Đến ngày 15-5, thuê bao không chuẩn hóa thông tin sẽ bị thu hồi số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại cuộc họp báo diễn ra vào chiều 6-4 với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm, các cơ quan chức năng Bộ TT-TT đã công bố một số kết quả nổi bật trong 3 tháng đầu năm 2023.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm chủ trì họp báo.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm chủ trì họp báo.

Số liệu Bộ TT-TT cho biết, trong tháng 3, doanh thu toàn ngành TT-TT ước đạt 325.565 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với tháng 2; lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 3 ước đạt 845.577 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ, tỷ lệ doanh thu ước đạt 20% so với kế hoạch năm. Tổng nộp ngân sách nhà nước toàn ngành TT-TT tính đến hết tháng 3 ước đạt 24.455 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong quý 1 là 13,6%, tăng 3,99% so với thời điểm cuối năm 2022. Tỷ trọng kinh tế số trong GDP quý 1 là 14,62%.

Quang cảnh họp báo. Ảnh: TB

Quang cảnh họp báo. Ảnh: TB

Theo số liệu Bộ TT-TT, tính đến ngày 31-3, đã có 2,17 triệu thuê bao chuẩn hóa thông tin sau khi nhận thông báo. Hiện cả nước có 1,67 triệu thuê bao (chiếm 43,5%) không thực hiện chuẩn hóa theo thông báo đã bị tạm dừng dịch vụ một chiều.

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) cho biết, kể từ ngày 1-4 đến nay, đã có khoảng 256.000 thuê bao, chiếm 13,5% các thuê bao bị khóa một chiều đã đến chuẩn hóa để mở lại dịch vụ.

“Đến 15-4, các thuê bao không tiến hành chuẩn hóa lại sẽ bị khóa 2 chiều. Đến 15-5, nếu không cập nhật thông tin, các thuê bao này sẽ bị nhà mạng thu hồi số”, ông Nguyễn Phong Nhã nêu rõ.

Ông Nguyễn Phong Nhã cũng cho biết, Bộ TT-TT mong muốn người sử dụng thực hiện việc gửi tin nhắn TTTB tới đầu số 1414 (miễn phí) để tự kiểm tra nhằm kịp thời cập nhật thông tin thuê bao của mình. Sự phối hợp của người dùng sẽ góp phần hạn chế dịch vụ tin nhắn rác, cuộc gọi rác và xây dựng môi trường tiêu dùng thông minh, an toàn.

Ông Nguyễn Phong Nhã phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: TB

Ông Nguyễn Phong Nhã phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: TB

Theo Bộ TT-TT, trong tháng 3, đã phát hiện và chuyển cơ quan chức năng điều tra, xử lý 8 vụ việc sử dụng trạm phát sóng BTS giả để phát tán tin nhắn rác, quảng cáo hay giả mạo nhằm lừa đảo người dân tại Hà Nội, TPHCM, Gia Lai, Quảng Nam và Thanh Hóa.

Theo số liệu của Cục An toàn thông tin, quý 1, cơ quan này đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 3.446 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thời gian tới, để bảo đảm an toàn thông tin mạng, Bộ TT-TT tiếp tục tăng cường công tác giám sát, chủ động rà quét trên không gian mạng Việt Nam; đánh giá, thống kê và tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dùng biết và phòng tránh; đồng thời tiếp tục có các văn bản cảnh báo rộng rãi, đôn đốc việc rà soát điểm yếu lỗ hổng, dấu hiệu tấn công mạng.

Cập nhật thông tin về kết quả triển khai hệ thống tra cứu tên miền sau hơn 1 tháng triển khai, bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC, Bộ TT-TT) cho biết, trong 65.040 lượt tra cứu thông tin, số lượng lượt tra cứu qua tin nhắn SMS gửi tới đầu số 156 là 5.677 và qua trang web tracuutenmien.gov.vn là 59.363. Trong đó, có tới 69% các tên miền được tra cứu thuộc nhóm tên miền quốc tế. “Điều này cũng phản ánh rất khách quan thực trạng các đối tượng thường sử dụng tên miền quốc tế để thiết lập các website nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật”, bà Trần Thị Thu Hiền đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) an toàn và vững bền, các hệ thống trí tuệ tăng cường kết hợp trí tuệ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo, Chính phủ sử dụng AI phục vụ tốt nhất cho công dân... là những vấn đề thời sự toàn cầu được các nhà khoa học quốc tế thảo luận tại hội thảo diễn ra sáng nay 11.1.