(GLO)- Sáng 27-10, tại Hội trường 19-5 (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông Tin-Truyền thông do đồng chí Hà Phước Thiều-Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại Đà Nẵng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai và một số cơ quan, đơn vị liên quan để khảo sát về kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 5-9-2016 của Ban Bí thư (khóa XII) về “Đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới”.
Tham dự buổi làm việc, về phía Trung ương có đại diện lãnh đạo Vụ Tuyên truyền-Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo, chuyên viên Cục Thông tin cơ sở-Bộ Thông tin và Truyền thông.
Về phía tỉnh có Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tống Thới Mốc và đại diện lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh; lãnh đạo Thường trực Thành ủy Pleiku và Ban Tuyên giáo Thành ủy, UBND TP. Pleiku; đại diện một số cơ quan, đơn vị và tổ dân phố trên địa bàn TP. Pleiku.
Phó Tổng Biên tập Báo Gia Lai Lương Văn Danh tham gia ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Anh Huy |
Báo cáo tại hội nghị nêu: Ngày 19-5-2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 74-KH/TU thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Ban Bí thư. Trong đó yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, nhất là người đứng đầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt sâu sắc quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới; đồng thời khảo sát, xây dựng kế hoạch, kinh phí đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác thông tin cơ sở. Qua 5 năm triển khai thực hiện, các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương đã cụ thể hóa Chỉ thị số 07 bằng việc xây dựng kế hoạch, ban hành nhiều văn bản sát với tình hình thực tế. Nội dung thông tin ngày càng phong phú, đa dạng, ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm và gắn với điều kiện thực tiễn; hình thức đưa thông tin về cơ sở được đa dạng hóa dưới nhiều hình thức, giúp người dân nắm bắt kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.
Đội ngũ làm công tác thông tin, tuyên truyền miệng được xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động từ tỉnh đến cơ sở; cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật làm công tác thông tin cơ sở luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể trong tỉnh quan tâm triển khai thực hiện. Toàn tỉnh hiện có 5 báo cáo viên cấp Trung ương, 43 báo cáo viên cấp tỉnh, 443 báo cáo viên cấp huyện và tương đương, 3.622 tuyên truyền viên cơ sở. Đến nay, 17/17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh có cơ sở truyền thanh-truyền hình với 724 cụm loa, trong đó 703 cụm loa công nghệ FM và 21 cụm loa ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông. Trung bình mỗi tháng, các đơn vị đã thực hiện được 725 chương trình phát thanh với 7.060 phút; 79 chương trình truyền hình với 1.030 phút. Tính đến ngày 31-3-2022, toàn tỉnh có 186 Đài truyền thanh xã, trong đó có 162 đài truyền thanh công nghệ FM (1.797 cụm loa) và 24 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông (242 cụm loa); 100% xã, phường, thị trấn đều có Trang thông tin điện tử...
Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại Đà Nẵng Hà Phước Thiều kết luận tại buổi làm việc. Ảnh: Anh Huy |
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã làm rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc về một số loại hình thông tin cơ sở chưa phát huy được vai trò, hiệu quả; thông tin cơ sở đôi lúc còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu; công tác xã hội hóa vận động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ còn hạn chế... Đồng thời đề xuất, kiến nghị với Trung ương: Quan tâm ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách về phát triển thông tin cơ sở, trong đó quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ quản lý hoạt động, chế độ chính sách của tuyên truyền viên cơ sở và nhân lực làm công tác thông tin cơ sở ở xã, phường, thị trấn; ban hành quy định chức danh đối với cán bộ quản lý Đài truyền thanh cấp xã là cán bộ chuyên trách; tăng cường mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận đối với cán bộ làm công tác thông tin cơ sở...
Sau khi nghe ý kiến của đại diện các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tại buổi làm việc, Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại Đà Nẵng Hà Phước Thiều ghi nhận, đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chỉ thị số 07 của tỉnh, đáp ứng tình hình mới. Đồng thời mong muốn các cấp ủy Đảng tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin cơ sở thời gian tới, nhất là phát huy, nhân rộng các mô hình hiệu quả; biên soạn các tài liệu, tổ chức hướng dẫn cụ thể cho cơ sở. Đối với những ý kiến, kiến nghị, đề xuất của đại biểu tại buổi làm việc, đoàn công tác sẽ tổng hợp, báo cáo và tham mưu Ban Bí thư để có những điều chỉnh phù hợp, kịp thời trong thời gian tới.
ANH HUY