Dấn thân chữa bệnh cứu người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đi qua đủ thăng trầm của nghề y, mái tóc điểm bạc, nhiều thầy thuốc vẫn miệt mài trên con đường chữa bệnh cứu người. Họ đi đến bất kỳ nơi đâu người bệnh cần với một tinh thần y khoa dấn thân và trách nhiệm truyền “lửa nghề” cho thế hệ kế cận.

Chủ động đến với người bệnh

Sau thành công trong ca can thiệp tim bào thai đầu tiên ở Việt Nam hồi đầu năm 2024, TS-BS Đỗ Nguyên Tín, Trưởng Đơn vị can thiệp tim mạch (Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM), được đồng nghiệp trong và ngoài nước thường xuyên nhắc tới. Tuy nhiên, trong giới y khoa, ông đã nổi danh từ lâu về tài năng, sự nhiệt huyết, tận tâm với nghề nghiệp, lòng thương yêu người bệnh.

TS-BS Đỗ Nguyên Tín siêu âm tầm soát bệnh tim trong một chuyến đi khám từ thiện

TS-BS Đỗ Nguyên Tín siêu âm tầm soát bệnh tim trong một chuyến đi khám từ thiện

Với đôi tay đã thực hiện hơn 17.000 ca phẫu thuật can thiệp tim mạch trẻ em, TS-BS Đỗ Nguyên Tín được nhiều tổ chức, ngành y tế các quốc gia mời tham dự các hội nghị trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim mạch nhi, như: Philippines, Malaysia, Nepal, Pakistan, Iran... Khi được hỏi về việc nhiều nơi mời về làm việc với mức lương cao, TS-BS Đỗ Nguyên Tín chia sẻ: “Nước ngoài chắc trả lương cao nhưng giá trị của mình đâu nằm ở việc đó. Ở đây, tôi giúp được nhiều người. Ngày nào can thiệp tim mạch cho một em bé là ngày đó có một niềm vui. Mà được chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo, tôi vui hơn nhiều”.

Nhiều năm qua, cùng với đồng nghiệp là các bác sĩ trẻ tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM và Liên Chi hội Tim mạch nhi và tim bẩm sinh TPHCM, TS-BS Đỗ Nguyên Tín liên tục “xách máy lên và đi” mỗi dịp cuối tuần, đến một vùng quê xa xôi để tầm soát bệnh tim miễn phí cho trẻ nhỏ. “Tôi không bao giờ quên hình ảnh 2 đứa trẻ cõng nhau đi bộ 5-6km để được bác sĩ khám bệnh. Nụ cười và đôi mắt đó đeo đuổi tôi đến tận hôm nay”, TS-BS Đỗ Nguyên Tín tâm sự. Ý tưởng về tầm soát bệnh tim miễn phí cho trẻ nảy lên trong suy nghĩ từ khoảng năm 2012 khi qua thống kê và thực tế khám, điều trị, TS-BS Đỗ Nguyên Tín nhận thấy trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh khá đông, nhiều ca rất nặng, nhất là từ các tỉnh, thành chuyển về TPHCM.

“Nếu cứ ở bệnh viện, mình phải chờ bệnh nhân tìm đến, còn những người nghèo không lên được TPHCM, hoặc chưa từng tầm soát bệnh tim thì sao? Không ngồi chờ nữa, mình phải đi”, TS-BS Đỗ Nguyên Tín nhớ lại. Vậy là ông gom tiền túi mua chiếc máy siêu âm xách tay, khi thì đến chùa, khi thì đến trại trẻ mồ côi để tổ chức siêu âm tim miễn phí. Rồi dần dần, bạn bè, đồng nghiệp chung tay góp sức. Với vị trí Chủ tịch Liên Chi hội Tim mạch nhi và tim bẩm sinh TPHCM, ông cùng các bác sĩ trẻ đến với hàng ngàn đứa trẻ ở nơi khó khăn để khám và sàng lọc bệnh tim bẩm sinh. Điều đặc biệt là khi phát hiện ca bệnh, đoàn sẽ có kế hoạch điều trị (can thiệp, phẫu thuật) cho bệnh nhi, kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ chi phí đi lại và điều trị.

Không chỉ giúp tầm soát bệnh tim miễn phí cho trẻ em các vùng khó khăn, những chuyến đi của TS-BS Đỗ Nguyên Tín cùng đồng nghiệp còn khơi gợi tinh thần dấn thân và hướng về cộng đồng cho bác sĩ trẻ. Qua mỗi chuyến đi, tận mắt thấy sự khó khăn của bà con, các bác sĩ trẻ sẽ hiểu hơn giá trị cuộc sống, biết thương yêu và bao dung với bệnh nhân hơn.

Truyền “lửa” nghề

Từ hơn 20 năm nay, TS-BS Phan Đức Minh Mẫn (62 tuổi), nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, đã cùng các thầy và đàn anh trong nghề thường xuyên đến nhiều tỉnh thành khám bệnh, chuyển giao kỹ thuật. Và lần gần đây nhất cùng những đồng nghiệp trẻ Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM đến với Khánh Hòa để hỗ trợ điều trị cho một ca bệnh là nam thanh niên bị liệt hoàn toàn đám rối thần kinh cánh tay vì tai nạn lao động, không cử động được cánh tay.

TS-BS Đỗ Nguyên Tín (thứ 2 từ phải sang) cùng đồng nghiệp trong một ca can thiệp tim mạch

TS-BS Đỗ Nguyên Tín (thứ 2 từ phải sang) cùng đồng nghiệp trong một ca can thiệp tim mạch

Sau khi hội chẩn kỹ lưỡng, ê kíp Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiến hành chuyển ghép thần kinh C7 đối bên vào thần kinh giữa (phục hồi vận động cổ tay, bàn tay), chuyển ghép thần kinh liên sườn vào thần kinh cơ bì qua mảnh ghép thần kinh sural (phục hồi vận động gập khuỷu), chuyển thần kinh XI vào thần kinh trên vai (phục hồi vận động nâng vai). Phẫu thuật viên chính của ca mổ dài 6 giờ đồng hồ là TS-BS Phan Đức Minh Mẫn. “Thật sự đó là một ca cân não, đòi hỏi cực kỳ cao về kỹ thuật. Bệnh nhân quá trẻ càng khiến ê kíp quyết tâm vì liên quan đến tương lai của chàng trai”, TS-BS Phan Đức Minh Mẫn cho biết.

Thực tế, những ca phẫu thuật nhiều giờ đồng hồ không làm khó TS-BS Phan Đức Minh Mẫn, vì ông là chuyên gia trong lĩnh vực vi phẫu. Ông đã từng nối liền thành công bàn tay bị đứt lìa cho bé trai 1 tuổi ở Bình Dương vào năm 2019. Trong 8 giờ phẫu thuật, ông cùng đồng nghiệp đã cắt lọc, khâu nối gân cơ, thần kinh cho bàn tay bé xíu. “Những ca vi phẫu nối chi đứt lìa thường diễn ra vào đêm khuya hoặc rạng sáng, đòi hỏi sự tập trung cực kỳ cao, chính xác từng ly, nhưng thành quả không thấy ngay được. Nếu sau mổ, vết thương bị nhiễm trùng, phần chi nối bị “chết” thì công sức cả ê kíp sẽ đổ sông đổ bể. Thậm chí, phải chờ một năm sau bệnh nhân tái khám, bàn tay đảm bảo chức năng thì mới xem là thành công. Nhưng nếu bác sĩ nản lòng, bàn tay không nối lại được, đứa trẻ sẽ chịu cảnh tật nguyền suốt đời”, TS-BS Phan Đức Minh Mẫn nói.

Giữ lửa nghề hàng chục năm qua, TS-BS Phan Đức Minh Mẫn càng say mê hơn trong việc truyền lửa. Ông gọi việc chuyển giao kỹ thuật đơn giản chỉ là “chia sẻ kinh nghiệm” cho đồng nghiệp trẻ. Theo ông, nếu bác sĩ ở tỉnh vào TPHCM học tập thì chỉ đào tạo vài người một đợt, còn về tuyến dưới chuyển giao kỹ thuật sẽ huấn luyện được một ê kíp. Sự phối hợp của ê kíp có ý nghĩa quan trọng trong sự thành bại của mỗi ca phẫu thuật.

“Vốn quý nhất của bác sĩ trẻ là say nghề và nhiệt huyết. Tinh thần này sẽ giúp họ vượt qua rất nhiều khó khăn và áp lực của nghề y. Đào tạo được một ê kíp ở địa phương nghĩa là giúp được cho rất nhiều bệnh nhân ở đó. Người dân không phải đến TPHCM vất vả chờ đợi, tốn kém tiền của. Khi có ca phức tạp, chúng tôi luôn sẵn sàng về hỗ trợ, còn nếu vượt ngoài khả năng, sẽ tiếp tục tham khảo các giáo sư ở nước ngoài để giúp người bệnh”, TS-BS Phan Đức Minh Mẫn chia sẻ.

Những chuyến đi của TS-BS Phan Đức Minh Mẫn cứ thế nối dài từ tuổi trẻ cho đến khi nghỉ hưu, nhưng ông chưa có ý định dừng lại. BS CK2 Phạm Đình Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - bỏng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa) bày tỏ: Sự hỗ trợ của các thế hệ đàn anh như TS-BS Phan Đức Minh Mẫn và các thế hệ trước đã giúp cho y tế địa phương làm chủ những kỹ thuật quan trọng, nhận được sự tin tưởng của người bệnh. Đáng quý hơn, mỗi chuyến chuyển giao kỹ thuật của các chuyên gia đến từ TPHCM lại khích lệ tình yêu nghề với bác sĩ trẻ - thế hệ kế cận.

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.