(GLO)- Ông Nguyễn Đình Thái-Chủ doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hoàng Thái, ở xã Chư Á (TP. Pleiku) đến Báo Gia Lai phản ánh những bức xúc về các phán quyết trái pháp luật. Tòa án nhân dân (TAND) tối cao đã có quyết định tuyên hủy Bản án số 10 ngày 22-8-2013 của TAND tỉnh, giao toàn bộ hồ sơ cho TAND tỉnh để xét xử phúc thẩm lại, nhưng đến nay vụ án vẫn chưa được làm rõ, gây ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp này.
Tranh chấp hợp đồng tín dụng
Theo hồ sơ vụ án và những lời trình bày của ông Nguyễn Đình Thái, để có vốn làm ăn, ông Nguyễn Đình Thiên (anh ruột ông Thái) đã nhờ ông Thái đứng tên ký kết Hợp đồng tín dụng số 81 ngày 29-11-2011 vay 2,1 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai (sau đây gọi tắt là Vietinbank Gia Lai). Khi vay có thế chấp các tài sản của bên thứ 3 là ông Thiên và bà Phan Thị Huệ (vợ ông Thiên) theo các hợp đồng thế chấp tài sản số 93 ngày 24-11-2010, số 94 ngày 30-11-2010 và văn bản sửa đổi, bổ sung hợp đồng thế chấp các tài sản nhà, đất và vườn tược tại TP. Pleiku.
Ông Nguyễn Đình Thái-Chủ DNTN Hoàng Thái, ở TP. Pleiku. Ảnh: H.M |
Trái ngược những lời trình bày của ông Thái, ông Thiên không công nhận việc nhờ ông Thái đứng tên để vay tiền giúp ông Thiên. Ông Thiên thừa nhận đã dùng các tài sản của vợ chồng ông để thế chấp giúp ông Thái. Đến nay đã quá hạn bảo lãnh, ông Thiên yêu cầu ông Thái phải trả lại các giấy tờ có liên quan đến số tài sản thế chấp, đồng thời đề nghị Vietinbank Gia Lai xử lý các tài sản của ông Thái để thu hồi nợ.
Đến hạn trả nợ, ông Thái không thực hiện hợp đồng tín dụng kể trên nên ngày 25-3-2013, Vietinbank Gia Lai khởi kiện yêu cầu ông Thái phải trả nợ tổng cộng hơn 2,2 tỷ đồng; trong đó nợ gốc là 2,1 tỷ đồng. Trường hợp ông Thái không trả được nợ thì yêu cầu TAND phát mãi tài sản bảo đảm của ông Thiên và bà Huệ để thu hồi nợ cho Vietinbank Gia Lai.
Phán quyết trái pháp luật
Tòa án nhân dân TP. Pleiku đã xét xử và quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Vietinbank Gia Lai và buộc ông Thái phải trả nợ cho Vietinbank Gia Lai hơn 2,2 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 2,1 tỷ đồng. Vietinbank Gia Lai có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mãi các tài sản mà ông Thiên và bà Huệ thế chấp theo các hợp đồng đã ký kết (trích Bản án số 11 ngày 24-5-2013 do ông Võ Văn Bình-Thẩm phán TAND TP. Pleiku ký).
Không bằng lòng với bản án sơ thẩm trên, ngày 5-6-2013, ông Thiên có đơn kháng cáo không đồng ý xử lý phát mãi tài sản của vợ chồng ông. Bản án phúc thẩm số 10 ngày 22-8-2013 do ông Võ Đình Sớm-Thẩm phán TAND tỉnh ký tuyên xử: Chấp nhận kháng cáo của ông Thiên. Sửa Bản án số 11 ngày 24-5-2013 của TAND TP. Pleiku về việc xử lý tài sản thế chấp. Tuyên bố các hợp đồng thế chấp số 93 ngày 24-11-2010, số 94 ngày 30-11-2010 giữa Vietinbank Gia Lai với vợ chồng ông Thiên-bà Huệ và ông Thái vô hiệu. Buộc Vietinbank Gia Lai trả lại giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất tại các hợp đồng thế chấp cho vợ chồng ông Thiên-bà Huệ...
Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Thái, Vietinbank Gia Lai, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã có văn bản đề nghị kháng nghị Bản án phúc thẩm số 10 kể trên. Tại Quyết định kháng nghị số 05 ngày 24-2-2014, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Tòa Kinh tế, TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy Bản án phúc thẩm số 10 ngày 22-8-2013 của TAND tỉnh, giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 11 ngày 24-5-2013 của TAND TP. Pleiku.
Quyết định giám đốc thẩm số 26 ngày 9-6-2014 do ông Lương Đức Chính-Thẩm phán Tòa Kinh tế, TAND tối cao ký, xét thấy: Về mặt tố tụng, Tòa án cấp phúc thẩm xác định Vietinbank Gia Lai là nguyên đơn trong vụ án là không đúng, nguyên đơn là Vietinbank Việt Nam. Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn tuyên xử các hợp đồng thế chấp số 93 ngày 24-11-2010, số 94 ngày 30-11-2010 vô hiệu là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự, vì trong vụ án không có đương sự nào yêu cầu Tòa án hủy các hợp đồng thế chấp tài sản và Tòa án cấp sơ thẩm cũng không xem xét vấn đề này.
Về nội dung: Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ các quy định của pháp luật để cho rằng sự thỏa thuận giữa 3 bên là Vietinbank Gia Lai với vợ chồng ông Thiên-bà Huệ và ông Thái tại 2 hợp đồng thế chấp nêu trên “không hợp pháp là chưa chính xác”. Hợp đồng thế chấp số 93 ngày 24-11-2010, số 94 ngày 30-11-2010 là hợp pháp và phải được xác định là hợp đồng đã phát sinh hiệu lực, không thể bị nhầm lẫn và vô hiệu như nhận định của Tòa án cấp phúc thẩm. “Việc Tòa án cấp phúc thẩm tuyên sửa Bản án sơ thẩm là không có căn cứ, trái pháp luật” (trích Quyết định giám đốc thẩm số 26 ngày 9-6-2014 của TAND tối cao).
Vì các lẽ trên, căn cứ vào các quy định của pháp luật, Hội đồng giám đốc thẩm TAND tối cao đã có Quyết định số 26 ngày 9-6-2014 tuyên hủy Bản án số 10 ngày 22-8-2013 của TAND tỉnh, giao toàn bộ hồ sơ cho TAND tỉnh để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Hoàng Minh