(GLO)- Những năm qua, công tác thông tin tuyên truyền về phòng-chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Gia Lai được quan tâm triển khai. Việc làm này đã góp phần tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, sự đồng thuận trong xã hội đối với công tác phòng-chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Việc học tập, quán triệt, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác phòng-chống tham nhũng được tỉnh ta đặc biệt chú trọng. Các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy như Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X); Kết luận số 10-KL/TW ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng-chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 17-2-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng-chống tham nhũng, lãng phí… được chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc.
Nội dung, hình thức tuyên truyền, quán triệt được chú trọng đổi mới, đảm bảo phù hợp với từng đối tượng. Việc phản ánh, thông tin kết quả xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, xã hội quan tâm; tuyên truyền các quy định của Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được thực hiện thường xuyên. Công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối, pháp luật về phòng-chống tham nhũng, tiêu cực được gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa (khóa XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Các đại biểu bấm nút phát động Cuộc thi “Tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nâng cao đạo đức cách mạng; phòng-chống tham nhũng, tiêu cực”. Ảnh: Phan Lài |
Công tác tuyên truyền trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, các cơ quan báo chí thường trú đã thực hiện tốt việc thông tin, tuyên truyền công tác phòng-chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trên các chuyên trang, chuyên mục; thường xuyên cập nhật, đăng tải tin, bài, ảnh, phóng sự về lĩnh vực nội chính, phòng-chống tham nhũng trên ấn phẩm báo in, báo điện tử, trang điện tử, ứng dụng trên thiết bị di động thông minh. Hàng năm, phóng viên báo, đài tỉnh đã tích cực bám sát cơ sở, theo dõi tình hình, thực hiện hàng trăm tin, bài phản ánh kịp thời những vấn đề, vụ việc tiêu cực, tham nhũng trên địa bàn tỉnh gây bức xúc trong dư luận. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí chú trọng tuyên truyền nhân rộng những mô hình tiêu biểu, gương điển hình trong xây dựng hệ thống chính trị, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Tỉnh đã chỉ đạo đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền thông qua hoạt động tập huấn, hội thảo, tọa đàm, các cuộc thi tìm hiểu. Từ năm 2017 đến nay, các ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 5.270 lớp, hội nghị, đợt tập huấn, lồng ghép tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng-chống tham nhũng với 443.284 lượt người tham gia; đã tổ chức 13 cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật có liên quan đến công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực. Hiện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đang triển khai cuộc thi “Tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nâng cao đạo đức cách mạng; phòng-chống tham nhũng, tiêu cực” bằng hình thức trực tuyến, dự kiến kết thúc và tổng kết vào dịp 19-8-2022. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đã biên soạn, cấp phát 147.395 tài liệu tuyên truyền phòng-chống tham nhũng, trong đó dịch 7.092 tài liệu sang tiếng Jrai, Bahnar. Công tác tuyên truyền trên các trang, cổng thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội của các cơ quan, đơn vị và của cán bộ, đảng viên được chú ý thực hiện, tạo thêm kênh thông tin nhanh chóng, thuận lợi trong tuyên truyền phòng-chống tham nhũng, tiêu cực. Ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục duy trì đưa nội dung phòng-chống tham nhũng vào chương trình giảng dạy, ngoại khóa tại các cơ sở giáo dục…
Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong cung cấp thông tin phòng-chống tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương. Ban Nội chính Tỉnh ủy và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức ký kết, thực hiện Quy chế phối hợp về công tác chỉ đạo, định hướng thông tin tuyên truyền phòng-chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, Nhân dân quan tâm được chỉ đạo triển khai chặt chẽ, có trọng tâm. Thông qua triển khai các quy chế phối hợp, các cơ quan, đơn vị đã phát huy vai trò, trách nhiệm, thường xuyên trao đổi, chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị trực thuộc tăng cường nắm bắt tình hình về những vấn đề được dư luận xã hội, báo chí phản ánh, quan tâm, bức xúc, nhất là liên quan đến công tác phòng-chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, kịp thời tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền kiểm tra, xử lý và phản hồi, làm rõ thông tin.
Việc theo dõi, rà soát, phát hiện và xử lý các nội dung sai phạm liên quan đến công tác thông tin phòng-chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện thường xuyên; đã kịp thời đề nghị cải chính, gỡ bỏ các nội dung thông tin phản ánh thiếu khách quan, toàn diện hoặc sai sự thật về công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn. Công tác đấu tranh, phản bác các hành vi lợi dụng vấn đề phòng-chống tham nhũng, lãng phí để “bôi nhọ” chế độ, chống phá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ, làm suy giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước hoặc định hướng dư luận theo chiều hướng tiêu cực được triển khai thường xuyên, xử lý kịp thời theo đúng quy định.
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh chủ trương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác đấu tranh phòng-chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí gắn với tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện việc học tập và làm theo Bác. Đồng thời, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức thông tin tuyên truyền phòng-chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phát huy tốt quy chế, chương trình phối hợp cung cấp thông tin tuyên truyền phòng-chống tham nhũng, gắn với việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của Nhân dân. Bên cạnh đó, làm tốt công tác nắm bắt tình hình tư tưởng trong nội bộ, các tầng lớp nhân dân; kịp thời phát hiện, định hướng dư luận xã hội, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội đối với chủ trương, biện pháp, kết quả xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng của cả nước và trên địa bàn tỉnh; chủ động phát hiện, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc lợi dụng một số tồn tại, hạn chế trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng để chống phá cấp ủy, chính quyền các cấp.
TỐNG THỚI MỐC