Điêu đứng vì các sân chơi tài chính ảo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ấp ôm giấc mộng đổi đời, hàng trăm hộ dân ở các địa phương phía Đông tỉnh Gia Lai đã không ngần ngại bỏ ra một số tiền lớn để tham gia vào những sân chơi tài chính ảo với lãi suất “khủng”. Để rồi, vài tháng sau đó, nhiều người trở nên khốn cùng khi các sàn này tuyên bố sập cửa, vĩnh viễn mất tích cùng hàng chục tỷ đồng.

Bài học đắt giá

Đã hơn 1 tháng trôi qua nhưng chị Trương Thị Thanh Thanh (tổ dân phố 7, phường An Phú, thị xã An Khê) vẫn chưa thoát khỏi sự khủng hoảng. Chị là một trong số rất nhiều nạn nhân của “Ngân hàng cộng đồng Bitcoin” (gọi tắt là FXMT4)-một hình thức huy động vốn theo mô hình đa cấp, sử dụng đồng tiền ảo bitcoin để giao dịch trong hệ thống với nhau. Chị Thanh tâm sự, trước đó, chị có tham gia chơi “Mạng luân chuyển sự giàu có M5”. Chỉ cần bỏ 6,6 triệu đồng vào hệ thống thông qua 1 trang web cụ thể, sau 1 tháng, chị thu về 8,5 triệu đồng, tức lãi 1,9 triệu đồng. Được vài tháng, chị rút hết tiền từ M5 để chuyển sang tham gia FXMT4 phần vì cảm thấy M5 bắt đầu chậm về tiền, phần bởi FXMT4 có lợi nhuận cao hơn với khoảng 144%/tháng. Hơn nữa, tham gia vào FXMT4, người chơi còn nhận được hoa hồng trực tiếp và gián tiếp khi giới thiệu được thêm người tham gia.

 

Chị Thanh buồn bã bên đàn gà, vịt-tài sản còn lại của gia đình sau khi mất sạch tiền vì chơi Bitcoin. Ảnh: H.T
Chị Thanh buồn bã bên đàn gà, vịt-tài sản còn lại của gia đình sau khi mất sạch tiền vì chơi Bitcoin. Ảnh: H.T

Cũng chính vì điều đó, chị Thanh đã không ngại ngần dùng số tiền bán heo, đồng thời vay thêm 95 triệu đồng để đầu tư vào Bitcoin. Gần 4 tháng lên sàn, rót vào đó 120 triệu đồng nhưng chị chỉ rút được khoảng 13 triệu đồng tiền lời, còn lại mỗi lần rút đều nhận được thông báo là hệ thống bị lỗi hiện đang bảo trì. “Tình trạng ấy kéo dài cho đến ngày sàn tuyên bố sập. Lúc đó tôi cảm thấy như trời đổ sụp trước mắt. Vì gia cảnh khó khăn, nhà cửa cũng phải ở nhờ của cha mẹ nên tôi mới chơi để mong kiếm tiền xây nhà. Ai ngờ mất tiền mà còn nợ nần chồng chất. Quẫn trí quá, tôi gieo mình xuống giếng để giải thoát, may mà được chồng và hàng xóm cứu giúp kịp thời. Giờ chồng đau ốm, 2 con nhỏ mới học cấp 1, tôi không biết lấy gì mà trả nợ”-chị Thanh nghẹn ngào.

Đồng cảnh ngộ với chị Thanh, ông Nguyễn Anh Bình (thôn Chí Công, xã Cư An, huyện Đak Pơ) cũng mất đi khoản tiền tương tự. Vì ham cái lợi trước mắt và tin tưởng vào người giới thiệu, ông Bình đã đi vay ngân hàng 100 triệu đồng về tham gia vào hệ thống Bitkingdom, sau đó là FXMT4. Để rồi, như ông tâm sự “giàu đâu không thấy mà cái nghèo, cái khó lại càng bám lấy gia đình”.

Điều đáng nói, chính vì càng lôi kéo được nhiều người tham gia thì người chơi càng nhận được nhiều lợi nhuận nên các nạn nhân đa số đều là người thân trong gia đình hoặc bạn bè thân thiết. Chị Đặng Thị A.D. (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) là một trong nhiều trường hợp như thế. Theo chia sẻ của chị D., FXMT4 đã “nuốt” trọn của chị cùng gia đình 2 bên nội, ngoại số tiền 700 triệu đồng; còn riêng hệ thống của chị, mọi người mất khoảng 7 tỷ đồng.

Không chỉ sân chơi FXMT4, vừa qua, hàng loạt các sàn tài chính ảo khác như M5, M8, Onecoin… cũng lần lượt tuyên bố đóng cửa, “sập” sàn. Hàng chục tỷ đồng của người dân biến mất cùng với những đồng tiền ảo và chủ nhân của nó.  

Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo

Đại tá Trần Thanh Khiết-Trưởng Công an huyện Kbang cho hay: Qua rà soát nắm tình hình, trên địa bàn huyện có 2 hình thức kinh doanh theo kiểu đa cấp và đa cấp biến tướng, đó là Công ty Thái Tuấn huy động vốn thông qua hợp đồng thỏa thuận và hoạt động hệ thống M5, FXMT4 theo kiểu “cho đi-nhận lại”. Riêng M5 có khoảng 200-300 người tham gia, chủ yếu là tiểu thương và giáo viên. Sau khi sập sàn, một số ít người mới chơi thì thu hồi được một phần vốn, còn lại đều trắng tay. FXMT4 cũng có nhiều người lên sàn, song hiện Công an huyện vẫn chưa thống kê được số lượng cụ thể.

Cũng theo ông Khiết, trước tình hình trên, Công an huyện đã có báo cáo gửi lên Huyện ủy, UBND huyện Kbang để có sự chỉ đạo kịp thời các ban ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn cùng phối hợp tuyên truyền cho nhân dân biết về phương thức, thủ đoạn, chiêu trò của các loại hình trên, khuyến cáo người dân không tham gia vào hình thức đa cấp biến tướng này, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra.

Về phía thị xã An Khê, sau khi nắm bắt vụ việc, Thường trực Thị ủy đã chỉ đạo Công an thị xã và các xã, phường tiếp tục tăng cường công tác nắm tình hình hoạt động của các loại hình kinh doanh, huy động vốn theo hình thức đa cấp để có biện pháp xử lý kịp thời, không để xảy ra phức tạp về an ninh trật tự. Ngoài ra, phải tiếp xúc, vận động những người tham gia không có các hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự công cộng và hướng dẫn họ thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật; đồng thời triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Riêng huyện Kông Chro, theo Đại tá Lê Hoài Nam-Trưởng Công an huyện, rất may không có trường hợp nào là nạn nhân của các trò lừa đảo này. Tuy nhiên, Công an huyện cũng đã kịp thời có văn bản gửi các địa phương khuyến cáo về vấn đề này.

Để giảm thiểu số nạn nhân bị loại hình này lừa đảo, Thiếu tá Nguyễn Công Thắng-Phó Trưởng Công an huyện Đak Pơ, cho biết: Ngoài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Công an huyện còn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể của địa phương tổ chức tuyên truyền tập trung, lồng ghép trong các cuộc họp thôn, làng nhằm giúp người dân nắm rõ hơn về các hình thức kinh doanh đa cấp, tránh mờ mắt vì lợi nhuận cao mà tiền mất tật mang.

Có thể nói, những vụ việc xảy ra liên quan đến “đồng tiền ảo” trong thời gian vừa qua chỉ là một phần nổi nhỏ trong một vụ việc lớn. Bởi lẽ, trên thực tế, có nhiều người chọn cách im lặng khi bị lừa vì chấp nhận số phận hoặc lo sợ ảnh hưởng đến uy tín. Đây cũng sẽ là cơ hội cho những kẻ lừa đảo tận dụng để tiếp tục tạo dựng lòng tin và thực hiện chiêu trò. Do vậy, cách tốt nhất là mỗi người dân cần phải thật tỉnh táo để có thể tự bảo vệ tài sản của mình.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.