Chuyện điện một thời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Liên tục những ngày qua xảy ra các vụ cháy lớn, chết nhiều người, có thể gọi là thảm họa, tới mức Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phải tổ chức ngay cuộc họp trực tuyến toàn quốc về vấn đề này. Tôi mới đọc một tài liệu, trong đó thống kê có tới 45% nguyên nhân các vụ cháy là do điện.
Vụt trong tôi cái thời, Gia Lai nói chung, Pleiku nói riêng, điện là nỗi thắc thỏm mỗi ngày của từng người, từng nhà, từng khu vực. Lâu rồi, tôi cũng không còn được nghe những tiếng hân hoan bừng lên khi sự chờ đợi từng phút từng giây nguồn sáng từ điện được đền đáp: “Có điện rồi”. 
Cái thời ấy kể ra cũng nhiều chuyện... buồn cười. Điện thì thiếu mà nhu cầu ngày càng tăng, mỗi nhà phải tự cứu mình bằng cách sắm cái sutvonter. Nó là cái biến thế chứ không phải là ổn áp như lioa sau này, chức năng duy nhất là tăng điện lên chứ không giữ bình ổn hoặc hạ xuống. Muốn hạ thì nó réo lên như cứu hỏa mỗi khi điện lên quá 220 V. Hồi ấy, bóng neon chưa có, nếu có cũng không sử dụng được vì điện yếu, đèn không thể sáng, chỉ có con chuột chớp chớp, mà toàn dùng bóng tròn, sử dụng sợi tóc, lại càng tốn điện. Điện 220 V nhưng dùng bóng 110 V thì nó sáng là vừa, nhưng nửa đêm lên gần 220 V thì... bóng cháy.
Điện đã thiếu và yếu nhưng đa phần lại dùng bếp dây mai xo, là loại nó ngốn điện như thuồng luồng uống nước ao. Nhà có điều kiện thì mua cái bếp hoàn chỉnh, có cái vành gang và khuôn đất có rãnh để đặt dây mai xo vào. Nhà không có điều kiện, nhất là cánh ở tập thể thì dùng viên gạch, lấy dao đẽo thành các rãnh để đặt dây mai xo, tự nối điện, cũng thành bếp. Lúc nấu bếp mai xo ấy thì cái biến thế phát huy tác dụng. Đa phần các nhà trong khu tập thể chỉ kéo dây nóng về, dây mát thì... nối ra bờ rào, ngày ấy toàn dây kẽm gai hoặc chôn cái cọc sắt, tối cứ thấy đỏ lừ, mà sao không ai bị giật cũng chả thấy bị cháy.
Còn nhớ khi ấy ở ngành điện, “to” nhất là bộ phận đường dây. Có lần, Đài Phát thanh (ngày ấy chưa có truyền hình) họp tổng kết năm, anh Xuân Phát-Trưởng phòng Biên tập làm MC, lên “tuyên bố lý do”: Được sự cho phép của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự đồng ý của Ty Tài chính và... điện lực, hôm nay Đài tổ chức hội nghị... Cả hội trường phì cười và vỗ tay.
Các anh “đường dây” oai tới mức, bất cứ sự kiện gì cũng có giấy mời. Có lần có cuộc biểu diễn nội bộ phục vụ khách và “phúc khảo” một vở cải lương ở Hội trường 2-9 mới khánh thành, mấy anh công nhân đường dây đòi vào, bảo vệ không cho, các ảnh tuyên bố: Về cúp điện cho biết tay! Và 15 phút sau điện cúp tối om thật. Lần khác, trong một cuộc có mặt cả Giám đốc Điện lực ở đấy, mà mấy anh công nhân không được vào, họ cũng... cúp điện. Sau, ông Giám đốc tức tốc ra lấy xe phóng về xử lý. Rồi còn có chuyện, nhà nào có việc, cũng phải “có lời” với mấy anh công nhân điện lực, không thì sắp vào sự kiện là... bụp.
Nhưng dân ta cũng kinh. Khu tập thể tôi ở đường Trần Hưng Đạo ấy, nhà nào cũng nuôi heo. Cứ đi ngủ là bắc nồi cám heo to vật lên cái bếp dây mai xo, cắm điện, sáng dậy thì cám vừa chín, cho heo ăn xong rồi chủ nhịn đói đi làm. Xâm xẩm tối nào cũng có vài ông mò mẫm đi nối dây điện. Khu này bị cúp thì nối sang khu khác.
Hồi ấy, ba vợ tôi là Giám đốc Chi nhánh điện Ayun Pa, được Báo Nhân Dân về viết bài ca ngợi là nơi điện đủ 24/24 giờ. Và ông được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc. Ở Pleiku chỉ có một số cơ quan quan trọng là có điện 24/24 giờ, tất nhiên là có Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an, Quân đội, có cả cơ quan vợ tôi là Trung tâm Y tế dự phòng vì phải trữ thuốc trong tủ lạnh, nhưng thực ra, vẫn bị cúp như thường.
Nhưng lạ, hồi ấy ít xảy ra cháy như bây giờ dù hệ thống điện “mỏng manh dễ vỡ” như tôi kể, tức nó cứ chằng chịt và tự mắc. Còn nhà thì đa phần là vách ván, mà toàn ván thông thì phải. Loại này mà bén lửa thì đượm phải biết. Mấy anh độc thân ở Ty Văn hóa hút thuốc mà không có bật lửa còn lấy cái ruột bút chì quấn một đầu vào dây điện, khi nào cần lửa dí tiếp một đầu dây điện nữa vào phía kia, nó đỏ lừ lên, châm thuốc xong lại thả lòng thòng.
Còn chuyện xin mắc đồng hồ thì quả là trần ai. Đích thân Giám đốc duyệt đơn. Tôi nhớ, khi xin mắc đồng hồ cho cái phòng tập thể, đã có “tay trong” rồi, chỉ cần làm đơn đưa cho “tay trong”. Anh làm ở bộ phận hành chính thay vì chỉ ký xác nhận rồi đóng dấu thì lại thòng thêm câu cho nó “quan trọng”: Anh V.C.H. là người sáng tác, cần làm việc ban đêm, kính mong được giúp đỡ. Ông Giám đốc khi ấy bảo, thế thì mình ông sáng tác làm việc đêm à, người khác không à. Không duyệt. Thế là về làm lại đơn, nói anh làm ở bộ phận hành chính: Anh chỉ ký đóng dấu thôi, không cần viết thêm gì.
VĂN CÔNG HÙNG
 

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.