(GLO)- Bước qua 75 mùa rẫy, 45 năm tuổi Đảng và hơn 10 năm làm già làng, ông Siu Hloan (làng Mook Trêl, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) được nhân dân tôn vinh là “đại thụ” nơi biên giới.
Cùng Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom Hồ Đình Kỳ, chúng tôi đến thăm nhà ông Siu Hloan. Theo lời của Bí thư Đảng ủy xã, thường buổi chiều mới gặp được già làng. Bởi, ông Siu Hloan không bận lên rẫy thì cũng đến từng gia đình trong làng để vận động, tuyên truyền bà con chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước hoặc dặn dò lũ trẻ chăm học.
Ông Siu Hloan (bìa phải) trao đổi với cán bộ xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) về kinh nghiệm tuyên truyền, vận động người dân. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Già làng Siu Hloan tham gia quân ngũ khi vừa 18 tuổi. “Mình tham gia bộ đội đánh giặc giữ làng, rồi đánh FULRO; tham gia cùng các lực lượng khác chiến đấu giúp nhân dân Campuchia trước họa diệt chủng. Nhiều người dân ở bên kia biên giới cũng là họ hàng thân thích với bà con dân làng nên phải cùng nhau đoàn kết xây dựng biên giới giàu đẹp”-ông Siu Hloan bộc bạch.
Ngoài ra, hơn 10 năm làm già làng và 15 năm làm Bí thư Chi bộ nên ông Siu Hloan rất hiểu về đời sống của bà con. Ông chia sẻ: “Làng mình có 363 hộ, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số là 131 hộ. Đầu năm, làng có 13 hộ nghèo nhưng đến nay đã giảm xuống còn 9 hộ. Làng có hơn 50 hộ có mức thu nhập gần 200 triệu đồng/hộ/năm, trong đó, người dân tộc thiểu số là 20 hộ. Nhờ cuộc sống ổn định nên bà con rất quan tâm đến việc học của con cái. Làng có 20 cháu đang học tại các trường cao đẳng, đại học”.
Trò chuyện với cán bộ xã Ia Dom, chúng tôi được họ cung cấp thêm nhiều thông tin thú vị về già làng “miệng nói tay làm” này. Đó là khi địa phương có chủ trương dời làng về khu vực hiện nay để thuận tiện cho việc lưu thông cũng như bố trí dân cư, nhiều hộ dân không muốn rời đi vì cách xa đất sản xuất và quen với cuộc sống cũ. Cũng vì thế mà ông Siu Hloan đã nhiều đêm tìm đến từng gia đình để vận động, phân tích cho họ hiểu về nơi ở mới sẽ gần trường học, mình có thể đi làm xa nhưng con em thuận tiện đến trường tìm con chữ.
Hay như để có kiến thức trồng cao su tiểu điền, ông đã đến các công ty cao su trên địa bàn nhờ hướng dẫn kỹ thuật, trồng chăm sóc. Nhờ đó, đến nay, người dân trong làng đã có hơn 50 ha cao su tiểu điền. Đặc biệt, thời gian qua, ông đã vận động dân làng cùng nhau hiến đất, đóng góp ngày công để mở rộng các tuyến đường nông thôn góp phần xây dựng Mook Trêl trở thành làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Với vai trò của mình, nhiều năm qua, già làng Siu Hloan đã phối hợp cùng Mặt trận và đoàn thể của làng làm tốt công tác bảo vệ đường biên, cột mốc, góp phần xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị. “Làng mình đã thành lập 1 tổ tự quản an ninh trật tự và 1 tổ tự quản đường biên, cột mốc; thường xuyên tuần tra để kịp thời báo với chính quyền và lực lượng chức năng xử lý các vấn đề liên quan đến khu vực biên giới. Cùng với đó, làng cũng có nhiều người thân sống bên kia biên giới nên hay thăm thân, giao lưu để cùng nhau đoàn kết xây dựng khu vực biên giới ngày càng giàu đẹp. Trong làng, nhiều năm liền không có tình trạng vượt biên”-ông Siu Hloan cho biết.
Trao đổi với P.V, Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom cho biết thêm: Ông Siu Hloan là một trong những già làng tiêu biểu của xã. Ông không chỉ gương mẫu trong mọi công việc mà còn tích cực vận động dân làng thực hiện tốt các quy định của pháp luật. Đặc biệt là đoàn kết cùng nhau giữ gìn đường biên, cột mốc, tăng cường giao lưu với bà con bên kia biên giới để xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị và cùng nhau phát triển.
VĨNH HOÀNG