Đời cây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Buổi chiều ngoại ô, nắng đổ mật trước mặt, nắng ngả bóng sau lưng. Từng tốp người lưng áo ướt đẫm mồ hôi khiêng vác những chiếc bao với dáng vẻ khệ nệ xếp lên những chiếc xe cọc cạch. Từ những khu vườn đượm nắng vọng lên những tiếng cười nói tíu tít, nhộn nhịp vui tai.
Bên con đường nhỏ, những cành cà phê quả chín đỏ nặng trĩu xòa ra cả lối đi. Mùa thu hoạch đã về. Trên khắp vườn rẫy, chỗ nào cũng náo nhiệt, niềm hân hoan dâng lên những ánh mắt sau tháng ngày vất vả. Đến Tây Nguyên vào những ngày này, trên khắp mọi nẻo đường, sẽ gặp những chiếc xe chất đầy những bao cà phê tươi và những sân phơi bộn bề dưới nắng trời ngằn ngặt. Gió đuổi nhau chạy cuốn tung bụi đất đỏ lẫn vỏ trấu cà phê mới xay bên đường.
Tôi đã từng gắn bó với loài cây thân thuộc ấy từ những ngày đặt chân đến miền đất đầy nắng và gió này. Bắt đầu từ việc ươm cây giống. Khi cà phê chín đỏ nhìn đẹp mắt nhất, chọn những quả to, phơi khô rồi tách lấy hạt. Đất được trộn đều với các loại phân, ủ cho tơi xốp rồi đem dồn vào từng bịch ni lông. Mỗi bịch đất ấy đem 1 hạt cà phê đã phơi khô ươm vào.
Hàng ngày, tôi được giao nhiệm vụ lấy nước giếng đổ vào chiếc ô doa tưới đều lên các bịch cây giống được xếp thành luống. Khó có thể tả hết cảm xúc và nỗi chờ mong khi ngày ngày dõi theo những hạt giống bắt đầu đội lớp đất nhú dần lên. Ban đầu, lá cong cong như dáng một con cò nhỏ xíu, rồi thẳng dần đến lúc 2 lá mầm mở mắt xòe ra đón ánh mặt trời. Từng đôi lá dắt cây cao lớn dần, đợi khi cơn mưa đầu mùa đổ xuống, cũng là khi cây con đã cứng cáp thì đem trồng xuống đất.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Người trồng cà phê phải làm rất nhiều công đoạn, việc nào cũng đòi hỏi cả sự tỉ mỉ lẫn sự am hiểu công việc, nghĩa là phải có lượng kiến thức nhất định. Từ kích cỡ hố đào để đặt cây con xuống, đến kỹ thuật chắn gió, cắt tỉa cành, tạo tán, làm cỏ, bón phân... Giọt giọt mồ hôi đổ xuống suốt 1 năm ròng để đợi chờ mùa vụ. Mưa thuận gió hòa đã vậy, năm nào bão gió, mưa nhiều, quả rụng, cành gãy, cây chết, nỗi buồn mênh mang không gì tả xiết.
Với nhiều người dân Tây Nguyên thì cây cà phê chính là cuộc sống, là hy vọng, là tương lai của họ. Từ cà phê, nhà cửa mọc lên khang trang hơn, cuộc sống tiện nghi hơn, phương tiện hiện đại hơn, trẻ con vươn xa hơn trên con đường học tập kiếm tìm tri thức...
Bạn bè từ những nơi khác ngày càng đến với Tây Nguyên nhiều hơn, họ thường chọn mùa cây cà phê ra hoa, hoặc khi quả bắt đầu chín đỏ để tìm đến thưởng lãm vẻ đẹp loài cây đặc sản của vùng đất bazan này. Những ngọn đồi trải rộng mênh mông phủ trắng những chùm hoa như tuyết, hương thơm ngào ngạt tỏa ngát một vùng không gian bao la luôn là vẻ đẹp thu hút không chỉ người dân bản địa. Rồi cũng những ngọn đồi ấy nhuộm đỏ sắc quả chín, báo hiệu một mùa vụ bội thu lại tạo nên vẻ đẹp ở một góc nhìn khác, góc nhìn của thành quả ngọt ngào sau những ngày vất vả, cặm cụi, đợi mong.
Cà phê bây giờ là thức uống có mặt khắp mọi nơi. Ngày mới bắt đầu với rất nhiều người không thể thiếu ly cà phê, để tiếp thêm nguồn năng lượng cho 1 ngày dài làm việc. Dẫu trong nhà hàng sang trọng hay ở nơi vỉa hè bình dân, thứ đồ uống ấy vẫn tỏa ngát hương thơm kỳ diệu đầy sức gọi mời.
Tôi vẫn thênh thang rong rêu cùng ngày tháng, mỗi năm một bận nhìn ngắm những đôi tay thoăn thoắt như múa trên những cành cà phê trĩu trịt chín đỏ. Đôi tay tôi cũng đã từng như thế trong những mùa vụ tưng bừng, niềm vui dâng cả lên ánh mắt. Nhấp một ngụm cà phê còn nồng đượm thơm hương, tôi nghĩ về đời cây từ khi còn là những hạt mầm được gieo vào đất, cả một đời tận hiến, sao mà đẹp, sao mà thơm…
ĐÀO AN DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.