(GLO)- Giữa những món ăn mang đậm bản sắc của người Bahnar ở Làng du lịch cộng đồng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), bánh làm từ củ mì để khai vị luôn gây bất ngờ cho các đoàn du khách bởi phong vị độc đáo, gây ấn tượng mạnh về thị giác lẫn cảm xúc.
Mâm bánh vừa được thiếu nữ Bahnar bưng ra khiến nhiều du khách ồ lên trầm trồ. Màu trắng ngà của từng khúc củ mì hấp chín, màu xanh thẫm của từng chiếc bánh nhỏ xinh gói lá chuối, màu vàng của những chiếc bánh củ mì chiên giòn, cùng với chút muối ớt, muối đậu và vài quả cà đắng… tất cả được bày biện trên chiếc mẹt đan bằng tre nứa chân quê và đẹp mắt.
|
Du khách thích thú với các loại bánh được làm từ củ mì tại Làng du lịch cộng đồng Mơ Hra. Ảnh: Minh Châu |
Củ mì hấp chín tới có màu trắng ngà, bở tơi, thơm lừng làm xiêu lòng những vị khách phương xa đang lúc bụng đói. Vị bùi, béo của củ mì, thêm chút mằn mặn, ngậy béo của muối đậu phộng khiến cho hương vị của món ăn ngon đến khó tả. Cũng có người thích chấm củ mì với muối ớt hoặc cắn thêm miếng cà đắng tạo nên thứ khẩu vị rất đặc biệt. Già làng Đinh Hmưnh nói rằng, củ mì và hạt muối có ý nghĩa đặc biệt, gắn với một thời kỳ lịch sử kháng chiến “đói cơm lạt muối” của người Tây Nguyên nên đây còn là gia vị rất được trân trọng.
Từ nguyên liệu là củ mì hấp chín, người Bahnar đã làm ra những món bánh hết sức giản đơn như chính lối sống và tính cách của họ. Các bà, các chị giã củ mì đã hấp chín trong những chiếc cối gỗ đến khi quyện thành khối bột dẻo quẹo. Sau đó, họ dùng nguyên liệu này làm ra các loại bánh.
Đó có thể là loại bánh vo viên tròn, cán dẹt rồi chiên vàng trên dầu sôi già lửa, vỏ ngoài giòn, bên trong mềm và có mùi thơm ngậy nhè nhẹ. Hoặc đơn giản hơn là vo tròn bột mì thành những chiếc bánh nhỏ xinh như chiếc bánh bèo, đặt vào giữa vài hạt đậu phộng rang làm nhân.
Rồi cũng cách làm loại “bánh mình trần” đó, nhưng chỉ cần gói thêm một lần lá chuối, hấp lên để mùi thơm của lá quyện với mùi của bột mì tươi cho ra một loại bánh mới. Có lẽ, nguyên liệu làm bánh được giã từ củ mì tươi hấp chín nên có hương vị của tự nhiên, đem lại những cảm xúc rất đặc biệt cho thực khách.
|
Khách du lịch có thể trải nghiệm cách làm bánh ngay tại Làng du lịch cộng đồng Mơ Hra. Ảnh: Minh Châu |
Chị Nguyễn Thúy Quỳnh Giao-du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh-chia sẻ: “Tôi thích các loại bánh làm từ củ mì. Ở TP. Hồ Chí Minh rất dễ bắt gặp các xe bánh khoai mì nướng, củ mì hấp nước dừa, thậm chí có chè khoai mì nước cốt dừa thơm lừng góc phố. Nhưng hương vị bánh khoai mì ở Làng du lịch cộng đồng Mơ Hra rất khác biệt. Bánh được làm mộc mạc, đơn giản, hầu như giữ nguyên vị tự nhiên của khoai mì. Cách mọi người dùng lá chuối gói bánh, bài trí trên mẹt tre vaăn giữa không gian của nhà sàn khiến du khách có những cảm xúc khó tả. Riêng tôi, tôi đã có những trải nghiệm ẩm thực rất thú vị”.
Trên đường vào Làng du lịch cộng đồng Mơ Hra, du khách có dịp thưởng ngoạn vẻ đẹp trong đời sống nông nghiệp của cư dân bản địa Đông Trường Sơn. Từ củ mì trên nương rẫy đến những chiếc bánh củ mì đạm bạc trong bữa ăn thường ngày là một hành trình sáng tạo của người Bahnar, làm nên những giá trị ẩm thực vô cùng phong phú.
Già Đinh Hmưnh khi giải đáp những tò mò của du khách về bánh củ mì, chỉ đơn giản nói rằng: “Vì ăn mãi củ mì luộc thì ngán lắm, nên bà con nghĩ ra nhiều cách chế biến để thay đổi khẩu vị”. Theo già Đinh Hmưnh, không chỉ làm các loại bánh, người Bahnar còn có nhiều cách chế biến khác, có món để ăn, có món để uống như lên men để ủ thành rượu cần.
|
Các loại bánh làm từ củ mì tại Làng du lịch cộng đồng Mơ Hra. Ảnh: Minh Châu |
Nếu các giá trị văn hóa bản địa tạo nên những trải nghiệm thú vị thì phong vị ẩm thực lại có một sức hấp dẫn riêng trong hành trình khám phá của du khách ở Mơ Hra.
Nhà thơ miên di-chủ hệ thống ẩm thực Miên Di Gourmet ở Phố núi Pleiku, trong một lần trả lời phỏng vấn đã từng nói: “14 năm kinh doanh nhà hàng với tâm hồn của một nhà thơ, tôi có nghiên cứu sâu về các món ăn dân gian, và thấy rằng phần lớn đều xuất phát từ đời sống khó khăn thiếu thốn của dân ta mà thành ra món ăn. Nhưng không phải là cái khó khăn mông muội, mà là khó khăn minh triết, đầy sáng tạo của các cụ ngày xưa”.
Nhận xét tinh tế này của anh cũng nói lên minh triết trong ăn uống của người bản địa Tây Nguyên. Chỉ bằng một loại “củ chống đói” mà trong hành trình sáng tạo đã làm nên những giá trị ẩm thực riêng có, độc đáo.
MINH CHÂU