Họ gọi em là thủy thủ. Nghe rất oai và có phần tự hào. Nhưng thực ra em là phu biển. Mặc dù đã vào bờ được gần một tuần nhưng trông Bảy Em vẫn bơ phờ, hốc hác. Màu da trắng hồng của đứa con trai miệt vườn bị nhuộm đặc nắng gió biển cả. Bảy Em già hơn tuổi 19 rất nhiều. Ký ức hơn 10 ngày lênh đênh biển cả vẫn là điều gì đó thật khủng khiếp ám ảnh người thanh niên này…
1. Nhà nghèo khó, cố lắm Nguyễn Lê Bảy Em (Tiền Giang) mới học xong lớp 9. Rồi cậu theo bạn đi làm vườn thuê khắp nơi của miệt sông Tiền. Bảy Em đã từng vài lần lên TP. HCM thử sức làm bưng bê trong quán cơm, nhưng người ta đối xử tệ bạc quá, cậu tủi thân quay trở về.
Những thúng cá chờ xuất bến. |
Ở quê, kiếm bữa cơm sống qua ngày không khó, nhưng cậu muốn có một khoản tiền đi học nghề sửa xe, sau này ra vỉa hè ngồi cũng là một cái nghề. Đứa bạn thân của Bảy Em có ông chú là thủy thủ đi biển lâu năm, đang cần người đi cùng phụ nhặt cá.
Sau một buổi gặp gỡ, Bảy Em và thằng bạn thân Tuấn Anh quyết định ra khơi một chuyến. Đội phu biển tập kết tại cảng cá Phước Tỉnh (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Những ngày chờ đợi trên cảng cá, nhìn con tàu hối hả cập bờ, người người xôn xao bán mua, những thúng cá tươi giòn lấp lánh ánh mắt ông chủ tàu, Bảy Em nôn nao lắm, lòng thầm nghĩ đến một khoản tiền thù lao thật xứng đáng cho chuyến ra khơi đầu đời.
Rồi ngày mở biển cũng đến. Tàu vừa rẽ sóng khoảng một tiếng, những cơn say liên tục ập vào người hai chàng thủy thủ mặt búng ra sữa. Bảy Em nằm bẹp dí trên sàn tàu, không còn sức để nôn ói. Tuấn Anh thì lả như cá mắc cạn, không thể ngồi dậy làm việc.
Người vợ, người mẹ lúc nào cũng đợi chờ ngoài cửa biển đón chồng, con trở về. |
Đây là chuyến đi biển và thân phận của hai chàng trai là người làm thuê, nên có say, có mệt cũng chẳng ai để tâm. Đã mang thân phận phu biển thì chỉ có làm và làm thôi. Bảy Em cố lết thân xác rũ rượi đứng dậy bắt đầu công việc của mẻ lưới đầu tiên.
Người ta bảo đi biển chỉ việc nhặt cá thôi, nhưng khi đã lênh đênh ngoài khơi thì công việc gì cũng phải làm. Nặng nhất là khâu kéo lưới. Thủy thủ phải gồng hết sức bình sinh, bậm môi, nghiến răng kéo lê từng centimet lưới mà không có máy tời hỗ trợ. Kéo xong mẻ lưới, mệt thở hắt ra tai, không nuốt nổi cơm.
Bảy Em cho biết, cái mùi cá tôm đặc trưng của biển cả khiến những thủy thủ mới toanh cảm giác ớn lạnh, ngai ngái trong cổ họng. Cơm ngoài biển chỉ có cá thôi, bữa nào cũng phải chan nước mắm với ớt thật cay cho át đi mùi tanh thì mới nuốt được.
Ngày nghỉ, đêm lao động, đi biển là thế. Con người phải thích nghi với quy luật hoạt động của đàn cá. Ban ngày là khoảng thời gian thảnh thơi nhất để ngủ, nhưng khi nắng lên, hơi nước nóng bủa vây lấy mạn tàu cộng với gió khô hanh tràn về len lỏi vào tận manh chiếu, thật khó để có một giấc ngủ êm ái, trọn vẹn. Bảy Em lại thức.
Không biết làm gì, chỉ nhìn biển mênh mông, nỗi buồn tê dại ập về. Cậu mong cho trời tối thật nhanh, cho đêm đen giấu sự mênh mông đáng sợ của biển cả để lao vào công việc lao động vất vả, khổ cực nhưng sẽ khiến cậu quên đi nỗi buồn. Chỉ có quăng quật sức lực vào manh lưới, rồi mệt lả đi, thì giấc ngủ tự nhiên sẽ tràn về. "Triết lý sinh tồn" của Bảy Em là vậy.
Các tàu nhỏ thô sơ chỉ đánh bắt được những loại hải sản nhỏ. |
Một tuần dầm dãi ngoài khơi, những cơn say sóng giảm dần. Cái đầu đã biết chấp nhận với thực tế, miệng cũng bớt nôn ói hơn. Lấy lại chút sức khỏe, Bảy Em bắt đầu nhớ đến đất liền. Lúc nào cậu cũng thầm nghĩ trong bụng, phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, lần này về sẽ không bao giờ ra khơi nữa.
Nhấp ngụm cà phê thật đặc, cậu trầm ngâm: "Họ gọi chúng em là thủy thủ. Nghe rất oai và có phần tự hào. Nhưng thực ra chúng em là phu biển. Cái tên ấy đúng và đầy đủ cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen".
Hỏi Bảy Em, sau chuyến ra khơi để đời có kiếm được đủ vốn đi học nghề không? Bảy Em gãi đầu, cười ngượng: "Đem về cho ba mẹ trang trải nợ nần là vừa hết, không có dư đồng nào cả. Nghỉ mệt vài bữa nữa, em sẽ đi làm vườn".
2.Tuấn Anh sau lần đầu tiên "thừa sống thiếu chết" ngoài biển, tự nhiên lại muốn đi tiếp. Cậu cho biết, ông chú huấn luyện cách thích nghi với biển cũng như truyền dạy "tuyệt chiêu" tránh say sóng rất hiệu quả. Chỉ mất ba ngày say lả lướt, Tuấn Anh đã đứng vững trên khoang tàu, trở thành thủy thủ đắc lực.
Vốn có khả năng bơi lặn tốt, Tuấn Anh được giao nhiệm vụ nhảy xuống biển gỡ lưới khi bị mắc. Công việc này khiến cậu thích thú, vì khi tung mình giữa biển mênh mông, cảm giác thật tuyệt vời. Ngày đầu tiên nhảy xuống biển, do sóng đánh mạnh quá khiến cậu bị chảy máu tai, nhưng biết cách chế ngự thì những lần tiếp theo không bị nữa.
Ba mẹ Tuấn Anh rất lo lắng cho con, bởi nghề lặn biển vô cùng nguy hiểm. Đã có nhiều người không thể ngoi lên hoặc trở về nhà với cơ thể bại liệt. Tuấn Anh hứa chỉ đi vài chuyến, kiếm một khoản tiền sau này về buôn bán.
Và thế là cậu lại ra khơi. Ngoài kia, biển động, sóng to, không biết con tàu nhỏ bé mang theo thủy thủ Tuấn Anh có thuận buồm xuôi gió.
Bảy Em thương bạn lắm và cũng khâm phục bạn thật nhiều. Bảy Em cho rằng, có lẽ trong các nghề lao động chân tay thì phu biển là nghề vất vả và hiểm nguy nhất. Chỉ có những người yêu biển thật sự mới dấn thân theo nghề.
Những ngày mưa gió mù khơi, chúng tôi có mặt tại cảng cá Phước Tỉnh và được nghe nhiều câu chuyện đau thương đến tột cùng của những phu biển không bao giờ trở về đất liền. Bên mạn tàu, hai người đàn ông lấm lem mùi cá đang ngồi nhâm nhi li rượu trắng cùng một đĩa mực luộc vội.
Nhấp ngụm rượu cạn đáy, thủy thủ Nguyễn Văn Năm man mác nhìn ra cửa biển đang vần vũ cơn giông. Anh buông lời: "Nếu ngày mai có bão thì tối nay được về với vợ con".
Phu biển Năm vừa được nghỉ một tuần sau chuyến biển dài, hôm nay anh được gọi ra bến để chuẩn bị hành trang ngày mai vươn khơi. Anh Năm có thâm niên đi biển trên 10 năm. Sóng gió, muối mặn của đại dương đã ngấm trọn vào người, chỉ cần nhìn thoáng là nhận ra người của biển cả.
Thủy thủ Năm được giao nhiệm vụ nhặt và phân loại cá sau mỗi mẻ lưới kéo lên. Công việc không mất sức, nhưng cần sự tỉ mỉ, dẻo dai. Phải ngồi nhiều nên lưng của anh gù hẳn xuống, đầu chúi về phía trước. Mỗi đêm phải nhặt hàng tấn cá, có khi "bội thực" mùi cá không thể ăn nổi cơm. Bàn tay của người phu biển chằng chéo vết sẹo do vây cá đâm vào. Những ngón tay thô ráp, to bè và trắng bệch vì ngâm nước quá nhiều.
Trông cái dáng kham khổ ấy, ít nhiều đoán được cuộc đời lầm lũi, gian khó của người phu biển này. Ngày ngủ, đêm nhặt cá, đó là guồng quay quen thuộc trong những chuyến biển dài của Nguyễn Văn Năm.
Bóng chiều hoang hoải, vần vũ với những đám mây đen kịt và cơn mưa kéo đến thật nhanh. Trên bờ, những người phu biển vẫn dầm mình bốc cá, cân cá, vận chuyển cá như không có chuyện gì xảy ra. Ngoài khơi thì chỉ có phu nam thôi, nhưng trên bờ có rất nhiều phu nữ. Họ bịt kín mặt mũi, chân tay và cứ thế quần quật với cá, tôm, ghẹ, mực. Những thúng cá nặng trịch, nhưng cũng chỉ một đà là nằm gọn trên vai, thoăn thoắt lên ôtô.
Cảnh bốc dỡ tấp nập trên cảng cá khi tàu vào bờ. |
Phu cá Nguyễn Thị Lệ cho biết, trời càng mưa thì làm càng thích, vì nước mưa sẽ gội rửa bớt mùi tanh nồng của cá và trăm thứ nước bẩn váng vất khắp nơi. Không khí sẽ thoáng sạch hơn và các chị có thể mở chiếc khăn trùm đầu ra mà thở cho thật thoải mái.
Cảng cá chiều nay dù nhộn nhịp nhưng vẫn phảng phất nỗi u sầu, buồn thương cho những người phu biển vừa mới tử nạn.
Từng tham gia tìm kiếm nhiều vụ mất tích trên biển, anh Nam không thể quên cảm giác lạnh giá thăm thẳm của biển đêm đang "nuốt" những người phu hiền hòa, chất phác.
Anh kể, mới vài hôm trước thôi, con tàu chỉ còn 15 phút nữa là vào đất liền. Các phu biển lật mở khoang chứa cá để chuẩn bị cho công đoạn bốc dỡ lên bờ. Vừa mở ra, chỉ vài phút sau, ba thủy thủ nằm bất động tại chỗ. Mọi người trên tàu hoảng loạn, chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra. Thuyền trưởng cho tàu chạy hết tốc lực vào bờ, nhưng không thể cứu vãn nổi, hai thủy thủ đã chết, một người nguy kịch được đưa đi cấp cứu.
Các chị em ra đón người thân đã khóc hết nước mắt, nỗi đau không thể nói bằng lời. Khi vụ tai nạn thương tâm còn chưa nguôi ngoai thì lại xảy ra vụ nổ bình ga khiến một người bay xuống biển, mất tích, một người bị bỏng nặng phải vào bờ điều trị.
Nói về những phu biển không thể trở về, ai cũng ngậm ngùi, xót xa, nhưng rồi không ai bảo ai, những chiếc tàu đánh cá cứ đạp sóng vươn khơi. Nghề nào chẳng có nước mắt và nỗi đau. Hôm nay và ngày mai, vẫn có hàng trăm phu biển hăm hở xuống tàu...
Theo nld