Đổi đời nhờ trồng rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dõi theo những chuyến ô tô tải nối đuôi nhau chở gỗ keo lai mới thu hoạch đi về hướng trung tâm huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai), niềm vui của người trồng rừng thêm rạng rỡ. Họ vui bởi gỗ keo nguyên liệu bán được giá sẽ có thêm một khoản tiền kha khá để trang trải cuộc sống gia đình. 
Năm 2016, vài hộ người Bahnar ở xã Đak Song, Đak Pling (huyện Kông Chro) dọn đất trồng rừng với ước vọng đổi đời. Bẵng đi 6 năm, những khoảnh đất trống đã được phủ xanh màu keo lai, bạch đàn. Trong bữa cơm ngày cuối năm, trong niềm hân hoan thoát nghèo đâu đây vẫn có nét buồn, bởi bà con muốn phủ xanh thêm rừng mà thiếu nguồn lực.
Thoát nghèo từ trồng rừng
Ngày cuối năm, mây trời vần vũ, gió thổi rung cây rừng. Anh Đinh Dom khoác thêm chiếc áo ấm rồi dẫn chúng tôi ngược núi tham quan vườn keo lai của gia đình. Cách trung tâm xã Đak Pling khoảng 4 km, sát con suối H’Uối, rừng keo lai của anh Dom hiện ra trước mắt với đủ loại kích cỡ, nhiều khoảnh keo thân thẳng tắp, cao chừng 4-5 m. Anh Dom kể: “Ngày trước, dân làng mình sống dựa rừng, phát rừng làm rẫy xong thì chuyển đi nơi khác để cây tự tái sinh, không ai trồng rừng cả. Những năm 2015-2016, gia đình anh Lê Văn Ánh chuyển vào định cư rồi mua đất trồng rừng. Thấy rừng trồng của anh ấy sinh trưởng tốt và được sự tuyên truyền của các cấp chính quyền, dân làng bắt đầu trồng keo lai, bạch đàn. Nhà mình trồng 7 ha vào năm 2017. Từ đó đến nay, gia đình tận dụng đất trống, hợp tác với UBND xã, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Chro trồng thêm mỗi năm một ít. Hiện tổng diện tích cây keo lai của mình là 12 ha”.
Dẫn chúng tôi đến một khoảnh rừng trồng vừa thu hoạch xong, anh Dom cho hay: Năm 2017, Nhà nước hỗ trợ 7,5 triệu đồng/ha rừng trồng mới, mình bỏ thêm chừng ấy tiền nữa để mua giống, thuê người dọn cỏ, đào hố trồng 7 ha keo lai. Do phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên cây sinh trưởng nhanh, có đường kính thân 10-30 cm. Đợt rồi, mình bán hết cả đám cho người ta tự thu hoạch, thu về gần 300 triệu đồng, trừ chi phí chắc còn khoảng 170-180 triệu đồng. Nhờ vậy mà mình có tiền để trả nợ đầu tư mấy năm trước, mua thêm giống trồng rừng mới và sửa sang nhà cửa, mua sắm thêm máy móc phục vụ cuộc sống. Hy vọng những năm tới, keo lai vẫn đạt giá cao để gia đình có cuộc sống sung túc hơn.
Vườn keo lai đạt tiêu chuẩn khai thác của gia đình anh Đinh Dom (bìa phải, xã Đak Pling, huyện Kông Chro). Ảnh: Hoành Sơn
Vườn keo lai đạt tiêu chuẩn khai thác của gia đình anh Đinh Dom (bìa phải, xã Đak Pling, huyện Kông Chro). Ảnh: Hoành Sơn
Từ suối H’Uôi, chúng tôi cắt đường núi để đến khu vực suối Nước Triêm. Ở đây, cơ man là keo lai. Mấy hộ dân làng Mèo đang cặm cụi phát tỉa bớt cành nhánh cho vườn keo lai của gia đình. Anh Đinh Văn Char hồ hởi chia sẻ: “Gia đình tôi là một trong những hộ người Bahnar ở xã Đak Pling tiên phong trồng rừng. Bắt đầu trồng từ năm 2016, gia đình đang sở hữu 7,5 ha. Năm 2021, tôi đã cắt 4 ha trồng đầu tiên bán, cũng bỏ túi một khoản kha khá. Nhờ đó mà gia đình tôi thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo của xã”. Còn anh Đinh Nhớt thì tâm sự: “Hồi ra ở riêng, vợ chồng tôi vay mượn tiền để làm nhà. Làm xong thì nợ ngập đầu, khất nợ nhiều đến mức xấu hổ với mọi người. May thay, năm ngoái thu được mấy trăm triệu đồng từ bán keo lai. Không chỉ trả hết nợ, gia đình còn có tiền để mua thêm đất, trồng thêm mấy héc ta nữa”.
Ở Đak Song, gia đình anh Đinh Văn Bốp-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã là một trong những hộ đầu tiên ngược núi trồng rừng. Sau 6 năm, gia đình anh Bốp có hơn 10 ha rừng ở xã Đak Song và Đak Pling. “10 ha này là của tôi chung với mấy anh em trong nhà. Chúng tôi hợp tác với công ty lâm nghiệp, UBND xã để trồng. Toàn xã có khoảng 70% hộ dân hợp tác trồng rừng, bắt đầu triển khai từ năm 2017. Năm 2022, nhiều hộ đến kỳ thu hoạch keo. Giá bán 1,2-1,6 triệu đồng/tấn nên người dân có thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Nhiều hộ vươn lên thoát nghèo”-anh Bốp cho biết
Mong nhà nước hỗ trợ
Từ cầu Đak Pơ Kơ hướng vào xã Đak Pling, hai bên đường là những cánh rừng keo lai xanh ngút ngàn. Ông Từ Tấn Lộc-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Chro-chia sẻ: “Tính riêng giai đoạn 2020-2022, Công ty hợp tác với người dân 2 xã Đak Pling và Đak Song trồng mới hơn 400 ha keo, bạch đàn. Qua đó đã tạo thêm sinh kế, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định”. 
Còn ông Đinh Làng-Chủ tịch UBND xã Đak Pling thì thông tin: Toàn xã có hơn 778 ha rừng trồng của người dân theo các dự án đầu tư từ năm 2017 đến nay. Hiện tỷ lệ che phủ rừng ở xã đạt 79,5%. Trong năm 2022, 16 hộ dân đã khai thác 64 ha rừng trồng từ năm 2017, giá bán 65-70 triệu đồng/ha. Nguồn thu nhập từ trồng rừng không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn nâng cao ý thức bảo vệ rừng.
Nhận thấy lợi ích kinh tế từ trồng rừng mang lại, người dân ở các xã phía Đông huyện Kông Chro mong muốn được mở rộng diện tích. Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu cao khiến bà con gặp khó. Anh Đinh Dom trầm giọng: “Mấy năm nay, giá gỗ keo và bạch đàn cao, bà con phấn khởi lắm. Ai cũng muốn trồng thêm, có điều chi phí đầu tư ban đầu cho 1 ha đã gần 15-20 triệu đồng, Nhà nước chỉ hỗ trợ 2,5 triệu đồng nên chúng tôi dè dặt. Nếu được Nhà nước hỗ trợ 7,5 triệu đồng/ha như giai đoạn 2017-2020 và các công ty hợp tác hỗ trợ 9,5 triệu đồng/ha cho 1 chu kỳ thì chúng tôi sẽ có điều kiện để trồng thêm”.
Anh Đinh Văn Char phát dọn vườn keo lai trồng năm 2019 của gia đình. Ảnh: Hoành Sơn
Anh Đinh Văn Char phát dọn vườn keo lai trồng năm 2019 của gia đình. Ảnh: Hoành Sơn
Còn anh Đinh Văn Char thì nói: “Ngoài đất đai giàu chất dinh dưỡng thì sự hỗ trợ nhiệt tình về kỹ thuật chăm sóc của nhân viên Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Chro đã giúp cho vườn cây của nhà tôi phát triển tốt, ít bị sâu bệnh. Công ty còn tổ chức lực lượng tuần tra giúp nên bà con yên tâm khi trồng rừng. Chúng tôi mong các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ thêm kinh phí ban đầu trồng rừng và làm đường giúp để bà con thuận lợi lúc khai thác”.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Ngọc Ẩn cho biết: Từ năm 2017 đến nay, phong trào trồng rừng ở các xã phía Đông của huyện phát triển mạnh. Trong đó, số lượng hộ dân người Bahnar tham gia trồng rừng tăng qua từng năm. Thế nên, tỷ lệ che phủ rừng của huyện gia tăng và góp phần cải tạo môi trường, điều hòa khí hậu. Đi đôi với trồng mới, bà con cũng đã khai thác diện tích trồng từ năm 2017. Hiện nay, nhu cầu gỗ nguyên liệu để làm bột giấy, viên nén rất lớn nên bà con trồng rừng có thu nhập khá cao, đa phần vào khoảng 60-70 triệu đồng/ha. Nhiều hộ dân, nhất là người dân tộc thiểu số đã vươn lên thoát nghèo nhờ trồng rừng. Huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương tăng cường vận động người dân mở rộng diện tích trồng rừng để có thêm nguồn thu nhập, phủ xanh đồi trọc. Mới đây, trong cuộc làm việc với tỉnh, chúng tôi cũng kiến nghị tăng thêm mức hỗ trợ ban đầu để khuyến khích người dân trồng rừng.
…Chiều, bách bộ theo con đường liên xã Đak Pling, vẳng tiếng nhạc phát ra từ mấy ngôi nhà mới khang trang. Mấy chiếc ô tô chở gỗ keo lai chạy ngược hướng, đám trẻ con bên đường xăng xít vẫy tay chào.
HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Tết ấm cho người nghèo

Tết ấm cho người nghèo

(GLO)- Tết Ất Tỵ 2025 đang đến gần. Bằng những việc làm thiết thực, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã chung tay hỗ trợ nhà ở, tặng quà giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh có điều kiện đón một cái Tết ấm áp.