Nguyễn Nhật Ánh: Người làm vườn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tôi không phải một dịch giả chuyên nghiệp - mào đầu vậy hoàn toàn không phải để biện hộ cho những sơ suất, sai sót và thô lậu mà bất cứ ai khi chạm tay vào việc dịch nói riêng, việc chữ nghĩa nói chung, dẫu là tay thuận hay tay ngang, đều phải đối mặt và chịu trách nhiệm.

Trái lại, tôi muốn tự nhắc mình: dẫu ít dẫu nhiều, câu hỏi về việc dịch tác giả, tác phẩm nào luôn nên là một đắn đo hơn là chuyện tài tử bất cẩn.

Hơn chục năm trước, tôi từng băn khoăn không biết tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh sẽ có thể được đón nhận ra sao trong một ngôn ngữ khác. Câu hỏi "Tại sao dịch Nguyễn Nhật Ánh?" trở lại trực diện với tôi hơn, khi cùng bạn tôi, Kaitlin Rees, dịch đến cuốn thứ 4 của ông sang tiếng Anh: cuốn Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ (NXB Trẻ, 2025). (3 cuốn trước đó chúng tôi đã dịch: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Chúc một ngày tốt lành, Ngồi khóc trên cây).

Bìa sách Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ (NXB Trẻ) - dịch giả Nhã Thuyên và Kaitlin Rees. ẢNH: TÁC GIẢ CUNG CẤP
Bìa sách Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ (NXB Trẻ) - dịch giả Nhã Thuyên và Kaitlin Rees. ẢNH: TÁC GIẢ CUNG CẤP

Ngoài việc đó là một mối duyên văn chương - công việc với tác giả cũng như đặt hàng từ nhà xuất bản, tôi muốn nhân cơ hội buộc phải đọc sâu một vài tác phẩm mình dịch để nhìn lại, hoặc nhìn rộng hơn về thành quả sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh, một tác giả đã mang lại cho tôi và bè bạn những tràng cười sảng khoái thuở lên mười, mười một, ở một thị trấn nhỏ vào cái thuở sách vở không bày ra dễ dàng như bây giờ.

Dịch Nguyễn Nhật Ánh không quá thách thức, cũng không hề là chuyện dễ dàng khi chạm vào ngôn ngữ đời thường và các không gian văn hóa và sinh cảnh đặc thù. Sự không dễ ấy đòi hỏi tôi đọc lại, đọc nốt, một tác giả thời thơ ấu, và để ghi nhớ một ký ức đọc.

Một hiện tượng sách bán chạy, hẳn nhiên, không nhất thiết đồng thời là một hiện tượng văn chương. Ở trường hợp Nguyễn Nhật Ánh, lượng sách bán ra lại là bằng cớ sống cho sức hấp dẫn của tác phẩm của ông với bạn đọc tuổi thiếu niên, đồng thời, là một bằng cớ cho phẩm chất và tư cách nhà văn của ông. Trước những đầu sách luôn lọt vào các danh sách bán chạy trong khung cảnh văn chương dành cho tuổi thanh thiếu niên ít nhiều đìu hiu, người ta luôn có thể nghe ra một giọng càm ràm nghi hoặc của một độc giả khó tính vắng mặt, rằng ông viết "dễ", "lặp lại", rằng "cần những tiếng nói phê bình, những phân tích học thuật". Nhưng sách vẫn được viết ra, tác giả vẫn tiếp tục hành trình trau dồi chữ nghĩa và chăm sóc bạn đọc của mình.

Tiếp cận Nguyễn Nhật Ánh, tôi chủ ý muốn gạt ra những từ ngữ thời thượng, những con số thống kê về lượng sách bán, các giải thưởng, danh hiệu, để hiểu ông và đọc ông chỉ ở tư cách nhà văn - người viết ra những cuốn sách, bởi tôi tin đó là cách ứng xử thuần túy nhất của tôi ở góc nhìn của một người đọc - người dịch.

Nguyễn Nhật Ánh, nhà thơ của tuổi học trò

Tôi thuộc vào thế hệ độc giả - rơi đúng vào khoảng tuổi các nhân vật của Nguyễn Nhật Ánh, có thể vào khoảng tuổi của con gái ông - đón nhận bộ Kính vạn hoa từ những tập đầu tiên và hằng tháng chờ ông chú cho thuê truyện trong thị trấn mang về các tập mới của bộ sách bỏ túi bìa tím của Nhà xuất bản Kim Đồng từ Hà Nội, tất nhiên, cùng với hàng loạt đầu sách khác của Tủ sách vàng, hay các truyện dài khổ chữ nhật mỏng nhẹ của nhiều nhà xuất bản khác nhau, tiện đọc xong một lúc cả 10 đến 20 tập trong những buổi chiều nhàn rỗi.

Sau này, tìm đọc được những bài thơ đầu tay của ông và tập thơ in chung với Lê Thị Kim, Thành phố tháng tư (1984), tôi hình dung rằng Nguyễn Nhật Ánh còn là, vẫn luôn là một nhà thơ của tuổi học trò, của một thành phố, với những câu chuyện, những ký ức, những khoảng trời và khoảng đời gói lại. Con người thi sĩ của ông hiện ra lộ liễu nhất, có lẽ là trong tác phẩm Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ: một thi sĩ Mèo Gấu, một bạn đọc thành thi sĩ Tí Hon, một ông tác giả thỉnh thoảng gài thơ mình vào câu chuyện để nhắc nhở bạn đọc cái tạng thi sĩ của mình, và chính ông đang dịch thơ tiếng mèo ra thơ tiếng người đó thôi.

Khi là một người đọc nhỏ tuổi, những câu chuyện nhẹ nhàng, các tự sự đi vào các ngóc ngách nhỏ nhặt của cuộc sống với lối kể chuyện dí dỏm và ngôn ngữ gần gũi như lời ăn tiếng nói hằng ngày của Nguyễn Nhật Ánh làm tôi hiếu kỳ. Khi đọc ở khoảng cách hồi cố, tôi quan tâm hơn tới cách ông đặt câu hỏi về các vấn đề xã hội - nhân văn, nghĩ về tiềm năng ảnh hưởng của các tác phẩm tới bạn đọc tuổi thiếu niên, nhất là khi tính đến độ phổ rộng trong tiếp nhận tác phẩm, chứ không chỉ là chuyện bút pháp và kỹ thuật văn chương.

Ta có thể trông đợi những phê bình, nghiên cứu sâu hơn về cách nhìn nhận của Nguyễn Nhật Ánh về các vấn đề xã hội và nhân văn đó, cả những giới hạn và định kiến của ông, nếu có, như về tình thế bất bình đẳng ngầm ẩn giữa nông thôn và thành thị (chẳng hạn biểu hiện qua mô típ các cặp đôi đang chớm nở tình yêu học trò phải xa nhau vì một người rời làng lên phố, hay chuyện không gian mưu sinh phiêu dạt của các nhóm dân cư nghèo), vấn đề môi trường và thiên nhiên, tiếng nói của các loài vật, và cùng với nó, những câu chuyện tình yêu, tình bạn vượt lên trên những ranh giới, những khác biệt, những định kiến như thế nào.

Trang sách hồn nhiên mở ra một chiều hiện tại của hoài niệm

Điều làm tôi dễ chịu nhất khi đọc Nguyễn Nhật Ánh ở thì hiện tại, có thể chính là điều mà thế hệ chúng tôi, rồi thế hệ con cái chúng tôi, lớn lên trong các diễn ngôn phổ biến về toàn cầu hóa và phát triển kinh tế, ít nhiều thiếu hụt: cảm giác tươi tắn và chân thực về một cộng đồng. Ở hầu hết các tác phẩm của ông, lối sống cộng đồng - làng xã của người Việt in đậm và sống động trong tính cách và quan hệ giữa các nhân vật, trong các chi tiết khung cảnh sống, dù bối cảnh truyện ở nông thôn hay thành thị, ở nước mình hay nước người.

Như trong Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, cái cộng đồng của chuột, của mèo, của các nhóm cộng sinh chuột lẫn chim, của con người, dẫu phấp phỏng bất trắc các xâm lấn bạo lực, vẫn toát lên vẻ đẹp trìu mến và thơ mộng. Cộng đồng đó có thể chỉ có hai con mèo, hay chỉ một mèo một chuột nhìn mưa và nói chuyện tình ái hão huyền. Ở những ngôi làng trong phố, phố như làng như thế, ông bố bà mẹ có thể thành ông vua bà hoàng và bọn nhỏ hóa các công chúa hoàng tử làm nên cổ tích, và các loài luôn tò mò học tiếng của nhau. Những đứa trẻ lớn lên thông thuộc cây cỏ, ngõ ngách làng trên xóm dưới, không từ chối nghe người lớn kể chuyện quá khứ của tổ tiên, ông bà. Đó là mạch nước nuôi dưỡng một thế giới ấm áp, đáng tin cậy, nơi ta không bao giờ cô độc quá, một thế giới trúc trắc, trục trặc nhưng không bi kịch hóa và luôn còn một chút hy vọng, vì còn những sự san sẻ đời thường của xóm giềng, bè bạn, người dưng.

Tôi nghĩ, phần nào, chính cảm giác về một cộng đồng hiện hữu sống động ấy làm cho tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh, trong tiếng Việt hay trong các ngôn ngữ khác, mang tiềm năng nối gần các độc giả - con cháu người Việt sinh sống ở nhiều phương trời khác nhau, hay có thể chia sẻ giữa các vùng văn hóa gần nhau, chẳng hạn như các cộng đồng Đông Nam Á. Đọc Nguyễn Nhật Ánh, đôi khi tôi thấy mình bồn chồn bước vào một lưu trữ sống, về một không gian sống cộng đồng đã mất, đang mất và các trang sách hồn nhiên có thể mở ra thêm một chiều hiện tại của hoài niệm.

Người đọc nhỏ trong tôi đã ở lại thị trấn xưa. Nhưng đôi khi sống trước đời sống một người già, tôi bình tâm nương dựa vào những niềm vui đơn sơ của ký ức. Trong không gian văn hóa bề bộn dành cho trẻ em và thanh thiếu niên hôm nay, các trang sách của Nguyễn Nhật Ánh vẫn toát lên vẻ đẹp hồn hậu của một người lớn trìu mến nhìn bầy trẻ đùa chơi, một người lớn ngỏ lời trò chuyện cùng các bạn nhỏ đang lớn về các giá trị sống mà không cao giọng. Tôi mường tượng những người lớn, như Nguyễn Nhật Ánh, như ông khổng lồ trong truyện thần tiên của Oscar Wilde, sở hữu một khu vườn đẹp, mở cửa cho bầy trẻ ùa vào, còn ông ngồi yên, ngắm nhìn, và bầy trẻ ấy vẫn mang theo đầy bí mật.

Theo Nhã Thuyên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

"Núi trên đất bằng"

"Núi trên đất bằng"

(GLO)- Tiến sĩ Hà Thanh Vân đã nhận xét Tiểu thuyết "Núi trên đất bằng" của Võ Đình Duy là một tác phẩm văn chương đầu tay ra mắt năm 2025, đánh dấu bước chuyển đầy bất ngờ từ một kiến trúc sư trẻ sống ở Gia Lai sang hành trình kiến tạo thế giới văn chương.

NHÀ THƠ ĐÀO AN DUYÊN: Thiết tha giữ lại những xanh tươi cuộc đời

Nhà thơ Đào An Duyên: Thiết tha giữ lại những xanh tươi cuộc đời

(GLO)- Với nhà thơ Đào An Duyên, đọc và viết chính là hành trình nuôi chữ. Trong hành trình ấy, chị chọn một lối đi riêng, chắt chiu xúc cảm, gửi tiếng lòng vào từng con chữ với niềm mong giữ lại những xanh tươi cuộc đời, từ đó góp thêm một giọng thơ giàu hương sắc cho văn chương Gia Lai.

BẢO TỒN CÁC KỊCH BẢN TIÊU BIỂU CỦA HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH: Nên tìm hướng đi mới, phù hợp thực tế

Bảo tồn các kịch bản tiêu biểu của hát bội Bình Định: Nên tìm hướng đi mới, phù hợp thực tế

(GLO)- Hát bội Bình Định là một di sản văn hóa đặc sắc với nhiều vở tuồng kinh điển như: Sơn Hậu, Tam nữ đồ vương, Ngũ hổ Bình Tây, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo (còn có tên khác là Chém cáo, Cổ miếu vãn ca) của Nguyễn Diêu, Trầm hương các, Diễn võ đình và Cổ thành… của Đào Tấn.

Hòa hợp văn hóa, cùng chung chí hướng

Hòa hợp văn hóa, cùng chung chí hướng

(GLO)- 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai (cũ) hợp nhất là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển vùng Duyên hải-Tây Nguyên. Cùng với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội…, văn hóa nghệ thuật cũng được công chúng hết sức quan tâm.

Khẳng định vị thế là cơ quan báo chí chủ lực

Khẳng định vị thế là cơ quan báo chí chủ lực

Để chào đón thời khắc đặc biệt của đất nước, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thực hiện nhiệm vụ cao cả với vai trò, vị thế là cơ quan ngôn luận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thực hiện nhiệm vụ mà người đứng đầu hệ thống Mặt trận đã tin tưởng giao phó; kể từ tháng 7.2025, Báo Đại đoàn kết ra mắt ấn phẩm Tinh hoa Việt bộ mới.

default

Địa phận Phủ Hoài Nhơn được xác lập năm Hồng Đức thứ 2 (1471), là miền “viễn châu” khá rộng; sau hơn 550 năm, vùng đất rộng lớn lúc ban đầu được phân chia thành nhiều tỉnh thuộc Nam Trung bộ và Bắc Tây Nguyên. 
Pleiku, miền nhớ...

Pleiku, miền nhớ...

(GLO)- Nếu tính từ dấu mốc ký Nghị định Toàn quyền Đông Dương thành lập đại lý hành chính Pleiku thuộc tỉnh Kon Tum ngày 24-5-1925, Pleiku với ý nghĩa một địa danh cả về cách đọc và cách viết đã ra đời và tồn tại đến ngày nay đã được 100 năm.

Ðại ngàn nối liền những niềm vui

Ðại ngàn nối liền những niềm vui

Trong ngôi nhà sàn dưới chân núi ở làng K8, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), Nghệ nhân nhân dân Ðinh Chương nở nụ cười sảng khoái, hồ hởi nói: “Bà con trong làng đang trông chờ ngày 1.7.2025, để không chỉ núi liền núi, sông liền sông mà đồng bào Bana ở hai tỉnh trước đây sẽ về chung mái nhà tỉnh Gia Lai mới”.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự khai mạc Triển lãm “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp”

Tổng Bí thư Tô Lâm dự khai mạc Triển lãm “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp”

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1.7.1915 – 1.7.2025), sáng 29.6, tại Hà Nội, Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức Triển lãm “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp” nhằm tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với Đảng, đất nước và nhân dân. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và cắt băng khai mạc Triển lãm.
Nhen tình yêu dân ca, bài chòi

Nhen tình yêu dân ca, bài chòi

Với ngọn lửa đam mê nghệ thuật truyền thống, vợ chồng Nghệ nhân Ưu tú Lý Thành Long đứng ra truyền dạy làn điệu dân ca, bài chòi cho nhiều học sinh tại Trường THCS Tam Quan (ở phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn).

Núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) đã đi vào thơ của tác giả Nguyễn Thanh Mừng. Ảnh: Phạm Quý

Cao nguyên trong thơ Nguyễn Thanh Mừng

(GLO)- Tên tuổi nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng gắn liền với các tập thơ “Rượu đắng”, “Ngàn xưa”, .... Viết không nhiều nhưng thơ ông lại có mặt trong hầu hết các tuyển tập danh tiếng thơ Việt Nam hiện đại. Mấy năm gần đây, ông dành tình thương mến với Tây Nguyên và viết nhiều về vùng đất này.

Nơi chắp cánh đam mê âm nhạc

Nơi chắp cánh đam mê âm nhạc

(GLO)- Với đặc thù làm việc trong sự cô đơn, tĩnh lặng, nhiều kỹ thuật viên (KTV) có kinh nghiệm tại một số phòng thu trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang âm thầm đứng sau những bản thu chất lượng của các ca sĩ chuyên và không chuyên, chắp cánh cho đam mê âm nhạc.

Chung vai một gánh hai quê

Chung vai một gánh hai quê

Chung vai một gánh hai quê là chủ đề chung cho tập truyện ngắn “Người hai quê” của Hương Văn do Tạp chí Văn nghệ Quân đội chọn lọc và được NXB Quân đội Nhân dân - 2025 ấn hành. 

Chuyện về những nhà báo không chuyên

Chuyện về những nhà báo không chuyên

(GLO)- Dù chưa được đào tạo chuyên ngành báo chí, nhưng bằng nhiệt huyết, nhiều cộng tác viên của Báo Gia Lai vẫn luôn nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề báo, cần mẫn ghi lại từng khoảnh khắc đời sống ở cơ sở trở thành cánh tay nối dài của tòa soạn trong việc lan tỏa thông tin, kết nối cộng đồng.

null