Du học sinh không còn mặn mà đến Anh?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dữ liệu từ cơ quan chính phủ và nhiều trường ĐH tại Anh cho thấy số du học sinh muốn đến nước này học tập giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước, sau những động thái thắt chặt visa (thị thực) hồi đầu năm.
Số lượng đơn xin visa du học Anh (được thể hiện bằng đường màu tím) trong 3 năm gần đây

Số lượng đơn xin visa du học Anh (được thể hiện bằng đường màu tím) trong 3 năm gần đây

Dự đoán giảm nửa số du học sinh

Dữ liệu nhập cư mới nhất do Bộ Nội vụ Anh công bố ngày 8.8 cho thấy số du học sinh muốn đến Anh học tập đã sụt giảm đáng kể. Cụ thể, số đơn xin visa du học vào tháng 7 giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2023, duy trì đà giảm liên tục kể từ đầu năm nay. Tương tự, tổng số đơn xin visa du học từ tháng 1 đến tháng 7 (56.800 đơn) cũng giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Anh cũng lưu ý trong báo cáo rằng số đơn xin visa du học thường đạt đỉnh trước khi năm học mới bắt đầu, tức trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9. Vì thế, cơ quan này cho rằng phải đợi hết thời gian trên mới đánh giá được toàn bộ tác động từ các chính sách mới được chính phủ Anh ban hành trong năm nay, bao gồm việc hạn chế du học sinh mang theo thân nhân và nâng chuẩn visa làm việc.

Tờ The Guardian bình luận, dù số sinh viên quốc tế nhập học trong năm 2022, 2023 rất cao, nhưng tình hình năm 2024 không mấy khả quan. Lạm phát tăng khiến các trường ĐH khó thu đủ học phí từ sinh viên trong nước. Thế nên, họ càng phụ thuộc vào du học sinh vốn phải đóng mức học phí cao hơn nhiều. Việc sinh viên quốc tế giảm mạnh khiến các trường càng thêm khó khăn.

Điều này dẫn đến việc một số trường ĐH hàng đầu tại Anh như UCL phải mở rộng hoạt động quảng cáo ở những thị trường phi truyền thống, thậm chí là ở vùng Caribbean như các nước Guadeloupe, Martinique và Saint Martin để thu hút tuyển sinh. Những trường ĐH khác như York, De Montfort, Salford thì chuyển hướng sang một số quốc gia ở Nam Á và Đông Nam Á, theo tờ The Telegraph.

Sinh viên quốc tế trong lễ tốt nghiệp hồi tháng 5 tại University College London (UCL)

Sinh viên quốc tế trong lễ tốt nghiệp hồi tháng 5 tại University College London (UCL)

Một số trường ĐH ở Anh dự đoán số sinh viên quốc tế mới sẽ giảm một nửa trong năm nay, nhất là ở các khóa sau ĐH chỉ kéo dài một năm. Một cuộc thăm dò trước đó với 75 trường do Hiệp hội liên lạc quốc tế của các ĐH Anh (BUILA) thực hiện còn chỉ ra rằng, 90% đơn vị đã tiếp nhận ít đơn xin nhập học kỳ mùa thu từ sinh viên quốc tế hơn so với năm 2023.

Mục tiêu cắt giảm số người nhập cư

Trả lời tờ The Times, phát ngôn viên từ Bộ Nội vụ Anh cho biết chính phủ nước này đã có kế hoạch chi tiết nhằm giảm số người nhập cư đang ở mức cao kỷ lục, bằng cách giải quyết tận gốc việc tuyển dụng lao động nước ngoài quá nhiều và tập trung đào tạo nhân lực nội địa. "Nhập cư mang lại nhiều lợi ích cho Anh, nhưng nó phải được kiểm soát và thực hiện một cách công bằng", người này khẳng định.

Trước đó, xuyên suốt những tháng đầu năm, Anh liên tục điều chỉnh chính sách visa với mục tiêu cắt giảm 300.000 người nhập cư ròng mỗi năm. Các biện pháp bao gồm: nâng yêu cầu về mức lương để bảo lãnh người lao động ở lại làm việc, hạn chế sinh viên quốc tế mang theo thân nhân đến Anh (trừ những ai học các khóa nghiên cứu sau ĐH hay các khóa do chính phủ tài trợ), rút ngắn danh sách các ngành nghề được bảo lãnh...

Những động thái trên khiến Anh ngày càng kém hấp dẫn với du học sinh. Bởi lẽ, nhiều khảo sát thời gian qua từ những tổ chức giáo dục quốc tế như IDP, AECC cho thấy các quốc gia Úc, Anh, Canada không còn là lựa chọn hàng đầu với du học sinh do các thay đổi trong chính sách giáo dục quốc tế về thị thực, quyền làm việc. Ngược lại, Mỹ, Đức và New Zealand đang nhận về nhiều sự quan tâm hơn trong bối cảnh hiện tại.

Theo Cơ quan thống kê giáo dục ĐH (HESA), Việt Nam đứng thứ 20 về số du học sinh bậc ĐH tại Anh ở năm 2022 với 7.140 người. Đây là mức cao nhất được ghi nhận trong 5 năm trở lại đây. Trong đó, chi phí để theo học bậc cử nhân tại Anh dao động ở mức 10.000-26.000 bảng/năm (308-800 triệu đồng). Với ngành y, học phí có thể lên tới gần 68.000 bảng (2 tỉ đồng).

Theo Ngọc Long (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đưa mô hình biển, đảo vào học đường

Đưa mô hình biển, đảo vào học đường

(GLO)- Tại Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (xã Chư Drăng, huyện Krông Pa), các tiết học Địa lý, Lịch sử trở nên sinh động và cuốn hút nhờ mô hình bản đồ hình chữ S thu nhỏ với đầy đủ phần đất liền cùng biển, đảo đặt tại sân trường.

Niềm vui nhân đôi

Niềm vui nhân đôi

Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc các trường tiểu học, THCS triển khai dạy học 2 buổi mỗi ngày không thu phí từ năm học 2025 - 2026 thực sự là thông tin mang lại 'niềm vui nhân đôi' với phụ huynh cả nước.

Quy định mới về dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục

Quy định mới về dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục

(GLO)- Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 96/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15-7-2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số (DTTS) trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.