Đưa học sinh trải nghiệm ở trường đại học: Hình thức hướng nghiệp hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thay vì giới thiệu lý thuyết suông, nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm thực tế tại các cơ sở giáo dục đại học trong nước. Đây được xem là hình thức hướng nghiệp mới và bước đầu cho thấy hiệu quả thiết thực.

Tháng 1-2023, gần 300 học sinh các khối lớp 10, 11 và 12 của Trường THPT Chi Lăng đã có 2 ngày tham quan, trao đổi hướng nghiệp tại Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Việt Đức (tỉnh Bình Dương). Tại đây, các em được tham quan giảng đường, các khoa/bộ môn; được trải nghiệm học tập và làm những thí nghiệm, thực hành liên quan. Ngoài ra, các em còn được giảng viên, sinh viên của trường đại học giới thiệu về từng khoa/bộ môn và tư vấn hướng nghiệp, lựa chọn ngành nghề phù hợp trong tương lai.

Em Mai Nguyễn Gia Bảo (lớp 11A1) chia sẻ: “Sau chuyến đi, em đã có cái nhìn tổng quan hơn về môi trường học tập tại các trường đại học; hiểu rõ về những ngành nghề mà mình có ý định theo đuổi như: Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh… Đặc biệt, qua những trải nghiệm thực tế, em nhận thấy bản thân khá phù hợp với ngành Công nghệ thông tin và đã nghiêm túc tiếp cận các môn học liên quan ngay từ năm lớp 10”.

Ngoài trải nghiệm thực tế, học sinh Trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Ia Grai) còn được giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng tư vấn hướng nghiệp khi tham quan tại trường. Ảnh đơn vị cung cấp

Ngoài trải nghiệm thực tế, học sinh Trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Ia Grai) còn được giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng tư vấn hướng nghiệp khi tham quan tại trường. Ảnh đơn vị cung cấp

Theo thầy Đỗ Viết Huy-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chi Lăng, từ những ngày đầu thành lập, Ban Giám hiệu nhà trường đã có ý tưởng về những chuyến trải nghiệm hướng nghiệp thực tế cho học sinh tại các trường đại học lớn trong nước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên hoạt động này chưa thể thực hiện. Đầu năm 2023, sau khi kết nối thành công với 3 trường đại học kể trên, nhà trường đã lên kế hoạch và triển khai. “Tất cả học sinh tham gia đều có những trải nghiệm bổ ích cũng như nhận định đúng đắn hơn về nghề nghiệp tương lai. Những năm học tiếp theo, nhà trường sẽ tiếp tục duy trì hình thức hướng nghiệp này; đồng thời, chia nhỏ số lượng học sinh theo nguyện vọng ngành nghề trong mỗi lần tổ chức để nâng cao hơn nữa hiệu quả chương trình”-thầy Huy khẳng định.

Với mục tiêu tổ chức cho học sinh lớp 12 có thời gian học tập, trải nghiệm, tham vấn nghề nghiệp, Trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Ia Grai) đã đăng ký tham gia chương trình trải nghiệm sinh viên tập sự 24 giờ do Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức vào ngày 7 và 8-1-2023. Trong khuôn khổ chương trình, học sinh được tham quan, trải nghiệm toàn bộ không gian Trường Đại học Tôn Đức Thắng; nghe giới thiệu tổng quan về trường, về ngành nghề, chương trình đào tạo cũng như cách thức tuyển sinh của trường. Đặc biệt, các em còn được trải nghiệm môi trường học tập và sinh hoạt như một sinh viên thực thụ. “Với kiến thức và định hướng nghề nghiệp mà các giảng viên truyền đạt, em thấy tự tin hơn khi lựa chọn nghề nghiệp. Đó cũng là tiền đề để em quyết định đăng ký xét tuyển vào ngành Kinh doanh quốc tế của Trường Đại học Tài chính-Marketing”-em Nguyễn Thị Ngọc Hạ (cựu học sinh lớp 12A năm học 2022-2023) bày tỏ.

Học sinh Trường THPT Chi Lăng (TP. Pleiku) trải nghiệm thực tế ngành nghề tại Trường Đại học Việt Đức (tỉnh Bình Dương). Ảnh đơn vị cung cấp

Học sinh Trường THPT Chi Lăng (TP. Pleiku) trải nghiệm thực tế ngành nghề tại Trường Đại học Việt Đức (tỉnh Bình Dương). Ảnh đơn vị cung cấp

Phó Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Tuấn thông tin thêm: Trường THPT Phạm Văn Đồng là một trong số các trường THPT ở tỉnh Gia Lai ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Tôn Đức Thắng gồm nhiều nội dung như: phối hợp tổ chức các hoạt động trải nghiệm, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, thông tin về chính sách ưu tiên tuyển sinh đối với học sinh trường THPT ký kết… Vì vậy, nhà trường đã tạo điều kiện cho 39 học sinh lớp 12 tham gia chương trình. Đây là cơ hội để các em giao lưu, học hỏi và được giải đáp thắc mắc về ngành học, phương thức tuyển sinh; từ đó, có thể lựa chọn chính xác ngành nghề yêu thích, phù hợp với năng lực của bản thân. “Từ hiệu quả bước đầu mang lại, trong năm học 2023-2024, nhà trường tiếp tục xây dựng kế hoạch tổ chức cho học sinh tham quan hướng nghiệp tại 1-2 trường đại học. Dự kiến là Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Kinh tế-Kỹ thuật Bình Dương”-thầy Tuấn cho biết.

Tương tự, hình thức hướng nghiệp đưa học sinh khối 12 trải nghiệm trực tiếp tại các cơ sở giáo dục đại học cũng được Trường THPT Quang Trung (thị xã An Khê) duy trì trong 3 năm trở lại đây. Theo Hiệu trưởng Đào Duy Lực, 2 đơn vị mà nhà trường phối hợp là Trường Đại học Quang Trung và Trường Đại học FPT Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Trong đó, Trường Đại học Quang Trung là đơn vị kết nghĩa nên chương trình kết nối diễn ra thường xuyên hơn. “Căn cứ tình hình thực tế của nhà trường và học sinh, chúng tôi chỉ có thể tổ chức cho các em trải nghiệm tại những trường đại học ở các tỉnh lân cận, cách địa bàn đứng chân không quá xa. Trong tương lai, nếu có điều kiện, trường sẽ mở rộng phạm vi tiếp cận cho học sinh ở các trường đại học tại Đà Nẵng hoặc khu vực phía Nam”-thầy Lực nói.

Việc tham quan, trải nghiệm thực tế tại trường đại học giúp học sinh THPT nhận định đúng đắn hơn về nghề nghiệp tương lai. Ảnh đơn vị cung cấp

Việc tham quan, trải nghiệm thực tế tại trường đại học giúp học sinh THPT nhận định đúng đắn hơn về nghề nghiệp tương lai. Ảnh đơn vị cung cấp

Trao đổi với P.V, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Trần Bá Công cho biết: Ngày 23-5-2022, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 07/2022/TT-BGDĐT quy định công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Tại điểm d khoản 3 Điều 5 của thông tư này quy định hình thức triển khai của công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm đối với cấp THPT có nội dung: “Tổ chức cho học sinh được trải nghiệm, thực hành đối với các nhóm ngành nghề, việc làm đã được tư vấn thông qua hoạt động tham quan, trải nghiệm tại cộng đồng, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các đối tác tối thiểu 1 lần/năm học đảm bảo phù hợp với điều kiện của nhà trường”. Đây chính là cơ sở pháp lý giúp các trường THPT trong tỉnh chủ động tổ chức hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp cho học sinh.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cũng nhìn nhận: Những năm qua, các trường THPT trong tỉnh đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, nhất là học sinh lớp 12. Trong đó, việc tổ chức cho các em tham quan, trải nghiệm tại các cơ sở giáo dục đại học được xem là một hình thức hướng nghiệp mới mẻ, hiệu quả; phù hợp với định hướng giáo dục nghề nghiệp bậc trung học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Có thể bạn quan tâm

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.