Phim ăn theo Nguyễn Nhật Ánh khó kiếm bộn tiền?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dù theo sát công thức đã làm nên thành công của các phim chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh trước đó, nhưng Ngày xưa có một chuyện tình chưa chắc đã tạo nên sự bùng nổ doanh thu phòng vé.

Công thức cũ

Câu chuyện xảy ra vào những thập kỷ 80-90 của thế kỷ trước- thời chưa có điện thoại thông minh hay mạng xã hội. Thêm bối cảnh nông thôn hoặc một thị trấn thưa dân khiến cho các mối quan hệ, số lượng nhân vật trong phim thường ở mức tối giản.

Các nhân vật không quá giỏi giang cũng không quá dữ dằn. Diễn biến câu chuyện thường là do hoàn cảnh đưa đẩy hoặc một phút yếu lòng làm thay đổi cục diện… Tóm lại, số phận nhân vật thường do may rủi quyết định. Thường là mãi đến cuối phim, các nhân vật chính mới thực sự chín chắn để chủ động hành động. Tất nhiên là hành động để xác nhận hoặc giữ lấy tình yêu có nguy cơ lại sắp bị vuột mất.

Các câu chuyện đều có xuất phát học đường và những cảnh về thời học sinh chiếm phân nửa thời lượng truyện, phim.

Câu chuyện cũng không có gì quá bất thường hay kịch tính cao độ. Điểm nhấn là những rung động đầu đời, trong sáng - những kỷ niệm quý giá với bất cứ ai. Nhiều người sẽ thấy mình trong những câu chuyện giản dị, vừa đủ độ éo le của Nguyễn Nhật Ánh. Chưa kể văn phong đơn giản, dễ hiểu, kể nhiều hơn tả… khiến tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh dễ tiếp cận số đông và được dựng phim nhiều lần. Riêng phim nhựa, trước Ngày xưa có một chuyện tình đã có Mắt biếc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cùng của đạo diễn Victor Vũ, và Cô gái đến từ hôm qua của Phan Gia Nhật Linh.

Đẹp nhưng lê thê

Có thể thấy, những nhân vật có chí, biết cân bằng giữa yêu đương và học tập không nằm trong mối quan tâm của Nguyễn Nhật Ánh. Trong nhiều truyện của ông, hình như nam chính bao giờ cũng lụy tình và hơi khờ khờ. Nữ chính lại rung động với nhân vật nam già dặn hơn để rồi vỡ mộng.

Cốt truyện của Ngày xưa có một chuyện tình và Mắt biếc đều theo công thức kể trên. Nếu Mắt biếc có bối cảnh thành phố, phim của Trịnh Đình Lê Minh hoàn toàn sử dụng bối cảnh làng quê. Thành công đầu tiên của đạo diễn này là chọn được bối cảnh làng quê ở Phú Yên đẹp nuột nà từ tổng thể cảnh quan cho đến từng góc ban công, như kiểu bị thời gian bỏ quên. Điều này khá quan trọng, vì câu chuyện bắt đầu từ thời điểm 1987 - bộ ba nhân vật Vinh, Miền và Phúc đang học lớp 7.

Vinh còi có một tình cảm trong sáng với Miền. Do đó Vinh sẵn sàng bảo vệ Miền trong mọi hoàn cảnh, kể cả có bị anh Miền đánh oan. Phúc thân với Vinh và luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho bạn tỏ tình với Miền. Nhưng đến tận khi học lớp 12 chuyện này vẫn không thành. Thay vào đó Miền lại yêu Phúc kể từ khi thấy cậu trai trổ mã sớm tả xung hữu đột trên sân bóng đá… Do một sự hiểu lầm tai hại mà Phúc phải cùng bố rời làng ra đi không hẹn ngày trở lại. Sự việc đảo lộn số phận các nhân vật.

Câu chuyện không có gì đặc biệt, thậm chí dễ đoán, nhưng khán giả vẫn có thể bị đắm chìm vào không gian mà phim tạo nên. Đạo diễn dùng bối cảnh để kể chuyện khá tinh tế. Chẳng hạn, Vinh chở Miền đi qua cánh đồng khi cả hai sắp tốt nghiệp cấp 3, bầu trời khi đó là cảnh hoàng hôn mang một dự cảm “năm ăn năm thua”. Hay khi Miền của tuổi 24 đạp xe cũng qua cánh đồng xanh tốt ngày nào chỉ còn trơ đáy bùn như nỗi lòng hoang vắng của cô vậy. Có thể thấy đạo diễn nâng niu từng khuôn hình một. Chính vì vậy, phim đem lại cảm giác hơi lê thê với những người chỉ muốn xem mà ít có nhu cầu ngắm.

Cảnh sắc Phú Yên nên thơ làm nền cho chuyện tình học trò
Cảnh sắc Phú Yên nên thơ làm nền cho chuyện tình học trò

Ngọc Xuân là điểm sáng của phim nhờ diễn xuất và ngoại hình đều rất tự nhiên. Nữ diễn viên sinh năm 1999 sở hữu vẻ đẹp vừa rạng rỡ vừa nhuần nhị. Khâu hóa trang cho nhân vật này cũng được làm rất khéo tạo cảm giác khuôn mặt của Miền hoàn toàn mộc. Tuy nhiên, hơi vô lý khi cả Miền và Vinh (Avin Lu) không cho thấy có sự đổi khác về ngoại hình, lời ăn tiếng nói khi đã trưởng thành. Đỗ Nhật Hoàng lại hơi bị “dừ” khi vào vai nam sinh lớp 12.

Diễn xuất của dàn diễn viên chính rất ăn ý. Tuy nhiên, các tuyến nhân vật phụ chưa được đầu tư đích đáng nên một số nhân vật bị đơn điệu, một màu. Chẳng hạn toàn bộ các nam sinh trong phim (trừ hai nam chính) đều nghịch ngợm, hiếu chiến.

Dù theo sát công thức đã làm nên thành công của các phim chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh trước đó, nhưng Ngày xưa có một chuyện tình chưa chắc đã tạo nên sự bùng nổ doanh thu phòng vé.

Những câu chuyện tình áo trắng mà Nguyễn Nhật Ánh kể dù đẹp nhưng đều ẩn chứa đầy rủi ro. Người xem từ đó có thể sẽ tự rút ra bài học nếu yêu sớm thì sẽ khổ sớm, chưa kể còn phải đánh đổi cả thanh xuân. Để rồi, cái kết dù có hậu cũng chỉ là một sự an ủi cho bao nhiêu đổ vỡ không thể lấy lại.

Theo N.M.HÀ (TPO)

Có thể bạn quan tâm