Đưa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Brazil đi vào chiều sâu, bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chuyến công tác tại Brazil của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ góp phần đưa quan hệ song phương Việt Nam-Brazil lên tầm cao mới, đưa quan hệ phát triển toàn diện, đi vào chiều sâu, bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2024 tại Brazil từ ngày 16 đến 19/11/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ có các hoạt động song phương tại Rio de Janeiro, Brazil.

Chuyến công tác tại Brazil của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh năm nay Việt Nam và Brazil kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (8/5/1989-8/5/2024) và 17 năm Đối tác toàn diện (5/2007-5/2024) với nhiều hoạt động đa dạng và ý nghĩa.

Chuyến công tác sẽ góp phần đưa quan hệ song phương Việt Nam-Brazil lên tầm cao mới, tăng cường cam kết và tin cậy chính trị, mở ra không gian hợp tác rộng lớn hơn, đưa quan hệ phát triển toàn diện, đi vào chiều sâu, bền vững, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

35 năm hợp tác chặt chẽ và tin cậy

Việt Nam và Brazil tuy ở cách xa nhau nhưng người dân hai nước có nhiều đặc tính tương đồng như sự chân tình, lòng mến khách, thắm tình hữu nghị và cởi mở. Ngày 8/5/1989, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra thời kỳ hợp tác lâu dài và ổn định cho quan hệ song phương.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Brazil đã xây dựng mối quan hệ vững chắc và toàn diện trên cơ sở tin cậy chiến lược và hiểu biết lẫn nhau.

Hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện nhân chuyến thăm chính thức Brazil của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 5/2007), góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ trên tất cả các lĩnh vực, trên tất cả các kênh đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, ngoại giao nghị viện và đối ngoại nhân dân.

Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva hội đàm với Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm hữu nghị chính thức Brazil, ngày 29/5/2007. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên thành quan hệ đối tác toàn diện. (Ảnh: Xuân Tuân/ TTXVN)
Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva hội đàm với Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm hữu nghị chính thức Brazil, ngày 29/5/2007. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên thành quan hệ đối tác toàn diện. (Ảnh: Xuân Tuân/ TTXVN)

Quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước ngày càng được củng cố thông qua sự bổ trợ lẫn nhau của hai nền kinh tế, sự tương đồng về lợi ích và gắn kết sâu sắc giữa nhân dân hai nước.

Việt Nam luôn coi trọng vị thế quốc tế ngày càng gia tăng của Brazil và mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước. Brazil chủ trương đẩy mạnh chính sách đa dạng hóa quan hệ, trong đó coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Brazil ngày càng chặt chẽ và tin cậy thể hiện qua kết quả các chuyến thăm, tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao và các cấp bộ, ngành hai nước.

Đáng chú ý có chuyến thăm chính thức Brazil của: Chủ tịch nước Lê Đức Anh (tháng 10/1995); Chủ tịch nước Trần Đức Lương (tháng 11/2004); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (tháng 3/2006); Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 5/2007); Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Lula da Silva nhân dịp dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima (Nhật Bản) (tháng 5/2023); Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Mauro Vieira tại Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tại Pháp (tháng 6/2023); Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức (tháng 9/2023).

Về phía Brazil có các chuyến thăm chính thức Việt Nam của: Tổng thống Lula da Silva (tháng 7/2008), trở thành nguyên thủ đầu tiên và duy nhất của Brazil từng đến Việt Nam; Bộ trưởng Ngoại giao Antonio de Aguiar Patriota (tháng 7/2012); Bộ trưởng Ngoại giao Aloysio Nunes Ferreira (tháng 9/2017; tháng 5/2018); Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Luciana Santos (tháng 11/2023); Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Mauro Vieira (tháng 4/2024).

Gần đây nhất, chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Brazil (tháng 9/2023) là dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Lula da Silva chứng kiến ký bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Quốc phòng Brazil (Brasilia, 2023). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Lula da Silva chứng kiến ký bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Quốc phòng Brazil (Brasilia, 2023). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong chuyến thăm, hai bên ra Thông cáo chung, thống nhất các biện pháp tăng cường hợp tác chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, văn hóa du lịch, giao lưu nhân dân, cũng như nhất trí sớm nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược.

Cũng trong chuyến thăm này, 4 văn kiện quan trọng được ký kết liên quan đến lĩnh vực ngoại giao, giáo dục-đào tạo, quốc phòng, nông nghiệp, góp phần khai thác triệt để các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh.

Để hiện thực hóa những cam kết trong Thông cáo chung giữa hai nước trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil tháng 9/2023, Brazil sau đó đã thực hiện hai chuyến thăm cấp bộ trưởng đến Việt Nam.

Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Luciana Santos (tháng 11/2023), hai bên nhấn mạnh khả năng tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số, ngành bán dẫn và công nghệ sinh học.

Trong khi đó, chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Mauro Vieira (tháng 4/2024) đã cụ thể hóa những cam kết của lãnh đạo hai nước trong Thông cáo chung, thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, đồng thời, chính thức chuyển thư của Tổng thống Brazil Lula da Silva mời Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này tại Rio de Janeiro.

Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị đánh giá quan hệ Việt Nam-Brazil hiện nay đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil lần này thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với Brazil, là minh chứng cho quyết tâm chính trị của lãnh đạo Việt Nam và Brazil sớm đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Hai nước duy trì hợp tác chặt chẽ tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Ngoài ra, hai bên cũng phối hợp thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR).

Đối tác kinh tế-thương mại hàng đầu của nhau

Brazil hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh. Trong những năm qua, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Brazil tăng nhanh, từ 1,53 tỷ USD năm 2011 lên 6,78 tỷ USD năm 2022; hơn 7,1 tỷ USD năm 2023; 10 tháng năm 2024 đạt 6,58 tỷ USD.

Hai nước phấn đấu nâng kim ngạch song phương lên 10 tỷ USD năm 2025 và 15 tỷ USD năm 2030.

Việt Nam xuất khẩu sang Brazil chủ yếu là thủy sản, cao su, dệt may, giày dép, sắt thép; và nhập khẩu từ Brazil các mặt hàng đậu tương, lúa mì, ngô, thức ăn gia súc và nguyên liệu, bông các loại.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Brazil gồm điện thoại, linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử, sắt thép, giày dép, sợi dệt, thủy sản... Trong ảnh: Sản xuất thiết bị điện tử thông minh của VinSmart (thuộc Tập đoàn Vingroup). (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Brazil gồm điện thoại, linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử, sắt thép, giày dép, sợi dệt, thủy sản... Trong ảnh: Sản xuất thiết bị điện tử thông minh của VinSmart (thuộc Tập đoàn Vingroup). (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Về đầu tư, tính lũy kế đến tháng 10/2024, Brazil có 7 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 3,85 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn và bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ.

Theo Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani, Brazil là một trong những nhà xuất khẩu thực phẩm lớn nhất thế giới và đóng vai trò quan trọng trong an ninh lương thực toàn cầu.

Đây là một trong những lý do chính khiến Chính phủ Brazil đặc biệt nhấn mạnh vấn đề đói nghèo trên thế giới, để mọi người có thể thoát khỏi nguy cơ đói nghèo và suy dinh dưỡng.

Hơn nữa, khoa học, công nghệ và đổi mới cũng là các trụ cột phát triển của Brazil và Chính phủ Brazil đã dành nguồn lực cho việc thực hiện các dự án trong các lĩnh vực này, như trí tuệ nhân tạo, sản xuất bán dẫn và chuyển đổi số. Brazil có công nghệ xanh và một tầm nhìn về cách hòa hợp mức độ sản xuất với tính bền vững.

Theo Đại sứ Farani, Việt Nam và Brazil là hai nền kinh tế có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng có mức độ bổ sung cao, giúp thu hút các doanh nhân từ nhiều lĩnh vực và gia tăng triển vọng cho các cơ hội hợp tác mới.

Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Việt Đức/ TTXVN)
Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Việt Đức/ TTXVN)

Hai nước có điều kiện để làm phong phú thêm và đa dạng hóa hợp tác song phương, với nền kinh tế và chính sách ổn định, dân số ngày càng tăng, tỷ lệ lạm phát thấp, tỷ lệ việc làm cao và cam kết với đổi mới, phát triển bền vững và hòa nhập xã hội.

Còn theo Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị, Brazil là cửa ngõ để Việt Nam đi vào các thị trường khu vực Mỹ Latinh, ngược lại Việt Nam là cánh cửa để các doanh nghiệp Brazil thâm nhập vào vào thị trường Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước châu Á khác.

Theo Đại sứ Bùi Văn Nghị, Brazil hiện là thành viên của Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR). Với gần 300 triệu người tiêu dùng, chiếm khoảng 70% dân số Nam Mỹ, MERCOSUR là thị trường rất tiềm năng cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như may mặc, da giày, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm chế biến.

Việt Nam mong muốn sớm khởi động đàm phán FTA với MERCOSUR. FTA giữa Việt Nam và MERCOSUR khi được ký kết sẽ tạo đột phá trong hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Brazil, mang lại kết quả thực chất cho doanh nghiệp và người dân hai nước.

Brazil có thể trở thành cầu nối giúp Việt Nam tiếp cận thị trường các nước Mỹ Latinh cũng như MERCOSUR. Trong khi đó, Việt Nam sẽ trở thành cầu nối giúp Brazil tiếp cận thị trường ASEAN rộng lớn với hơn 650 triệu dân và một thị trường lớn hơn với 800 triệu dân của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Đàm phán FTA Việt Nam-MERCOSUR đặt kỳ vọng đưa Hiệp định này thành động lực khai thác thị trường xuất khẩu khu vực Mỹ Latinh đối với hàng hóa của Việt Nam.

Khi FTA Việt Nam-MERCOSUR được ký kết sẽ mang lại nhiều cơ hội và lợi ích cho Việt Nam, từ việc mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư đến tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này không chỉ góp phần vào phát triển kinh tế của Việt Nam mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Mở ra nhiều triển vọng hợp tác mới

Trên cơ sở nền tảng mối quan hệ tốt đẹp trong 35 năm qua và những triển vọng hợp tác trong thời gian tới, chuyến công tác tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và hoạt động song phương tại Brazil lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có nhiều ý nghĩa quan trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân rời Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil và thăm chính thức Cộng hòa Dominicana. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân rời Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil và thăm chính thức Cộng hòa Dominicana. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani đánh giá, chuyến công tác là minh chứng cho mức độ tiến bộ đáng kể trong việc xây dựng lòng tin giữa hai quốc gia qua nhiều năm, điều này khẳng định triển vọng tích cực trong việc làm sâu sắc thêm quan hệ song phương trong các lĩnh vực hợp tác quan trọng. Bên cạnh đó, chuyến công tác lần này cũng thể hiện cam kết của Việt Nam đối với các vấn đề quan trọng trên trường quốc tế như phát triển bền vững, giảm nghèo và phân bổ công bằng hơn quyền lực quyết định trên thế giới.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình, chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ sẽ góp phần đưa quan hệ song phương Việt Nam-Brazil lên tầm cao mới, tăng cường cam kết và tin cậy chính trị, mở ra không gian hợp tác rộng lớn hơn, đưa quan hệ phát triển toàn diện, đi vào chiều sâu, bền vững, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Thứ trưởng Phạm Thanh Bình cho biết, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20, dự kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ hội đàm với Tổng thống Cộng hòa Liên bang Brazil Lula da Silva để rà soát triển khai các thỏa thuận cấp cao đạt được trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 9/2023 và trao đổi các định hướng lớn, các biện pháp thực chất nhằm thúc đẩy quan hệ song phương lên tầm cao mới.

Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ tham dự một số hoạt động song phương với Brazil nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, trong đó có tham gia Lễ khánh thành biển kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Rio de Janeiro.

Theo Trọng Đức (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh thăm, chúc Tết gia đình người có công tại Đak Pơ. Ảnh: Ngọc Minh

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh thăm, chúc Tết gia đình người có công tại Đak Pơ

(GLO)- Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, chiều 18-1, đoàn công tác của tỉnh Gia Lai do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh làm trưởng đoàn đến thăm, chúc Tết, tặng quà gia đình người có công tiêu biểu tại huyện Đak Pơ.