Đức Cơ đầu tư phát triển cây điều theo hướng bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Đức Cơ có diện tích điều lớn nhất tỉnh Gia Lai với hơn 26 ngàn ha. Tuy nhiên, do người dân chăm sóc không đúng cách nên năng suất đạt thấp. Vài năm gần đây, huyện đầu tư phát triển cây điều theo hướng bền vững nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo của địa phương. 
Từ trước đến nay, người dân huyện Đức Cơ, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đều xem điều là cây xóa đói giảm nghèo. Bởi lẽ, loại cây này dễ chăm sóc, ít tốn công và không cần đầu tư nhiều. Có những thời điểm, do giá cả xuống thấp, người dân đã chặt bỏ cao su, cà phê và phá bỏ vườn hồ tiêu để trồng các loại cây khác nhưng không ai phá bỏ vườn điều.
Bà Nguyễn Thị Trinh (thôn Thanh Tân, xã Ia Krêl) cho biết: “Gia đình tôi có 1,5 ha điều, bình quân mỗi năm cho sản lượng gần 2 tấn hạt tươi. Với mức giá 25 ngàn đồng/kg, mỗi vụ, gia đình thu nhập 50 triệu đồng. Tuy nhiên, hầu hết diện tích điều của các hộ dân trên địa bàn xã đạt năng suất thấp là do ít được bón phân, kỹ thuật chăm sóc chưa tốt và liên tục bị ảnh hưởng bởi thời tiết”.
Theo nhiều nông dân, nếu cây điều được đầu tư chăm sóc tốt thì năng suất đạt 2-3 tấn/ha. Bà Hoàng Thị Oanh (thôn Đức Hưng, xã Ia Nan) cho hay: “Lúc mới vào đây lập nghiệp, vợ chồng tôi tập trung phát triển chăn nuôi. Sau khi dành dụm được ít vốn, tôi mua rẫy trồng điều và đến giờ thì khá giả rồi. Hiện gia đình tôi có hơn 10 ha điều. Mỗi năm, vườn điều cho thu nhập 300-500 triệu đồng”.
Người dân xã Ia Kriêng thu hoạch điều. Ảnh: Ngọc Sang
Người dân xã Ia Kriêng thu hoạch điều. Ảnh: Ngọc Sang
Trước thực trạng cây điều kém năng suất, thường xuyên mất mùa, UBND huyện Đức Cơ đã triển khai nhiều chương trình giúp người dân tiếp cận với biện pháp canh tác phù hợp để nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây. Ông Nguyễn Quốc Tư-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-thông tin: Đến nay, toàn huyện có hơn 26 ngàn ha điều. Đây chính là lợi thế để huyện xác định điều là cây trồng chủ lực và phát triển theo hướng bền vững. Mặc dù cây điều tại Đức Cơ có năng suất chưa cao (trung bình khoảng 1 tấn/ha) nhưng hạt điều có hương vị thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Vì vậy, trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2020-2025, huyện xác định điều là cây trồng mang tính ổn định lâu dài và là cây xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Thời gian qua, Công ty TNHH Olam Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai đã liên kết với các hợp tác xã trên địa bàn huyện Đức Cơ thu mua hàng ngàn tấn hạt điều cho người dân. Ông Kulhans Singhvi-Giám đốc Công ty-cho biết: Công ty đã tìm hiểu kỹ và nhận thấy Đức Cơ có nhiều tiềm năng để phát triển cây điều. Về lâu dài, cây điều sẽ đem lại nguồn thu đáng kể và ổn định đời sống người dân. Vì vậy, trong 2 năm trở lại đây, Công ty đã hỗ trợ bà con nông dân duy trì và mở rộng diện tích điều. Mới đây, Công ty đã có buổi làm việc với UBND huyện Đức Cơ để thống nhất các phương án triển khai liên kết sản xuất, thu mua hạt điều trên toàn huyện. “Việc hợp tác thành công sẽ mở ra hướng phát triển mới cho địa phương và giúp người dân thu nhập ổn định từ cây điều. Cùng với đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ huyện phát triển vùng nguyên liệu và đặt thêm một số cơ sở thu mua hạt điều tại các xã để tạo việc làm cho lao động địa phương”-ông Kulhans Singhvi thông tin.
Người dân thôn Đức Hưng, xã Ia Nan thu hoạch điều. Ảnh: Ngọc Sang
Người dân thôn Đức Hưng, xã Ia Nan thu hoạch điều. Ảnh: Ngọc Sang
Trao đổi với P.V, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Ngọc Phận cho hay: Với việc được các nhà đầu tư quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu và thu mua sản phẩm ngay tại địa phương, về lâu dài, cây điều sẽ là cây trồng chiếm ưu thế trong cơ cấu nông nghiệp của huyện. Tuy nhiên, hiện tại, phần lớn diện tích điều trên địa bàn chủ yếu là giống điều sẻ, năng suất, sản lượng không cao nên huyện sẽ tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống mới cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, huyện tập trung xây dựng nhãn hiệu chứng nhận hạt điều Đức Cơ; xây dựng mã số vùng trồng nhằm phục vụ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết sản xuất với người dân. Đồng thời, chính quyền địa phương sẽ đứng ra kết nối giữa doanh nghiệp với người dân, góp phần thực hiện mục tiêu đưa cây điều trở thành cây trồng chủ lực và phát triển theo hướng bền vững.
NGỌC SANG
 

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.