Doanh nghiệp thành lập mới tăng cao: Tín hiệu lạc quan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong năm 2023 và tháng 1-2024, số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trên địa bàn tỉnh Gia Lai đều tăng.

Điều này cho thấy niềm tin của doanh nghiệp đối với triển vọng sản xuất kinh doanh đang tăng lên, đồng thời cũng phần nào phản ánh được hiệu quả của các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương.

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, toàn tỉnh có 970 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 5,6% so với năm 2022) với tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 9.850 tỷ đồng (tăng 8,5%). Ngoài ra, có 302 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 10,5% so với năm 2022).

Còn trong tháng 1-2024, toàn tỉnh có 100 doanh nghiệp và 30 đơn vị trực thuộc thành lập mới với tổng vốn đăng ký 950 tỷ đồng, đạt 9,52% kế hoạch, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Điều này cho thấy niềm tin của doanh nghiệp đối với triển vọng sản xuất kinh doanh được củng cố, đồng thời cũng phần nào phản ánh được hiệu quả của các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương như: giải pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất; hỗ trợ tìm kiếm, kết nối mở rộng thị trường...

Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đối thoại với doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku). Ảnh: H.D

Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đối thoại với doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku). Ảnh: H.D

Ông Võ Hữu Tài-Giám đốc Công ty TNHH Tài Phát (tổ 5, phường Trà Bá, TP. Pleiku) cho biết: “Tôi tin tưởng vào sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai, nhất là khi tỉnh đang triển khai rất nhiều giải pháp để thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Điều này rất phù hợp với mảng hoạt động của chúng tôi là kinh doanh nông sản”.

Ngày 20-1-2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 146/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5-1-2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Kế hoạch nêu rõ mục tiêu trong năm 2024 là cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển; tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập và giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; phấn đấu năm 2025 đạt top 20 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số xanh (PGI) tăng điểm, tăng bậc so với năm trước.

Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đang nỗ lực thu hút các nhà đầu tư. Ảnh: Hà Duy

Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đang nỗ lực thu hút các nhà đầu tư. Ảnh: Hà Duy

Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện các yếu tố môi trường kinh doanh theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp; phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí về cải cách thủ tục hành chính, quy định kinh doanh năm 2024 bao gồm: cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh; nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công.

Các sở, ban, ngành và địa phương tùy theo nhiệm vụ của mình để triển khai các hoạt động như: tổ chức các khóa đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cường năng lực quản trị kinh doanh; nghiên cứu, xây dựng đề xuất cơ chế thí điểm sử dụng nguồn vốn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhà nước để tài trợ, cho vay, đầu tư, góp vốn đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tạo thương hiệu cho doanh nghiệp tỉnh; duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động điểm kết nối cung-cầu công nghệ của tỉnh, kết nối với điểm cung-cầu công nghệ quốc gia; xây dựng và triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025…

Ông Phùng Văn Phước-Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho hay: “Để tiếp tục phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ hộ kinh doanh khi chuyển đổi hoạt động sang loại hình doanh nghiệp hoặc thành lập mới doanh nghiệp như: tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp; miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong 3 năm đầu hoạt động; tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán.

Đồng thời, tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, kịp thời thực hiện, áp dụng các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động. Cùng với đó, Sở cũng tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức gặp mặt doanh nghiệp để nắm bắt thông tin và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc”.

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.