Động đất Myanmar: Nỗi sợ hãi của lực lượng cứu hộ lớn dần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các đội cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những nạn nhân sống sót sau trận động đất 7,7 độ xảy ra vào tuần trước tại Myanmar.

Các đội cứu hộ và hàng cứu trợ nước ngoài đang đổ về Myanmar, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á xoay xở với hậu quả từ thảm kịch động đất 7,7 độ xảy ra gần thành phố Mandalay vào chiều 28-3, theo sau là dư chấn mạnh 6,7 độ.

Phương tiện truyền thông Myanmar đưa tin ít nhất 1.700 người thiệt mạng tính tới nay trong khi Wall Street Journal dẫn nguồn tin cho biết số người chết đã lên tới 2.028.

Theo Channel NewsAsia, nhân viên cứu hộ đang chạy đua với thời gian, khi "thời gian vàng" 72 giờ để tìm kiếm những người còn sống sót bị chôn vùi đã trôi qua.

Quốc tang 1 tuần

"Mỗi lần gió thổi qua, mùi tử khí lại lan khắp nơi" - Thar Nge, cư dân TP Sagaing gần tâm chấn, mô tả với Al Jazeera- "Hiện tại, số lượng thi thể được tìm thấy còn nhiều hơn số người sống sót".

Cầu Ava gần đó, xây dựng cách đây khoảng 90 năm, là một trong số nhiều công trình bị hư hại. "Các đội cứu hộ từ Mandalay không thể tiếp cận chúng tôi ngay lập tức vì cây cầu đã sập. Đó là lý do hôm 30-3 đội cứu hộ mới tới nơi" - anh nói, cho biết đang dần tắt hy vọng tìm thấy con trai.

Theo anh Thar Nge biết, đội cứu hộ tìm thấy khoảng 90 thi thể, so với 36 người được giải cứu: "Trọng tâm đang chuyển từ giải cứu người sống sang tìm kiếm và chôn cất người chết".

Cầu Ava bị sập. Ảnh: EPA
Cầu Ava bị sập. Ảnh: EPA

Tại Mandalay cách đó 22 km, do thiếu thiết bị chuyên dụng, người dân cùng lực lượng cứu hộ phải dùng tay không đào bới đống đổ nát. Gần như toàn bộ Mandalay và Sagaing đều mất điện dù nhiệt độ lên tới 39 độ C.

Ko Lin Maw không thể làm gì khác ngoài chờ đợi: "Mẹ và hai con trai tôi vẫn ở dưới đó". Mặc dù có sóng điện thoại để gọi trợ giúp, anh Maw nói đội cứu hộ đang ưu tiên những khu vực có khả năng có nhiều người mắc kẹt hơn.

"Số lượng nhân viên cứu hộ không đủ để cứu nạn nhân" - anh than.

Lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing, đã tuyên bố một tuần quốc tang để tưởng niệm những mất mát về nhân mạng do trận động đất gây ra, kéo dài từ ngày 31-3 đến ngày 6-4.

"Tôi nghĩ chúng tôi sẽ chỉ tìm thấy xác chết"

Giới quan sát nhận định quá trình khắc phục thảm họa tại Mandalay bị cản trở bởi thiếu thiết bị phù hợp. Một lính cứu hỏa kể về chiến dịch giải cứu một người mẹ và con trai mắc kẹt bên trong tòa nhà, song cho tới nay chưa có tin vui.

"Chuyện này xảy ra trên khắp cả nước và chúng tôi không có đủ nhân lực và thiết bị. Do đó, chúng tôi đang ứng biến hết sức trong khả năng" - anh nói.

Các chuyên gia cảnh báo việc tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ chậm trễ do đường sá và cầu đã bị phá hủy. "Tôi nghĩ chúng tôi sẽ chỉ tìm thấy xác chết" - một lính cứu hỏa khác nói - "Bởi họ đã ở dưới đống đổ nát quá lâu rồi. Tôi không chắc họ còn cơ hội sống sót, vì áp lực, độ rung và mức độ thiệt hại".

Đội cứu hộ tại hiện trường. Ảnh: Tân Hoa Xã
Đội cứu hộ tại hiện trường. Ảnh: Tân Hoa Xã

Từ Yangon, nhân viên cứu hỏa Htet Wai đến Mandalay vào sáng 30-3. Việc liên lạc bị cản trở nghiêm trọng do dịch vụ điện thoại di động gần như không hoạt động và kết nối Internet không ổn định. Nhóm của Htet Wai đã dựa vào thông tin đăng trên Facebook để xác định nơi cần hỗ trợ nhất.

"Sáng nay, ngay khi đến nơi, chúng tôi đã đến một địa điểm chúng tôi đọc trên mạng" - Htet Wai cho biết. Tuy nhiên, nỗ lực giải cứu đầu tiên đã kết thúc khi tìm thấy một thi thể.

Hy vọng mong manh

Htet Wai và các đồng nghiệp vẫn hy vọng dù tình hình rất tồi tệ: "Với cái nóng này, tôi sợ chúng tôi sẽ tìm thấy thi thể nhiều hơn người sống sót. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng cứu càng nhiều mạng người càng tốt" - anh nói, nhấn mạnh thêm bên cạnh nhân viên cứu hộ và thiết bị hạng nặng để di chuyển đống đổ nát, nhu cầu về túi đựng xác cũng rất cấp thiết.

Theo dự báo thời tiết, nhiệt độ ban ngày ở Mandalay có thể lên tới 40 độ C trong tuần này, và thi thể người thiệt mạng bên dưới các tòa nhà đang phân hủy nhanh chóng. "Chúng tôi tìm thấy thi thể đã phân hủy. Thật đau lòng" - Htet Wai nói.

Động đất Myanmar: Tin tốt từ đội cứu hộ Trung Quốc, cứu được người mắc kẹt 60 giờ

Trận động đất ngày 28-3 không phải lần đầu tiên Myanmar hứng chịu thiên tai kể từ khi chính quyền quân sự lên nắm quyền vào năm 2021. Năm 2024, siêu bão Yagi gây ra lũ lụt và lở đất nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng của hơn 400 người và phá hủy mùa màng.

"Chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến khả năng phục hồi của người dân Myanmar" - Karah Brink, phát ngôn viên tổ chức dịch vụ nhân đạo Partners Relief and Development, nói - "Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng lần này gây ra hậu quả nghiêm trọng".

Theo các chuyên gia từ Liên hợp quốc, từ trước động đất, 1/3 dân số Myanmar đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.

Bà Brink cho biết các vùng nông thôn, đặc biệt bang Shan phía Nam, đang chịu thiệt hại do động đất trên diện rộng nhưng các tổ chức viện trợ quốc tế lại khó tiếp cận khu vực này. "Nhà cửa không còn, nhiều thương vong và nhu cầu khẩn cấp về nhu yếu phẩm cần thiết như thực phẩm, nước uống, hay bạt trú ẩn" - bà lưu ý.

Bà Brink hy vọng quy mô ứng phó thảm họa sẽ tăng lên, kêu gọi các tổ chức cứu trợ chung tay cùng cộng đồng địa phương. "Họ vốn vật lộn để sinh tồn từng ngày, giờ đây đối mặt áp lực tái thiết" - bà nói - "Người dân Myanmar sẽ phải đối mặt với chặng đường rất khó khăn phía trước".

Theo Phương Linh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm