Dấu ấn Phật giáo Champa ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, dấu ấn Phật giáo Champa ngày càng thể hiện rõ nét hơn thông qua các di tích, di vật được phát hiện trong thời gian qua.

Trước tiên phải kể đến phù điêu Phật Champa Tây Nguyên đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Phù điêu này (ký hiệu C.240) được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2017, có niên đại vào khoảng thế kỷ VII-VIII. Phù điêu được phát hiện vào năm 1978 tại huyện Ayun Pa (nay là huyện Krông Pa); làm bằng sa thạch, có dạng gần giống hình chữ nhật, màu xám; cao 56,5 cm, rộng 40 cm, dày 13,5 cm.

Mặt trước phù điêu có hình tượng Phật trong tư thế tọa thiền. Đầu tượng đội mũ chóp hình cánh sen. Khuôn mặt tượng đôn hậu, hình trái xoan, cặp lông mày rậm, dài; sống mũi cao, thẳng; miệng khép, môi dày đều nhau; tai to và dài. Giữa trán tượng có dấu chấm tròn nổi nằm trong một vòng tròn.

Mặt trước Phù điêu Phật Champa Tây Nguyên. Ảnh: Xuân Toản

Mặt trước Phù điêu Phật Champa Tây Nguyên. Ảnh: Xuân Toản

Phần thân của tượng Phật để mình trần; ngực hơi nhô về phía trước; hai bờ vai rộng, nhô cao lên tạo cho thế cổ bị rụt lại nhỏ và ngắn. Các đường nét tạo tác có phần cứng, ít mềm mại.

Mặt sau của bức phù điêu là một bề mặt đá phẳng (vài chỗ đã bị vỡ), có khắc 4 dòng chữ Sanskrit. Nội dung của các ký tự này đề cập đến bài kệ Pháp thân (hay còn gọi là kệ Duyên khởi) nói về pháp thân vũ trụ đều do duyên khởi.

Bên cạnh bức phù điêu Phật Champa Tây Nguyên, Bảo tàng tỉnh cũng đang lưu giữ một phù điêu Phật khác, ký hiệu C.241, niên đại khoảng thế kỷ VI-VII. Phù điêu được chế tác bằng sa thạch, màu xanh xám, có 6 cạnh không đều nhau và 1 đỉnh nhọn theo đúng chiều đỉnh nhọn của chiếc mũ. Bia ký C.241 có kích thước dài nhất 41 cm, rộng nhất 25 cm, dày trên 8 cm, dày dưới 5 cm.

Mặt trước phù điêu chạm hình Phật tọa thiền; đầu đội mũ chóp hình cánh sen; khuôn mặt trái xoan, cân đối, đôn hậu. Mình để trần, cổ đeo chuỗi tràng hạt nhưng đường nét không rõ ràng. Mặt sau bức phù điêu có khắc các ký tự cổ nhưng không còn rõ nét.

Giáo sư Hà Văn Tấn (một nhà sử học, khảo cổ học Việt Nam) cho rằng mặt sau phù điêu có minh văn được viết bằng chữ Sanskrit với nội dung trong bài kệ Pháp thân: “Các pháp đều do nhân duyên sinh ra. Đấng Như Lai đã thuyết về nguyên nhân cũng như sự tiêu diệt chúng, chính Người, đức Đại Sa Môn đã nói như vậy”.

Ngoài 2 bức phù điêu nói trên, chùa Bửu Minh (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) đang lưu giữ bức tượng Liên hoa thủ Bồ Tát-Padmapani Lokesvara. Tượng cao 18 cm, rộng 15 cm, dày 8,5 cm; thể hiện tư thế ngồi kiết già, lưng tựa vách (dạng phù điêu nổi cao), 2 tay buông xuống đặt trên 2 chân, 2 mắt to, lồi, ngực nở, bụng nhỏ, eo thon. Niên đại của tượng vào khoảng thế kỷ IX-X. Tượng được làm bằng đá nhưng hiện tại khó có thể nhận biết rõ ràng các chi tiết.

Bệ thờ bằng sa thạch có nguồn gốc từ di tích An Phú (TP. Pleiku) mang đậm dấu ấn Phật giáo Champa. Ảnh: X.T

Bệ thờ bằng sa thạch có nguồn gốc từ di tích An Phú (TP. Pleiku) mang đậm dấu ấn Phật giáo Champa. Ảnh: X.T

Gần đây, kết quả từ cuộc thăm dò, khai quật khảo cổ ở di tích An Phú (TP. Pleiku) cũng giúp chúng ta nhận diện rõ hơn dấu ấn của Phật giáo Champa trên vùng đất Gia Lai. Theo báo cáo khoa học đợt thăm dò, khai quật năm 2024, trung tâm của hố thiêng được kè chặt bằng đá tạo vòng tròn bao bọc xung quanh và thu nhỏ dần lên trên. Giữa trung tâm ở đáy là một kết cấu hình chữ vạn, được xếp bằng 8 viên gạch.

Trên bề mặt các viên gạch hình chữ vạn có đặt các lá vàng nhỏ ở chính theo các hướng Đông-Nam-Tây-Bắc và thẳng vào trục trung tâm. Chính giữa có 1 viên gạch nhỏ đậy trên lỗ nhỏ. Trên viên gạch này có đặt 1 bông hoa 8 cánh bằng vàng, giữa lòng bông hoa đặt 1 chiếc bình nhỏ cũng bằng vàng.

Bên dưới viên gạch đậy kín ngăn nhỏ ở trung tâm có 1 lá vàng đậy kín ngăn này. Dưới đáy ngăn trung tâm có đặt những hạt đeo, mặt nhẫn được đính bằng thủy tinh, đá quý. Theo các nhà nghiên cứu thì cấu trúc trung tâm hố thiêng với 8 viên gạch được xây dựng theo quy chuẩn quy định trong kinh sách của Ấn Độ bằng tiếng Sanskrit.

Về di vật liên quan đến di tích An Phú phải kể đến bệ thờ đang lưu giữ tại nhà bà Lương Thị Yến (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku). Bệ được làm bằng sa thạch, còn tương đối nguyên vẹn, cấu trúc khá vuông vắn, kích thước cạnh dài 80-81 cm, dày 27 cm, vòi dài 18-19 cm, rộng 32-22 cm tính từ thân đến đầu vòi.

Điểm nổi bật của hiện vật này là dấu khớp gắn tượng trên mặt giống với 2 bàn chân, bên dưới là lỗ chốt. Thông tin này khá khớp với những mô tả của người Pháp vào đầu thế kỷ XX về “…một chiếc chậu tẩy thể mang một pho tượng Phật đứng bằng đồng. Nó chỉ thực sự còn 2 chân trần với những ngón chân bằng nhau”.

Ngoài di vật này, Bảo tàng tỉnh cũng đang lưu giữ 2 khối đá, khả năng là các cấu kiện của bệ thờ hoàn chỉnh với 3 phần như miêu tả trước đây: “…Chậu tẩy thể bên trên nó có tượng vuông mỗi cạnh 0,8 m; một bệ bằng đá, gồm 3 phần, cao 1 m”.

Bình Kamandalu đặt trên đóa hoa sen 8 cánh. Ảnh: Xuân Toản

Bình Kamandalu đặt trên đóa hoa sen 8 cánh. Ảnh: Xuân Toản

Các hiện vật phát hiện tại hố thiêng di tích An Phú đều mang đậm yếu tố Phật giáo Champa. Đặc biệt là lá vàng đậy kín ngăn nhỏ ở đáy trung tâm kho thiêng chứa các hiện vật bằng thủy tinh, đá quý. Lá vàng được cắt hình chữ nhật. Mặt dưới của lá vàng để trơn, mặt trên có khắc ký tự cổ Sanskrit với nội dung là bản kinh duyên khởi Phật giáo “Ye Dharma Hetuprabhaava…” (theo Anna Slaczka và William Southworth).

Bên cạnh đó còn có chiếc bình Kamandalu đặt trên đóa hoa sen 8 cánh bằng vàng và hàng chục hiện vật bằng thủy tinh, đá quý chứa trong ngăn nhỏ ở đáy trung tâm hố thiêng đều mang đậm dấu ấn nghi lễ tôn giáo ở Ấn Độ.

Mặc dù số lượng không nhiều, nhưng sự hiện diện của các di vật, di tích Champa có liên quan đến Phật cho thấy sự ảnh hưởng của Phật giáo Champa vào vùng đất Gia Lai từ khá sớm. Thông tin thêm rằng, trong thời kỳ Indrapura (875-982), Phật giáo Đại thừa ảnh hưởng mạnh mẽ vào Vương quốc Champa. Lúc này, Phật giáo gần như trở thành tôn giáo chính của cả vương triều.

Có thể bạn quan tâm

Chất trữ tình trong trường ca Xing Chơ Niếp

Chất trữ tình trong trường ca Xing Chơ Niếp

(GLO)- Trường ca Xing Chơ Niếp của dân tộc Ê Đê được sưu tầm ở vùng Krông Pa (cũng có người cho rằng đây là trường ca của người Bahnar Chăm ở Krông Pa) từ những năm 80 của thế kỷ trước, cùng thời với H’mon Đăm Noi của người Bahnar được sưu tầm ở vùng Kông Chro ngày nay.
Thương lắm, nhà Rông…

Thương lắm, nhà Rông…

Đó là một trong những ngôi nhà Rông cổ và đẹp nhất nhì xứ này còn giữ lại hầu như nguyên vẹn ét xưa cũ trên cao nguyên. Nhưng ngọn lửa đã đốt trụi những gì tinh túy nhất của làng. Ngọn lửa bốc lên cháy rực bỏng rát trong tim của mỗi người làng một nỗi đau nhưng nhức.
Báo ân trọn vẹn mùa Vu Lan

Báo ân trọn vẹn mùa Vu Lan

Nói đến Vu Lan chính là nói đến tinh thần báo hiếu báo ân, tinh thần cứu độ của đạo Phật. Nhưng báo hiếu, tri ân theo tinh thần Phật pháp không phải là sa đà cầu cúng, đốt vàng mã theo kiểu “trần sao âm vậy” như tục lệ dân gian.
Độc đáo lễ cúng kết nghĩa của người Jrai

Độc đáo lễ cúng kết nghĩa của người Jrai

(GLO)- Hiện nay, cộng đồng người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) vẫn giữ được nhiều nghi lễ độc đáo. Trong đó, lễ cúng kết nghĩa buôn làng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Lập lại “trật tự âm thanh” cồng chiêng

Lập lại “trật tự âm thanh” cồng chiêng

(GLO)- Đó là mong muốn của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) khi tham gia đứng lớp truyền dạy cách thức gò chỉnh chiêng cho hơn 80 nghệ nhân Jrai, Bahnar trên địa bàn tỉnh Gia Lai từ ngày 26-7 đến 28-8.
Thêm không gian cho cồng chiêng

Thêm không gian cho cồng chiêng

(GLO)- Dự án phòng trưng bày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hoàn thiện và đưa vào sử dụng, ngoài mục tiêu tôn vinh di sản sẽ tạo sức hút đáng kể cho du lịch địa phương.