Nhà chức trách xác định, Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Thái Sơn (Bộ Q.P) để tác động mua nhà biệt thự giảm giá.
Công ty của Đinh Ngọc Hệ chiếm 80% vốn điều lệ ở dự án BOT cầu Việt Trì mới
Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao vừa hoàn tất cáo trạng, truy tố ông Đinh La Thăng – cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), cựu Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, Đinh Ngọc Hệ - nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn (Bộ Q.P) và nhiều đồng phạm khác.
Vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" này xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng công ty Cửu Long và các đơn vị liên quan.
Theo cáo trạng, Đinh Ngọc Hệ được xác định đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật của Công ty Thái Sơn, Công ty Yên Khánh là những Công ty do Hệ thành lập, chỉ đạo hoạt động, có phần vốn góp chi phối vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần BOT Việt Trì, dùng ảnh hưởng của mình để tác động đến những người có chức vụ, quyền hạn tại Công ty Cổ phần BOT cầu Việt Trì để cho Công ty Cổ phần Licogi 13 được thi công 2 hạng mục trong gói thầu XL.01-3.
Các Công ty do Đinh Ngọc Hệ điều hành chiếm 80% vốn điều lệ tại dự án BOT cầu Việt Trì mới. Trong ảnh là trạm thu phí cầu Hạc Trì. |
Đổi lại, Công ty Cổ phần Licogi 13 phải hạ giá bán căn biệt thự BT01 để trục lợi số tiền hơn 3,4 tỷ đồng.
Hành vi của Đinh Ngọc Hệ đã phạm vào tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", quy định tại điểm a, Khoản 4, Điều 358 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa, đổi năm 2017.
Cụ thể, ngày 5/7/2011, Bộ GTVT có quyết định về việc lập dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì mới, dành riêng cho giao thông đường bộ qua sông Lô, trên quốc lộ 2, giao Sở GTVT tỉnh Phú Thọ làm chủ đầu tư.
Do không bố trí được nguồn vốn đầu tư dự án, ngày 25/3/2013, Bộ GTVT quyết định chuyển chủ đầu tư dự án từ Sở GTVT tỉnh Phú Thọ sang Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; quyết định ngày 2/8/2013 chuyển hình thức đầu tư dự án xây dựng cầu Việt Trì mới từ nguồn ngân sách Nhà nước sang hình thức hợp đồng BOT, chuyển chủ đầu tư dự án từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sang Ban quản lý dự án Thăng Long thực hiện.
Ngày 25/9/2013, Bộ GTVT quyết định phê duyệt dự án BOT cầu Việt Trì mới có tổng mức đầu tư là hơn 1900 tỷ đồng.
Biết được chủ trương này, tháng 9/2013, Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo Vũ Thị Hoan – Giám đốc Công ty Yên Khánh, đại diện cho Liên danh nhà đầu tư: Công ty Yên Khánh – Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 – Công ty Cổ phần đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P ký bản đăng ký thực hiện dự án BOT cầu Việt Trì gửi Bộ GTVT.
Ngày 13/11/2013, Bộ GTVT có quyết định phê duyệt kết quả chỉ định nhà đầu tư Yên Khánh – Thái Sơn – Cienco 1 thực hiện đầu tư dự án cầu Việt Trì mới theo hình thức hợp đồng BOT.
Ngày 22/11/2013, Công ty Cổ phần BOT cầu Việt Trì được thành lập, vốn điều lệ 265 tỷ đồng, do ông Quách Bá Vương làm Giám đốc. Cổ đông góp vốn gồm Công ty Yên Khánh (40% cổ phần); Công ty Thái Sơn Bộ Q.P (do Trần Văn Lâm đại diện, góp 40% cổ phần); Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 1, Công ty Cổ phần (Cienco 1) (do ông Nguyễn Mạnh Tiến đại diện, góp 20% cổ phần).
Như vậy, Công ty Cổ phần BOT cầu Việt Trì có phần vốn góp chi phối của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P do Đinh Ngọc Hệ là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật, và Công ty Yên Khánh của Hệ chiếm 80% vốn điều lệ tại dự án này.
Đinh Ngọc Hệ xin giảm giá mua nhà biệt thự thế nào?
Đinh Ngọc Hệ có mối quan hệ từ trước với ông Phạm Văn Thăng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Licogi 13 từ năm 2012 là nhà thầu phụ của Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P, đồng thời Hệ biết Công ty Licogi 13 là Chủ đầu tư dự án khu nhà ở thấp tầng tại 164 Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, TP.Hà Nội).
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, Đinh Ngọc Hệ đã xin mua nhà biệt thự giá thấp hơn giá ban đầu của Công ty Licogi 13, sau đó hứa cho công ty này tham gia thi công ở một số dự án, cụ thể sau đó Công ty Licogi 13 đã được tham gia gói thầu xây lắp tại dự án BOT cầu Việt Trì. |
Do vậy, Hệ đã gặp ông Thăng, đặt vấn đề mua căn biệt thự BT01 tại dự án đang được công ty bán với giá 18 tỷ đồng. Hệ nói với ông Thăng bán cho Hệ căn biệt thự này với giá 15 tỷ, hứa sẽ bố trí cho Công ty Licogi 13 tham gia thi công tại một số dự án.
Biết Hệ là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc người đại diện pháp luật của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P có nhiều mối quan hệ, có thể hỗ trợ Công ty trong công việc trước mắt và lâu dài, ông Thăng đồng ý và nói sẽ xin ý kiến HĐQT.
Ông Thăng sau đó ký tờ trình gửi cho ông Nguyễn Quốc Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty Licogi 13, kính trình xem xét phê duyệt giá bán căn biệt thự BT01 thuộc dự án khu nhà ở với giá 15 tỷ đồng.
2 ngày sau, ông Hùng ký quyết định điều chỉnh giá bán căn biệt thự BT01 xuống còn hơn 15 tỷ đồng. Thăng thông báo lại cho Hệ biết, ngày 14/11/2013, Đinh Ngọc Hệ đến Công ty Licogi 13 nộp hơn 1 tỷ đồng đặt cọc mua căn biệt thự này.
Thực hiện thỏa thuận, đầu năm 2014, Đinh Ngọc Hệ điện thoại cho ông Thăng, thông báo có dự án BOT cầu Việt Trì, thống nhất cho Công ty Licogi 13 tham gia thi công.
Sau sự sắp xếp, chỉ đạo của Đinh Ngọc Hệ, Công ty Licogi 13 đã được tham gia vào gói thầu tại dự án. Dự án BOT cầu Việt Trì được khởi công ngày 30/11/2013, hoàn thành thông xe kỹ thuật ngày 19/5/2015, hoàn thành, nghiệm thu, đưa vào thu phí từ ngày 7/12/2015.
Sau khi được tham gia thi công gói thầu XL.01-3, ngày 10/9/2014, ông Thăng đại diện Công ty Licogi 13 và bà Vũ Thanh Phương (vợ của Đinh Ngọc Hệ) ký hợp đồng mua bán nhà, mua bán biệt thự BT01, diện tích hơn 143m2, tổng giá trị hợp đồng hơn 15 tỷ.
Biệt thự trên sau đó được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới tên Đinh Ngọc Hệ và Vũ Thanh Phương.
Quá trình điều tra, Công ty Cổ phần Licogi 13 không có đề nghị gì về khoản tiền này, đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.
https://danviet.vn/dinh-ngoc-he-loi-dung-chuc-vu-de-truc-loi-mua-nha-biet-thu-20201101112129911.htm
Theo Nguyễn Hòa (Dân Việt)