Doanh nghiệp xây dựng quan hệ lao động hài hòa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, Gia Lai triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị  số 37-CT/TW ngày 3-9-2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới. Nhờ đó, quyền lợi của người lao động được bảo đảm, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không ngừng nâng cao.

Lợi ích hài hòa tạo đà phát triển

Ông Võ Toàn Thắng-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông-cho hay: Định kỳ 6 tháng, Công ty tổ chức đối thoại tại nơi làm việc với gần 3.000 cán bộ, người lao động. Trong buổi đối thoại, lãnh đạo Công ty và các thành viên đại diện cho tập thể người lao động thẳng thắn trao đổi, thảo luận, trả lời thấu đáo các kiến nghị để người lao động yên tâm sản xuất, góp phần xây dựng đơn vị phát triển ổn định. Hơn nữa, đối thoại định kỳ là cầu nối giúp lãnh đạo Công ty kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động để có hướng giải quyết, xây dựng tập thể đoàn kết, vững mạnh. Nhiều ý kiến được doanh nghiệp tiếp thu điều chỉnh, giải quyết hài hòa, hợp lý tạo tâm lý thoải mái cho người lao động.

2 tỉnh Gia Lai và Đồng Nai ký kết phối hợp cung cầu lao động hỗ trợ người lao động tìm việc làm, các chế độ chính sách liên quan. Ảnh: Đinh Yến
Tỉnh Gia Lai và Đồng Nai ký kết phối hợp cung cầu lao động hỗ trợ người lao động tìm việc làm, các chế độ chính sách liên quan. Ảnh: Đinh Yến


Chị Rơ Lan Dúc-công nhân Nông trường Thống Nhất (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông) cho biết: Công ty rất chú trọng đầu tư cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân; chi trả tiền lương, chế độ thai sản, ốm đau đúng kỳ hạn; trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động; duy trì thường xuyên công tác vệ sinh an toàn lao động, phòng-chống cháy nổ, đảm bảo môi trường sản xuất xanh-sạch-đẹp. Ngoài ra, đơn vị còn đảm bảo phúc lợi cho công nhân như: ăn ca, hiếu hỷ, tham quan; kịp thời thăm hỏi, hỗ trợ những công nhân có hoàn cảnh khó khăn... Chính sự hài hòa lợi ích đã tạo ra sự đoàn kết, gắn bó, đồng hành giữa công nhân với doanh nghiệp.

Khu Công nghiệp Trà Đa và Cụm Công nghiệp Diên Phú (TP. Pleiku) hiện có 90 doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với khoảng 5.000 công nhân. Ông Nguyễn Văn Nam-Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh-cho hay: Những năm gần đây, tình hình tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể không còn xảy ra. Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Công đoàn, nhất là về kỹ năng đàm phán, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể cho cán bộ Công đoàn cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các ngành quan tâm tác động, hỗ trợ để doanh nghiệp thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động. Bản thân các doanh nghiệp cũng quan tâm, chăm lo, đảm bảo phúc lợi cho người lao động. Hàng năm, trên 80% doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động để lắng nghe, giải quyết hài hòa các đề xuất của công nhân, thể hiện sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ, trách nhiệm của người lao động. Các nội dung thỏa ước lao động được điều chỉnh theo nguyện vọng, tạo sự hài hòa về lợi ích nên người lao động gắn bó với doanh nghiệp.

Từ năm 2019 đến nay, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh xây dựng 600 tin, bài, phóng sự tuyên truyền về công tác an toàn vệ sinh lao động, thỏa ước lao động tập thể; treo 10.000 băng rôn, cấp phát hàng chục ngàn tờ rơi và các ấn phẩm sách tuyên truyền cho người lao động. Hàng trăm cuộc thi tìm hiểu về Luật An toàn vệ sinh lao động được các doanh nghiệp tổ chức hàng năm. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hàng năm cũng tổ chức tuyên truyền cho gần 70.000 lượt người lao động về pháp luật lao động, các chế độ chính sách, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, Sở phối hợp với Sở Tư pháp (cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh) biên soạn 107.302 bản tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật lồng ghép nội dung liên quan đến quy định của pháp luật về lao động.

Theo bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, công tác tuyên truyền đã từng bước nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện kịp thời nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Nhờ vậy, lợi ích các bên được đảm bảo, tranh chấp lao động ít xảy ra.

Tăng cường xây dựng quan hệ lao động hài hòa

Việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ là nền tảng vững chắc thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Theo bà Rcom Sa Duyên, trước mắt, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội triển khai 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đó là tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, nâng cao nhận thức, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quan hệ lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong quan hệ lao động; thúc đẩy các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể; giải quyết tốt tranh chấp lao động và đình công; phát huy vai trò của Nhân dân, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội trong giám sát, phản biện xã hội đối với việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.

Người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp khi lợi ích được đảm bảo hài hòa. Ảnh: Đinh Yến
Người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp khi lợi ích được đảm bảo hài hòa. Ảnh: Đinh Yến


Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thông tin thêm: Năm 2022, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn ra phức tạp nên việc quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để ổn định đời sống cho người lao động có ý nghĩa quan trọng. Theo đó, Sở phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho người lao động, hòa giải viên, trọng tài viên lao động để đáp ứng nhiệm vụ và hỗ trợ phát triển quan hệ lao động bền vững; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong doanh nghiệp, xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm, đảm bảo lợi ích của người lao động; hỗ trợ phát triển thị trường lao động, kết nối cung-cầu lao động, đưa lao động đến với doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Nam-Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo làm phương tiện thông tin, trao đổi, kịp thời triển khai văn bản, chia sẻ những vấn đề thiết thân đến quyền và lợi ích để người lao động cập nhật, nắm bắt và thực hiện. Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp tổ chức đối thoại, thương lượng, đàm phán, ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều nội dung có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật, nhất là vấn đề chế độ làm thêm giờ, bữa ăn ca… Nội dung thỏa ước lao động tập thể được ký kết bảo đảm quy định của pháp luật và triển khai thực hiện tốt. Chế độ về việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động được quan tâm đầy đủ. Tất cả góp phần để người lao động yên tâm làm việc, doanh nghiệp có thêm điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh.

 

 ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.