Điện thoại bàn thương nhớ...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khoảng 1 tuần nay, dân tình xôn xao trước sự ra mắt của iPhone 14. Tôi lướt thử giá xong thì... choáng. Lại nhớ một thời, lắp được cái điện thoại bàn, có khi oai hơn việc sở hữu iPhone 14 pro max 1TB bây giờ.
Hồi đó, không phải là nhà “có điều kiện”, mà phải... rất có điều kiện thì mới có ý định lắp một “con” điện thoại trong nhà. Nhà tôi, không “có điều kiện” nhưng có ông anh “có điều kiện” bảo: “Mày mắc điện thoại tao cho 1/3 chi phí”. Thì mắc.
Tôi không nhớ rõ là có phải giấy giới thiệu cơ quan không, nhưng nhớ là nhờ người quen lên bưu điện đăng ký. Khi ấy, viễn thông và bưu chính đang chung một cơ quan chứ chưa chia tách. Được vào làm ở bưu điện giai đoạn này là cả cuộc đổi đời với nhiều người.
Đăng ký xong thì nhận lời hẹn là 1 tuần nữa sẽ đến khảo sát. Nhà ở khu tập thể nhiều phòng nên hôm ấy tôi phải nghỉ, đợi ở nhà để đón anh em tới khảo sát. Cũng khá hồi hộp. Chờ mãi thì anh nhân viên kỹ thuật cũng phi xe máy tới, ngó nghiêng tí rồi về. Hai hôm sau, tôi nhận được phiếu dự toán: dây bao nhiêu mét, công lắp đặt, công khảo sát, tiền máy, rồi chống sét... Phòng tập thể tôi ở sát đường Trần Hưng Đạo có đường dây chính chạy qua, nhưng không hiểu tính toán thế nào mà tới cả trăm mét. Tôi nhớ nhất là mục khảo sát, hết 1 công, trong khi, tôi thấy rõ ràng anh nhân viên kỹ thuật tới ngó không quá... 10 phút. Và giá tiền công 1 ngày của anh em bưu điện khi ấy bằng khoảng 4 lần lương 1 ngày của tôi, cử nhân ra trường làm việc 5 năm.
Hôm nhà mắc xong điện thoại, tôi có làm một mâm gọi là... rửa điện thoại như thông lệ lúc bấy giờ, mời bạn bè, rồi... chiêu đãi mỗi người một cuộc gọi cho người thân, bạn bè. Cũng có người không có... đối tác để gọi. 
Lắp điện thoại rồi thì lại sinh ra việc, ngày ngày đi ngang qua và có ý ngóng trông chiếc điện thoại reo. Thi thoảng, có người gọi, điện thoại reo lên, cả nhà vui như Tết, đều ngừng hết việc để... chạy tới. Và, nhiều khi lại có tâm lý như bực bội, như là tưng tức, khi có điện thoại mà nó cứ im im cả ngày, chả ai gọi tới.
Sau tôi, một loạt bạn bè bị tôi vừa thúc, vừa ép mắc điện thoại. Mỗi khi bạn bè mắc điện thoại lại có một cuộc... rửa máy. Và tôi “sáng tác” chuyện giễu nhau, là mới mắc điện thoại xong, chuông reo, thế là chồng lao tới, vợ lao lên, con lao lại phía điện thoại. Có nhà va vào nhau bươu cả đầu, nên ra đường thấy ai bị sưng đầu là biết ngay nhà ấy vừa... mắc điện thoại.
Tường, cánh cửa, cánh tủ... là nơi ghi số điện thoại. Còn ở ngay bên chiếc điện thoại là một tờ giấy lớn ép plastic ghi những số điện thoại quan trọng hay liên lạc. Túi mỗi người thêm một cuốn sổ con con, cũng để ghi số điện thoại. Có người rất cẩn thận ngồi cắt rồi dán thứ tự tên theo vần chữ cái nhô ra như từ điển, để lúc cần thì tìm cho nhanh. Tôi cũng có một cuốn sổ nhỏ như thế, nay thì để vào chỗ vật lưu niệm một thời cùng mấy cái máy ghi âm, radio thời nảo nao.
Cũng cần kể thêm là ngày ấy, hãi nhất là bạn bè tới nhà rồi... gọi nhờ điện thoại. Gọi nội thị thì ok, chứ liên huyện là khiếp rồi, liên tỉnh lại càng khiếp. Liên tỉnh mà cùng vùng thì đỡ, chứ khác vùng là... hồi hộp cho tới ngày bưu điện phát hóa đơn thu tiền.
Cách gọi cũng đi từ... thô sơ tới hiện đại. Ban đầu thì gọi tới bưu điện, nói cho tôi gặp số ấy số ấy. Cô bưu điện quay xè xè một hồi thì nối máy. Tiến lên gọi trực tiếp được. Từ 3 số, tới 4 rồi 5 rồi 6 số. Ban đầu là điện thoại cũ của Mỹ, rồi của Liên Xô, thời đại trà là Siemens của Đức. Loại này thịnh hành cho tới khi điện thoại bàn gần như... biến mất.
Thế nên mới song song với điện thoại bàn mắc trong nhà thì có các “cây” điện thoại ngoài phố, muốn dùng phải có thẻ. Còn trước đấy, muốn gọi mà không có điện thoại thì vào bưu điện. Có cái “Đơn xin gọi điện thoại” in sẵn, viết xong nộp. Cô nhân viên xử lý xong bảo vào phòng nào thì mình vào phòng ấy, cầm ống nghe lên, tổng đài nối cho số cần gặp. Nói xong thì trả tiền. Đa phần là đã chuẩn bị sẵn nội dung, có người cẩn thận thì ghi hẳn vào giấy, vì tính theo phút và mỗi phút trôi qua là thấy tiền tuồn tuột rời khỏi ví. Giờ nhìn cảnh livestream, gọi video cả tiếng đồng hồ mà... thương “cái thuở ban đầu tê lê phôn” ấy.
Chưa kể, sau này điện thoại di động xuất hiện. Hồi ấy, tôi hay nói đùa, thù ai hãy tặng cho họ một chiếc điện thoại di động. Đấy là cách “triệt hạ” kinh tế của đối thủ một cách toàn diện và triệt để nhất. Nhưng hôm nay là kể vui về điện thoại bàn nên không đi sâu vào điện thoại di động, nó cũng có rất nhiều chuyện bi hài đáng để được nhắc. 
Thế nhưng, bây giờ mà có mấy chiếc điện thoại bàn cũ một tí, chưa cần cổ, cũng bán được kha khá tiền đấy. Dân ta giờ có một số người yêu thích sưu tầm đồ cũ, một thú chơi được cho là thanh tao.
HOÀNG HƯƠNG GIANG
 

Có thể bạn quan tâm

Đoạn đường Trường Sơn Đông đi qua địa phận xã Ia Trok, huyện Ia Pa

UBND tỉnh Gia Lai trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan đường Trường Sơn Đông xuống cấp

(GLO)- Báo Gia Lai trích đăng nội dung UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri về tình trạng sạt lở bờ suối ăn sâu vào khu vực tường bao xung quanh Trường Tiểu học Cù Chính Lan (xã la Nan, huyện Đức Cơ); đoạn đường Trường Sơn Đông đi qua địa phận xã Ia Trok (huyện Ia Pa) xuống cấp;...

Triển khai thi công tỉnh lộ 669-đoạn từ thị xã An Khê đi huyện Kbang. Ảnh: Minh Phương

UBND tỉnh Gia Lai trả lời cử tri về tỉnh lộ 669 từ An Khê đi Kbang nhưng chưa đấu nối với đường dân sinh

(GLO)- Báo Gia Lai trích đăng nội dung UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan việc thi công tỉnh lộ 669 từ An Khê đi Kbang nhưng chưa đấu nối với đường dân sinh; chỉ tiêu tuyển sinh tại Trường THPT DTNT Đông Gia Lai, Trường THCS DTNT Đak Pơ ít không đáp ứng nhu cầu học tập;...

Trung tâm huyện Đức Cơ nhìn từ trên cao. Ảnh: Vĩnh Hoàng

UBND tỉnh Gia Lai trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan việc cấp GCNQSD đất trên đất lâm nghiệp do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê quản lý

(GLO)- Báo Gia Lai trích đăng nội dung UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan việc cấp GCNQSD đất trên đất lâm nghiệp do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê quản lý; nghiên cứu và lập các dự án đầu tư trồng rừng đối với diện tích đất rừng khộp chưa có rừng...

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo ở làng Bua, xã Ia Pnôn. Ảnh: V.H

Đức Cơ quan tâm tạo sinh kế cho hộ nghèo

(GLO)- Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) chiếm 10,19%. Nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 7,92%. Để có được kết quả này, huyện đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, đặc biệt là tạo sinh kế giúp hộ nghèo chủ động vươn lên trong cuộc sống.

Ảnh: Internet

UBND tỉnh Gia Lai trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri về bổ sung dự án xây dựng Đập điều hòa sông Ba để điều tiết nước cho thị xã An Khê

(GLO)- Báo Gia Lai trích đăng nội dung UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan dự án xây dựng Đập điều hòa sông Ba để điều tiết nước cho thị xã An Khê; rà soát, đo đạc cắm mốc diện tích đất ngoài quy hoạch 03 loại rừng trên địa bàn xã Hải Yang (huyện Đak Đoa);...

Ảnh: Internet

UBND tỉnh Gia Lai trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri về khắc phục sạt lở bờ sông Đăk Pne (huyện Kbang)

(GLO)- Báo Gia Lai trích đăng nội dung UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri về bố trí kinh phí để khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Đăk Pne (huyện Kbang); đầu tư trạm bơm để phục vụ sản xuất tại cánh đồng thôn Đoàn Kết (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện); 

Ảnh: Internet

UBND tỉnh Gia Lai trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri về dãy nhà số 08 Phan Đình Phùng, TP.Pleiku

(GLO)- Báo Gia Lai trích đăng nội dung UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan dãy nhà số 08 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku do Hội LHPN tỉnh quản lý đang xuống cấp, lãng phí; cải tạo hồ nước trước Bảo tàng tỉnh để trồng sen; cơ chế cho thuê rừng trồng dược liệu...

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại huyện Kbang về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Kbang thực hiện cấp giấy CNQSDĐ cho 11/68 hộ được hỗ trợ nhà ở

(GLO)- Sáng 4-12, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai do bà Đinh Ly An-Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tại huyện Kbang về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn pháp luật

Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn pháp luật liên quan thế chấp quyền đòi nợ để vay tiền

(GLO)- Bạn đọc H.T.K. hỏi: Ông A. vay của tôi 200 triệu đồng, 2 bên có lập hợp đồng vay tài sản rõ ràng. Tôi cần tiền làm ăn gấp, trong khi đó, ông A. không trả nợ cho tôi theo thỏa thuận. Vậy tôi có quyền thế chấp quyền đòi nợ này cho bên thứ 3 để vay 100 triệu đồng được không?

UBND tỉnh Gia Lai trả lời kiến nghị của cử tri

UBND tỉnh Gia Lai trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri về ổn định sản xuất sau tái định cư thủy điện An Khê - Ka Nak

(GLO)- Báo Gia Lai trích đăng nội dung UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan việc ổn định sản xuất sau tái định cư thủy điện An Khê-Ka Nak; hoạt động TTYT huyện Đức Cơ; cấp GCNQSD đất tại Khu đất Làng quân nhân Lữ đoàn 234-Quân đoàn 3; đất do Binh đoàn 15 quản lý tại tổ 6, phường Yên Thế (TP. Pleiku) đang có gần 300 hộ dân sử dụng sản xuất nông nghiệp ổn định trên 30 năm.