào ớt, hiện quả còn non. Đúng ra ngày phải tưới 2 lần vào buổi sáng và khoảng 15 giờ thì cây ớt mới có sức để nuôi trái. Giờ nước càng ngày càng xuống rồi, hạn chế nước tưới thì mình chỉ tưới vào buổi sáng thôi. Không biết còn trụ được đến bao giờ”.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tam-Nguyễn Công Thư, để tránh thiệt hại từ việc thiếu nước trong vụ mùa năm 2020, xã đã chỉ đạo, hướng dẫn cho người dân tại khu vực cánh đồng Hồ Hà Tam chỉ gieo sạ những khu vực có thể đảm bảo nước khoảng 13/24 ha lúa. “Đến nay, xã đã có 32 ha cây trồng bị thiệt hại do thiếu nước, trong đó có 11 ha lúa bị mất trắng và 12 ha rau màu. Nhiều diện tích mỳ bị chết khô, tỷ lệ sống chỉ khoảng 30%”-ông Thư thông tin. 
An Thành là xã thường chịu nhiều thiệt hại do khô hạn trong các vụ Đông Xuân trước thì vụ Đông Xuân 2019-2020 có khoảng 20 ha đất phải bỏ trống do nắng hạn kéo dài, không thể gieo trồng được. 
Đập dâng Suối Cát đã cạn kiệt. Ảnh: Nguyễn Hiền
Đập dâng Suối Cát đã cạn kiệt. Ảnh: Nguyễn Hiền
Hạn hán là điều đang hiện hữu ở hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Đak Pơ. Tuy nhiên, việc thống kê diện tích cây trồng bị thiệt hại do nắng hạn gây ra lại đang gặp khó khăn. Ông Nguyễn Công Lộc- Cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã Ya Hội cho biết: Trước kia, cán bộ xã tự đi kiểm tra, thống kê diện tích bị thiệt hại, lập danh sách, rà soát để các thôn, làng bổ sung thì nay việc thống kê diện tích cây trồng bị hạn được đưa vào bộ thủ tục hành chính. Do đó, để thống kê diện tích cây trồng bị thiệt hại do thiên tai thì các hộ dân phải tự giác kê khai với trưởng các thôn, làng về diện tích cây trồng bị thiệt hại đối với từng loại cây trồng, tình trạng thiệt hại, đồng thời có đơn đề nghị hỗ trợ thiệt hại theo biểu mẫu quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và Thông tư liên tịch 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT hướng dẫn kê khai đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra. Sau đó, trưởng thôn, làng lập danh sách diện tích thiệt hại, chuyển cán bộ địa chính nông nghiệp đi kiểm tra, xác minh, lập biên bản và hướng dẫn người dân lập hồ sơ chuyển huyện xem xét, thống kê. Tuy nhiên, người dân lại không tự kê khai, nên các trưởng làng không thống kê được số liệu, khiến địa phương cũng gặp khó khăn. 
Khó khăn trong thống kê diện tích thiệt hại do hạn hán gây ra hiện đang là khó khăn chung của hầu hết các địa phương của huyện Đak Pơ. Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ thông tin thêm: “Hiện chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương hỗ trợ, đôn đốc các trưởng thôn, trưởng làng vận động, hướng dẫn người dân thực hiện kê khai diện tích bị thiệt hại do hạn hán gây ra. Tiến hành rà soát, xác minh để có cơ sở và số liệu báo cáo cấp trên thống kê, từ đó có chính sách hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại”.
Nguyễn Hiền-An Phát

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.
Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.