(GLO)- Là tỉnh có 90 km đường biên giới, tiếp giáp với nước bạn Camphuchia, Gia Lai có tới 8 đồn biên phòng (các Đồn Biên phòng 717, 719, 721, 723, 725, 727, 729 và 731) đứng chân trên địa bàn 3 huyện Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông làm công tác bảo vệ an ninh biên giới quốc gia. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, vùng biên lại được đón những đoàn lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, của tỉnh về thăm. Bởi vậy, mùa xuân nơi vùng biên cương Tây Nam Tổ quốc- nơi có những bản làng sinh sống tựa mình bên dãy Trường Sơn huyền thoại luôn thấm đẫm tình đoàn kết gắn bó một lòng, tình quân dân keo sơn cá- nước. Và, mùa xuân này cũng vậy…
Món quà nhỏ, ý nghĩa lớn
Trong ngôi nhà nhỏ thấp lè tè nằm lọt thỏm giữa bốn bề cỏ dại ở làng Lung 2 (Ia Kriêng-Đức Cơ), mà bà Rơ Lan H’Găng vừa động viên con cháu dọn dẹp cho sạch sẽ, gọn gàng để chuẩn bị đón Tết. Năm nay, niềm vui đón Tết của gia đình bà được nhân lên khi bà vinh dự được nhận quà của Bí thư Tỉnh uỷ Hà Sơn Nhin trao tặng.
Ông Hà Sơn Nhin-Bí thư Tỉnh ủy thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 723. Ảnh: Lê Hòa |
“Vợ chồng tôi trước đây đều tham gia cách mạng, ông ấy đã bỏ tôi mà đi suốt gần 35 năm nay... Một mình tôi nuôi 4 đứa con, 3 trai và 1 gái. Khổ nỗi, chẳng nhà đứa nào khá cả, tôi ở nhờ nhà con gái. Nó cũng nghèo. Cái mà tôi trông mong vào chỉ là suất tiền trợ cấp hàng tháng dành cho người có công với cách mạng và ít tiền nhặt nhạnh từ mảnh vườn”- bà H’Găng tỏ lòng.
“Năm nay, may mắn được nhận quà Tết của lãnh đạo tỉnh, tôi vui lắm! Tết này, con cháu tôi sẽ có thêm những món quà ý nghĩa để đón xuân, chúng sẽ vui và rất tự hào. Tôi cám ơn Đảng, cám ơn Nhà nước nhiều lắm!”- bà H’Găng nói trong niềm xúc động nghẹn ngào.
… Một ngôi nhà gỗ đơn sơ nhưng thoáng đãng và sạch sẽ. Chủ nhân ngôi nhà là một đôi vợ chồng già người Jrai, trong đó, người chồng là thương binh trở về từ cuộc chiến với tỷ lệ thương tật 4/4. Một ngôi nhà không mấy giống với những ngôi nhà người đồng bào Jrai thường thấy, mà phảng phất những nét của người Kinh rất rõ. Một khoảng sân rộng, một mái hiên với bao bọc là dậu hoa bóng nước, hoa đá bao quanh. Trong nhà, đồ đạc đơn sơ nhưng dễ nhận thấy một tấm lòng của chủ nhân đối với cách mạng: Bằng khen, giấy khen, huy hiệu… tất cả được đóng khung cẩn thận và treo trang trọng trên tường nhà ở phòng khách.
Bức tranh chụp kỷ niệm của 2 vợ chồng ông trong trang phục áo dài truyền thống và veston rồi những bức ảnh con cháu, đại gia đình khiến người ta dễ cảm nhận thấy sự hoà nhập, đầu óc cầu thị, ham học hỏi của đôi vợ chồng già. “Mình không phải “học theo” người Kinh mà bỏ phong tục dân tộc mình, nhưng mình thấy, đó là điều hay, là cái tốt thì mình học hỏi. Anh em Kinh-Jrai mình đều là con cháu Bác Hồ, phải biết đoàn kết, học hỏi, yêu thương và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Phải như vậy đất nước Việt Nam mới đẹp giàu!”- ông Rơ Châm Nak, làng Bua, xã Ia Pnôn nói chắc nịch.
Vợ chồng Rơ Châm Nak vinh dự được Bí thư Tỉnh ủy thăm và tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Lê Hòa |
“Chắc tay súng cho mùa xuân bình yên”
Khi hàng triệu người dân háo hức vui xuân trong không khí ấm áp, đoàn tụ thì nơi vùng biên sâu thẳm, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng vẫn lặng lẽ đón những mùa xuân theo cách riêng của mình: Mùa xuân của những người lính, xa gia đình, xa bạn bè và chỉ có những người đồng đội vẫn ngày đêm gắn bó.
Mùa xuân đến với các cán bộ, chiến sỹ đồn 721- Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai cũng giản đơn như bao mùa xuân khác: Anh em vui xuân với nhau là chính. Trong hội trường đơn vị vẫn là cành mai vàng được anh em lấy từ rừng về; vẫn là bánh chưng xanh do những bàn tay khéo léo của người lính gói, là bánh mứt, hạt dưa… được chuẩn bị sẵn sàng từ trước Tết. Các anh tự lo cho mình những cái Tết từ những việc nhỏ nhất, bất kể đó là những công việc của những người phụ nữ nếu ở gia đình.
“Tết năm nay, ngoài tiêu chuẩn trên cấp, đơn vị còn hỗ trợ mỗi cán bộ, chiến sĩ 500 ngàn đồng, mua thêm bánh kẹo, mứt… và đưa vào bữa ăn của bộ đội trong những ngày Tết để nâng lên mức 100.000 đồng/người/ngày. Sự quan tâm ấy cũng phần nào bù đắp những thiệt thòi cho các anh trong những ngày Tết đến, xuân về- Thượng tá Phạm Đình Thành- Đồn trưởng đồn Biên phòng 721 khẳng định.
Với những người đã công tác lâu năm cảm giác phải ở lại trực trong những ngày Tết dường như nhẹ nhàng hơn bởi đã… quen. Còn với những chiến sỹ mới, lần đầu đón Tết trong quân ngũ, thì không ít người rơi lén nước mắt trong ngày Xuân. Chiến sỹ Kpăh Rô Đa (Tiểu đoàn huấn luyện cơ động- Bộ đội Biên phòng tỉnh), thổ lộ: “Em và anh em trong tiểu đội mới nhập ngũ ngày 7-9-2011, nhà em ở Ia Sol- Phú Thiện. Chưa năm nào em phải đón cái Tết xa nhà, dẫu người Jrai chúng em đón Tết Nguyên đán không hoành tráng như người Kinh, nhưng hoà nhập cuộc sống lâu rồi, thành thử Tết cũng là dịp vui lớn trong năm của mọi người. Tết năm nay em xa nhà, xa bố mẹ, các em và bạn bè, liên lạc điện thoại về nhà cũng rất hạn chế do kỷ luật quân đội nên nghĩ cũng buồn lắm.
Mùa xuân- khi mọi người cùng nhau đoàn tụ ấm áp bên gia đình thì có hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng thức cùng mùa xuân, làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh biên giới để mọi người có được đón một cái Tết bình yên. Không chỉ có các chiến sỹ đồn Biên phòng 721, Tiểu đoàn huấn luyện cơ động- Bộ đội Biên phòng tỉnh mà còn nhiều, rất nhiều các cán bộ, chiến sỹ ở các đơn vị: 717, 719, 723, 725, 727, 729, 731 và các đơn vị bộ đội khác đóng chân trên dọc tuyến biên giới Tây Nam Tổ quốc cũng đón những mùa xuân như vậy.
Gạt bỏ tất cả những ước mong, trách nhiệm và nghĩa vụ của một người con, người chồng, người cha với gia đình, mùa xuân đến, các anh ở lại cùng biên giới, ở lại với đồn, chắc tay súng với nhiệm vụ cao cả của người chiến sỹ bộ đội biên phòng giữ gìn an ninh vùng biên cương Tổ quốc với quan niệm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương”- vẫn trực, gác, tuần tra, vẫn chế độ sinh hoạt của một quân nhân…
Lê Hòa