Động đất tại Myanmar: Nhiều nước triển khai các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau trận động đất kinh hoàng tại Myanmar, nhiều quốc gia đã nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp, trong đó có Việt Nam, Singapore, Campuchia, Ấn Độ và nhiều tổ chức, quốc gia khác.

dong-dat-tai-myanmardddddd.jpg
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kích hoạt cơ chế phản ứng khẩn cấp và đang điều phối công tác cứu trợ từ trụ sở tại Geneva. Ảnh: Hoạt động cứu hộ được tiến hành sau động đất tại Mandalay, Myanmar. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 30/3, các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ cho Myanmar sau trận động đất 7,7 độ, cướp đi sinh mạng của hơn 1.700 người và làm hàng trăm người khác bị thương hoặc mất tích.

Trong cuộc họp khẩn theo hình thức trực tuyến của các Bộ trưởng ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về công tác hỗ trợ Myanmar khắc phục hậu quả động đất, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn tuyên bố nước này sẽ cung cấp 100.000 USD viện trợ khẩn cấp ban đầu cho Myanmar.

Hiện Campuchia đang xem xét mức đóng góp thêm cho các nỗ lực cứu trợ, bao gồm cung cấp vật tư y tế và các nhu yếu phẩm khác.

Việt Nam đã cử ngay đoàn công tác gồm 80 người, do Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn đảm nhiệm vai trò Tổng Chỉ huy các lượng Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar.

Đoàn công tác mang theo các trang thiết bị, vật chất, thuốc men cần thiết, 6 chó nghiệp vụ và nhiều tấn hàng hóa. Đây là hoạt động thể hiện tinh thần quốc tế của Việt Nam, đồng thời khẳng định vị thế, uy tín, trách nhiệm và năng lực của Quân đội nhân dân Việt Nam trong hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng.

Singapore cũng đã triển khai đội cứu trợ gồm 80 người đều là thành viên lực lượng phòng vệ dân sự để hỗ trợ các nỗ lực cứu hộ thảm họa. Nhóm cứu trợ gồm nhiều chuyên gia về hoạt động cứu hộ, hỗ trợ y tế, tìm kiếm và cứu nạn, cũng như quản lý vật liệu nguy hiểm. Ngoài ra, đội còn có 4 chú chó nghiệp vụ.

Trong khi đó, Malaysia cho biết sẽ triển khai nhóm hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa gồm 50 người đến Myanamar. Philippines cũng thông báo sẽ cử một nhóm gồm 114 người, bao gồm nhân viên y tế, lính cứu hỏa và các thành viên của lực lượng vũ trang đến Myanmar vào ngày 1/4.

Trong một tuyên bố, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đang huy động trung tâm hậu cần tại Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) để chuẩn bị vật tư chấn thương, đồng thời đã kích hoạt phản ứng quản lý khẩn cấp.

Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar thông báo ngoài máy bay viện trợ đã đến Myanmar, nước này đang cử thêm 4 máy bay viện trợ nữa mang theo nhân sự và thiết bị, cùng với 2 tàu hải quân triển khai tới hỗ trợ Myanmar.

Trong khi đó, Nga cũng đã điều 3 máy bay chở lực lượng cứu hộ, bác sỹ và một bệnh viện lưu động đến Myanmar để giúp khắc phục hậu quả kinh hoàng của động đất.

Đặc khu hành chính Hongkong (Trung Quốc) cho biết đã cử nhóm cứu hộ gồm 51 người đến Myanmar, mang theo 9 tấn thiết bị, bao gồm cả máy dò sự sống. Ngoài nhân lực, Hongkong cũng dành 30 triệu đôla Hồng Kông (khoảng 3,8 triệu USD) hỗ trợ khẩn cấp cho Myanmar.

Nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đã công bố các khoản hỗ trợ tài chính ban đầu cho Myanmar. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết sẽ gửi 2 triệu USD viện trợ nhân đạo "để hỗ trợ các nỗ lực cứu hộ và cứu trợ khẩn cấp" sau trận động đất. New Zealand cho biết sẽ quyên góp 1,14 triệu USD thông qua Hội Chữ thập đỏ Quốc tế để hỗ trợ ứng phó khẩn cấp tại Myanmar.

Liên minh châu Âu cung cấp 2,5 triệu euro (khoảng 2,7 triệu USD) viện trợ khẩn cấp ban đầu và sẽ đánh giá các nhu cầu thực tế để huy động thêm.

Ireland tuyên bố sẽ đóng góp 6 triệu euro viện trợ ban đầu, trong đó 50% phân phối qua tổ chức Chữ thập đỏ và 50% còn lại phân phối qua các cơ quan của Liên hợp quốc.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 30/3, Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cho biết đã phát động kêu gọi khẩn cấp đóng góp hơn 100 triệu USD giúp đỡ các nạn nhân động đất tại Myanmar. Khoản tiền này sẽ hỗ trợ 100.000 người trong các hoạt động trước mắt cũng như hỗ trợ phục hồi sớm trong 24 tháng tới.

Theo TTXVN/Vietnam+

Có thể bạn quan tâm

Động đất tại Myanmar: Số người mắc kẹt trong tòa nhà sập ở Thái Lan lên tới 81 người

Động đất tại Myanmar: Số người mắc kẹt trong tòa nhà sập ở Thái Lan lên tới 81 người

Liên quan đến những thiệt hại tại Thái Lan do ảnh hưởng của trận động đất tại Myanmar, thông báo chiều 28/3, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng quốc phòng Thái Lan Phumtham Wechayachai cho biết đã có ít nhất 3 công nhân thiệt mạng trong vụ sập tòa nhà cao 30 tầng đang được xây dựng ở Thủ đô Bangkok.