Nói chuyện con tằm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.

Tằm ăn lên (cũng gọi là tằm ăn rỗi) rào rào, đến một lúc ngẩn ngơ như “thiền”, rồi bỏ ăn lơi lả, rồi “chín” rực cơ thể. Tức là đang mang màu xanh xám, bỗng dưng con tằm nhịn ăn mà tiêu hóa hết mọi thứ trong lòng ruột, đào thải hết các chất uế tạp trở nên thanh sạch thì toàn thân nở ra, hóa vàng rực. Cứ như một sự hóa kiếp thần kỳ nào đó vậy.

Người xưa có câu: “Nuôi lợn ăn cơm nằm/Nuôi tằm ăn cơm đứng”, cũng có dị bản là: “Làm ruộng ăn cơm nằm/Chăn tằm ăn cơm đứng”. Nghĩa là, việc nuôi tằm ngày trước rất vất vả. Để nuôi được những nong tằm phát triển tốt, người ta phải trồng dâu, hái lá dâu, thái nhỏ lá cho tằm ăn, canh tằm ngủ… Khi tằm ăn lên thì không phải thái lá dâu nữa, chỉ cần bỏ nguyên lá, nhưng tốc độ ăn thì phi thường, suốt ngày đêm. Vậy nên có câu “Ăn như tằm ăn rỗi” là thế.

Người dân thôn Bầu Zút (thị trấn Chư Sê) phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: Nguyễn Quang

Người dân thôn Bầu Zút (thị trấn Chư Sê) phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: Nguyễn Quang

Lại còn phải mắc màn cho tằm ăn tằm ngủ. Giống tằm sợ nhất là loài ruồi ký sinh. Hễ sổng ra, bọn ruồi châm vào con tằm nào là con ấy bỗng dưng đầu to thân tóp, vàng dớt quắt queo. Những con tằm ấy gọi là “tằm sắt”. Tằm sắt thì không lớn được, không có khả năng “chín”, không kéo kén hóa ngài được.

Ngày trời nóng thì phải quạt mát cho tằm, dù chỉ bằng quạt mo, quạt giấy. Ngày trời mưa sấm sét phải đóng kín cửa phòng, cữ cho tằm khỏi mê hoảng mà lăn quay ra chết. Đó là chưa kể tới việc đôi khi, nhà nuôi tằm còn cữ nhiều điều khác như: người lạ, người có kinh nguyệt, người nặng vía không được vào khu vực những con tằm ăn ngủ.

Con tằm chín thì quây tơ làm kén, người xưa bảo tằm rút ruột xây tổ. Khi tằm quây kén, người nuôi tằm thường hái những cành lá tre nhỏ bỏ vào nong nia lổng chổng cho những con tằm chậm rãi bò tìm, rồi “thôi miên” ở đó mà thành những cái kén vàng hươm.

Nhà nông sẽ lựa những cái kén đẹp, cất vào một chỗ kín mát, để đúng ngày thì “ngài” sẽ cắn thủng một đầu tổ chui ra. Ngài đực và ngài cái sẽ cặp đôi trên những tờ giấy phẳng phiu, rồi con cái cứ đẻ trứng bết ngay trên trang giấy ấy. Trứng tằm là những hạt trắng xám li ti được để vào nơi mát mẻ, kín đáo. Mấy ngày sau, trứng tằm sẽ chuyển màu từ trắng đục sang màu đen, rồi nở ra tằm con.

Những cái kén không được lựa chọn làm giống thì sẽ bị đem luộc chín, rồi kéo tơ. Kén luộc xong đem ngâm vào trong chậu nước. Người ta sẽ dùng hai bàn tay khéo léo để vuốt ra những sợi tơ vàng. Tơ tằm thời ấy, chủ yếu được nhà nông se thành sợi, rồi dệt đũi bằng cái bàn dệt con thoi. Vải đũi tơ tằm là thứ vải thô mộc, được dùng may quần áo cho những người bình dân.

Sau khi kéo kén, những con nhộng tằm được thu lượm, chế biến thành những món ăn bổ dưỡng. “Tằm xanh”, “tằm chín” cũng là những món thuốc bồi bổ sức khỏe được lưu truyền trong dân gian.

Hồi bao cấp, tỉnh Gia Lai-Kon Tum từng có trại tằm ở Lệ Chí khá bề thế, với bộ khung được chuyển từ vùng Nông trường Đông Hiếu, Tây Hiếu vào mở mang đất mới. Rồi Công ty Dâu tằm tơ Bảo Lộc của ông Nguyễn Văn làm ăn khá rầm rộ. Những cơ sở ấy, về sau không đủ sức cạnh tranh với cả nền công nghiệp dệt may hiện đại buộc phải giải thể.

Bẵng đi nhiều năm, tưởng nghề trồng dâu nuôi tằm đã bị mai một trước công nghệ dệt may tiên tiến. Nhưng rồi, việc nuôi tằm đã được phục hồi một cách ngoạn mục. Giống tằm được các công ty chuyên nghiệp cấp, là giống mới cao sản đã cho nở đến tuổi “ăn hai”, “ăn ba”; cây dâu cũng được công ty cung cấp giống J7 năng suất cao, chất lượng tốt. Tằm nuôi mỗi ngày chỉ cần cho ăn 3 lần, 1 đời tằm (khoảng 16 ngày) chỉ cần thay phân 2-3 lần.

Nghề dâu tằm đã mở rộng nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Tại tổ 6 (phường Yên Thế, TP. Pleiku) cũng đã có trại tằm quy mô 14 ha dâu, với cơ sở nhà xưởng công nghiệp hiện đại để nuôi tằm theo phương thức mới. Theo anh Nguyễn Thế Tấn-Chủ trại tằm, người nuôi tằm ngày nay chỉ cần xây trang trại, thiết kế vườn trồng dâu, tiếp nhận những hộp tằm giống thả ra nền nhà, cho ăn và chờ lấy kén; không phải thức khuya dậy sớm, không phải căng mùng kiêng cữ như xưa.

Tôi hỏi anh Tấn: “Người xưa bảo, “một nong tằm là năm nong kén/Một nong kén là chín nén tơ”. Vậy theo anh điều đó có còn đúng không?”. Anh Tấn cười vui trả lời: “Chuyện xưa thì tôi không rõ. Bây giờ không còn có chuyện nuôi tằm trong nong, mà thả trên nền xi măng có quây lưới nhựa, không ai tính tỷ lệ như vậy nữa. Chỉ biết, 1 ha dâu trồng có tưới nước, bón phân hữu cơ như phân bò, trấu cà phê, đạm cá, kích đọt, có thể cho thu nhập 500-600 triệu đồng/năm”.

Ở một số trường đại học nông nghiệp, nghề nuôi tằm, nuôi ong tuy là nuôi động vật, nhưng lại thuộc về ngành trồng trọt. Chắc là, hoa lá chiếm phần quan trọng trong nghề ấy. Là kỹ sư chăn nuôi, không được học về tằm, nhưng ký ức tuổi thơ đã cho tôi một tình yêu lãng mạn với con vật nhỏ nhoi ấy.

Có thể bạn quan tâm

Thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Ia Tô (xã Ia Tô, huyện Ia Grai) mong muốn được hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản. Ảnh: H.D

Ia Grai: Hợp tác xã chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm

(GLO)- Nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, để sản phẩm mới có được chỗ đứng ổn định trên thị trường, các HTX rất cần sự hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng địa phương.

Anh Trương Văn Sơn (bìa trái, thôn Thắng Lợi 2, xã Ia Sol) giám sát nhân công thu hoạch diện tích khoai lang của gia đình. Ảnh: Vũ Chi

Nông dân Phú Thiện trúng mùa khoai lang

(GLO)- Những ngày này, nông dân huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đang bước vào cao điểm vụ thu hoạch khoai lang. So với năm ngoái, vụ khoai lang năm nay được mùa, được giá, nông dân thu lời bình quân trên 130 triệu đồng/ha.

Ông Trần Đình Tuấn (thôn 5, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) cho biết, 3 ha điều của gia đình chỉ cho thu khoảng hơn 2 tấn. Ảnh: L.N

Nông dân kém vui vì năng suất điều giảm sâu

(GLO)- Mặc dù giá tăng cao nhưng người trồng điều trong tỉnh Gia Lai vẫn kém vui vì mất mùa. Nguyên nhân do vào thời điểm điều ra hoa thì gặp trời mưa, không khí lạnh kéo dài, sương muối làm hư hoa, tỷ lệ đậu quả đạt thấp.

Công ty Đấu giá hợp danh Nhất An Phú và Sở Nông nghiệp và Môi trường Gia Lai tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 9 khu vực mỏ đất san lấp làm VLXD thông thường. Ảnh: Lê Nam

Gia Lai: Đấu giá thành công 9 mỏ đất làm vật liệu san lấp

(GLO)- Ngày 19-3, tại TP. Pleiku, Công ty Đấu giá hợp danh Nhất An Phú phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường Gia Lai tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 9 khu vực mỏ đất san lấp làm vật liệu xây dựng thông thường chưa có kết quả thăm dò khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Người dân nhận khoán bảo vệ rừng (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh) phát dọn thực bì. Ảnh: N.D

Giao khoán bảo vệ rừng: Lợi ích kép

(GLO)- Thời gian qua, nhiều địa phương, đơn vị chủ rừng tại Gia Lai đẩy mạnh triển khai khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình sinh sống gần rừng. Chính sách này đã mang lại lợi ích kép khi công tác quản lý, bảo vệ rừng được siết chặt và người dân nhận khoán có thêm thu nhập.

Khu vực Đông Nam tỉnh đang vào mùa cao điểm thu hoạch thuốc lá. Ảnh: V.C

Đầu tư nâng cao giá trị cây thuốc lá

(GLO)- Khi giá nhiều loại nông sản biến động thất thường thì giá thuốc lá luôn giữ ổn định trong nhiều năm qua. Nhờ liên kết đầu tư cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng thuốc lá được nâng cao, mở ra cơ hội xuất khẩu trong tương lai.

Krông Pa tạo động lực để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo

Krông Pa tạo động lực để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo

(GLO)- Từ nguồn kinh phí của các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), huyện Krông Pa đã triển khai hỗ trợ sinh kế để tiếp thêm động lực giúp hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng bền vững

Phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng bền vững

(GLO)- Với sự đồng hành của chính quyền địa phương, những năm gần đây, ngành mía đường Gia Lai có mức tăng trưởng tương đối ổn định. Đây là tiền đề để các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân cộng đồng trách nhiệm xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng bền vững.