Năm nay, Đảng ta, dân tộc ta long trọng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2020). 90 năm trong lịch sử Đảng đã nâng cao và làm rạng rỡ cho lịch sử dân tộc trong thời hiện đại. 90 năm trong truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng đã nâng truyền thống dân tộc hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước lên trình độ mới, đỉnh cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh - thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Sự chứng thực của lịch sử 90 năm
Trong 90 năm đấu tranh oanh liệt đó, đã có gần 35 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, tổ chức thực hiện, với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo nên thế và lực của cách mạng như hiện nay. Vượt qua những khó khăn, thử thách từ bên trong lẫn bên ngoài, Đảng ta đã có những bước trưởng thành mới về lý luận, đã tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm mới từ thực tiễn, đã rèn luyện thêm bản lĩnh chính trị của một Đảng duy nhất cầm quyền, giải quyết thành công nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh trong nội trị và ngoại giao, luôn giữ vững phương hướng chính trị ở những thời điểm bước ngoặt trên con đường Đổi mới - Hội nhập - Phát triển.
Đảng cũng đang nêu cao quyết tâm và tín tâm trước dân tộc và nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi tham nhũng, vượt qua tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ đảng viên và nhân dân, để làm tròn trọng trách lịch sử được giao phó, đưa sự nghiệp đổi mới tới thành công trong hội nhập để mục tiêu phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước trở thành hiện thực.
Từ việc nhìn lại một cách tổng quát lịch sử 90 năm vẻ vang của Đảng như đã nêu trên, chúng ta cần nhận thức giá trị và ý nghĩa luận điểm vô cùng sâu sắc, tinh tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Người nói, “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.
Đoàn Chủ tịch tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960). Ảnh: T.L. |
Từ luận điểm này cần phải suy nghĩ thấu đáo để nhận ra chủ kiến của Người về Đảng chính trị và xây dựng Đảng chính trị đó thực sự xứng đáng là một Đảng chân chính cách mạng, nhất là khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Từ luận điểm này, ta thấy rõ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở thực tiễn đấu tranh cách mạng Việt Nam mà suy nghĩ, tìm tòi, tổng kết nhằm phát triển lý luận kinh điển Mác xít về Đảng Cộng sản và Đảng Cộng sản cầm quyền. Đây chính là một trong những cống hiến nổi bật, một đóng góp vô giá của nhà tư tưởng Mác xít sáng tạo Hồ Chí Minh vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, làm sống động, phong phú thêm chủ nghĩa Mác - Lênin từ thực tiễn Việt Nam.
Lịch sử cầm quyền của Đảng Cộng sản mới chỉ bắt đầu từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, mới chỉ một thế kỷ nay, trong khi các đảng chính trị tư sản cầm quyền cùng với lịch sử phát triển của chủ nghĩa tư bản đã có hàng mấy trăm năm. Phát triển lý luận về Đảng Cộng sản cầm quyền của Lênin tuy rất quan trọng nhưng cũng chưa đầy đủ, vì ông chỉ sống với cách mạng xã hội chủ nghĩa, với Đảng Cộng sản cầm quyền vẻn vẹn 7 năm, từ năm 1917 đến năm 1924, rồi mất. Ông là người chú trọng xây dựng Đảng và chính quyền Xô Viết, sớm cảnh báo 3 kẻ thù nguy hiểm đối với Đảng Cộng sản và người cộng sản. Đó là “bệnh kiêu ngạo cộng sản, tệ quan liêu nhà nước và nạn hối lộ”. Không đánh bại những kẻ thù đó, sự nghiệp cách mạng, sinh mệnh của Đảng sẽ có nguy cơ thất bại, đổ vỡ. Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tư cách lãnh tụ, chủ tịch Đảng, Người đã dày công suy nghĩ những vấn đề về Đảng, đặc trưng, bản chất của Đảng, về chất lượng tổ chức đảng và đảng viên, về nội dung, phương pháp lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, về quan hệ giữa Đảng với dân, Đảng với Nhà nước và đoàn thể trong xã hội, đặc biệt là dày công giáo dục, rèn luyện đảng viên, cán bộ.
Đạo đức và đoàn kết là 2 điểm nhấn đặc biệt khi nói tới Đảng, tới chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người nói: “Chính trị cốt ở đoàn kết và thanh khiết, từ việc nhỏ tới việc lớn” và nhấn mạnh: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng, Đảng ta thật sự là vĩ đại”. Nói tới bản chất của Đảng làm nên tầm vóc vĩ đại đó, Người khẳng định: “Đảng ta là con nòi, xuất thân từ giai cấp lao động”. Đảng ra đời là một bước ngoặt vĩ đại, “chấm dứt tình hình đen tối như không có đường ra” trong suốt mấy mươi năm khi chưa có Đảng. Ảnh hưởng to lớn của sự kiện Đảng ra đời là ở chỗ nó khởi đầu cho sự thay đổi số phận của dân tộc và nhân dân.
Đảng vĩ đại mà gần gũi trong lòng nhân dân
Gắn bó sự nghiệp chiến đấu của mình với cuộc sống của nhân dân, sự phát triển của đất nước và dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta hiểu rõ “Thắng đế quốc là tương đối dễ. Thắng bần cùng và lạc hậu còn khó khăn hơn nhiều”. Đủ hiểu vì sao, ngay sau ngày tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra ngay quyết sách “chống giặc đói, chống giặc dốt và chống giặc ngoại xâm” và đường lối “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”. “Kháng chiến tất thắng để kiến quốc tất thành” mà Người đề ra cũng chỉ với một mục đích vì cuộc sống của dân. Chúng ta phải làm ngay, “làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có ở, được học hành”. Đảng vĩ đạo là vì sự nghiệp ấy. Đảng là đạo đức, là văn minh bởi đã vì dân, vì dân tộc, vì Tổ quốc mà hành động như thế, thường xuyên, nhất quán trong suốt những chặng đường cách mạng. Vào những lúc thử thách cam go, phải biết hy sinh vì quyền lợi tối cao của dân, của nước - “Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết”, dù có phải hy sinh tới tính mạng, người cộng sản cũng không nề hà.
Bác là hiện thân mẫu mực nhất của đức hy sinh ấy, là minh chứng điển hình nhất cho giá trị cao quý, sức hấp dẫn đầy thuyết phục về Đảng là đạo đức, Đảng là văn minh.
Cũng trong bài nói tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Người còn nói rõ: “Đảng vĩ đại bởi Đảng nhận lấy sứ mệnh thiêng liêng, nhiệm vụ nặng nề trước nhân dân và dân tộc, đó là một Đảng biết nêu cao trách nhiệm, một Đảng từ suy nghĩ, lo toan đến hành động chỉ một mực vì dân mà thôi: “Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên, Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hàng ngày của nhân dân”.
Cho nên, Đảng ta vĩ đại vì nó bao trùm cả nước đồng thời nó gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta. Khi nhấn mạnh “Đảng ta vĩ đại”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm rõ cái làm nên sự vĩ đại của Đảng chính là lý tưởng, mục tiêu cách mạng mà Đảng kiên trì lựa chọn, theo đuổi, là động cơ, mục đích chiến đấu của Đảng, là hành động dũng cảm, hy sinh, một lòng một dạ trung thành của lớp lớp thế hệ đảng viên với Đảng, với dân, là trách nhiệm cao cả và sự gắn bó mật thiết với nhân dân.
Một Đảng như thế, một sự nghiệp như thế được lịch sử 90 năm của Đảng, của dân tộc chứng thực. Tầm vóc vĩ đại của Đảng, của dân tộc từ khi có Đảng được tôn vinh và bảo đảm bởi sức mạnh đoàn kết không gì phá vỡ nổi giữa Đảng với Dân, bởi phẩm chất đạo đức của một Đảng chân chính cách mạng và những giá trị văn hóa của Đảng thấm nhuần trong đội ngũ của toàn Đảng, từ thế hệ tiền bối “lập Đảng lập nước”, các thế hệ lãnh đạo của Đảng qua các thời kỳ đến đội ngũ đảng viên, nhất là ở những cán bộ đảng viên ưu tú nêu cao tấm gương “tận trung với Đảng”, “tận hiếu với dân”. Đó là sức mạnh tinh thần mà cũng là sức mạnh vật chất của Đảng làm nên văn hóa của Đảng, văn minh của Đảng, uy tín và ảnh hưởng rộng lớn của Đảng trong lòng dân, trong đời sống xã hội. Lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc từ khi có Đảng đã minh chứng cho điều đó.
Tự hào về Đảng là đạo đức, là văn minh, Đảng ta hiểu rõ hơn ai hết tầm quan trọng sống còn của sức mạnh đoàn kết, nhất trí trong Đảng, của mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, của sự trong sạch vững mạnh của Đảng, của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị đối với sự tồn vong của chế độ và sinh mệnh của Đảng. Cho nên, hơn ai hết và hơn lúc nào hết, Đảng và nhân dân ta không chỉ thấy rõ sự chứng thực khách quan của lịch sử về những điều vẻ vang trong lịch sử Đảng 90 năm, mà còn thấy rõ những cảnh báo nghiêm khắc, những đòi hỏi nghiêm túc của chính lịch sử trước thực trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Không đủ sức phòng tránh và quyết tâm đẩy lùi tình trạng suy thoái nêu trên, hiểm họa và hậu quả sẽ khôn lường.
GS HOÀNG CHÍ BẢO, Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương
(Dẫn nguồn SGGOP online)