(GLO)- Không chỉ nỗ lực vượt khó vươn lên trong phát triển kinh tế, nhiều cựu chiến binh huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) còn giúp đồng chí, đồng đội về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất để thoát nghèo và làm giàu.
Vượt khó làm giàu
Ấn tượng của chúng tôi khi đến tham quan mô hình kinh tế của cựu chiến binh (CCB) Trương Đình Hưng (thôn An Hòa, xã Phú An) là sự đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi. Gia đình ông Hưng có 4 ha keo, bạch đàn; 6 sào lúa 2 vụ và 1 ha cây ăn quả các loại; 4 sào xây dựng chuồng trại nuôi heo rừng và bò. Ngoài ra, ông còn sở hữu hàng ngàn cây mai để bán trong dịp Tết. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu 300 triệu đồng/năm. Ông Hưng bày tỏ: “Theo tôi, ngoài chăm chỉ còn phải nỗ lực tìm tòi học hỏi kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi và mạnh dạn đưa các giống mới cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, chăn nuôi mới có hiệu quả”.
Tương tự, CCB Thái Văn Chính (thôn Tân Định, xã Tân An) cũng được nhiều người biết đến với tinh thần vượt khó trong phát triển kinh tế. Năm 1992, sau khi nghỉ hưu, gia đình ông chuyển đến thôn Tân Định sinh sống. Lúc mới đến, đất đai chưa có, gia đình ông vừa phải đi làm thuê, vừa khai hoang và cứ có thu nhập lại mua thêm đất để phát triển sản xuất. Đến nay, ông sở hữu 1,5 ha đất trồng cỏ để nuôi 150 con dê; 2,5 ha ổi, chanh tứ quý và rau màu. Mỗi năm, ông thu 150 triệu đồng.
Ông Thái Văn Chính (thôn Tân Định, xã Tân An) có thu nhập ổn định nhờ chăn nuôi dê. Ảnh: Nhật Hào |
Cũng chọn mô hình kinh tế tổng hợp, CCB Võ Dự (thôn Hiệp An, xã Cư An) có 2,5 ha keo, bạch đàn cùng các loại cây ăn quả và ao cá. Ngoài ra, ông còn trồng thêm mai, cúc để bán trong dịp Tết. Mỗi năm, gia đình ông lãi hơn 100 triệu đồng. Ông Dự bộc bạch: “Làm nông thường đối diện với tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Do đó, tôi chọn mô hình đa cây, đa con để khi giá cả bấp bênh còn có cây trồng khác hỗ trợ nhằm tránh rủi ro và ổn định thu nhập”.
Nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực
Ông Bùi Hữu Đen-Chủ tịch Hội CCB huyện Đak Pơ-cho biết: Toàn huyện có 955 hội viên CCB. Thời gian qua, Hội đã phát triển được 11 trang trại VAC có quy mô 4-20 ha; 43 gia trại 1-3 ha; 2 tổ liên kết sản xuất và thu mua nông sản; 5 dịch vụ nhà hàng ăn uống; 4 đại lý vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật và 5 cửa hàng tạp hóa tổng hợp do hội viên làm chủ. Nhiều CCB có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Từ năm 2016 đến nay, Hội có 136 hội viên thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều.
Trong 5 năm (2016-2021), Hội đã phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tạo điều kiện cho 297 hội viên vay vốn; vận động hội viên đóng góp quỹ nội bộ được 930 triệu đồng, giúp cho 42 hộ vay với lãi suất thấp. Bên cạnh đó, Câu lạc bộ “CCB sản xuất kinh doanh giỏi” cho 6 hội viên vay 191 triệu đồng. Ngoài ra, các hội viên tổ chức nhiều hoạt động tình nghĩa như: giúp 691 ngày công làm nhà ở; xây nhà tiêu hợp vệ sinh; cho nhau mượn 142 tấn mía giống, 25 tấn hom mì, 6,5 tấn lúa giống, 8,22 tấn bắp giống, 13 con bò nuôi rẽ, 22 con dê sinh sản, 8,5 tấn phân bón và 6,5 ha đất để sản xuất. Bên cạnh đó, các hội viên đã hiến 15.865 m2 đất, tham gia 2.177 ngày công, đóng góp trên 295 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng và mắc điện chiếu sáng.
“Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Cùng với đó, nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả; khuyến khích cán bộ, hội viên hỗ trợ nhau về vốn, giống, kỹ thuật cũng như phối hợp hỗ trợ hội viên tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất”-ông Bùi Hữu Đen thông tin.
NHẬT HÀO