Cựu chiến binh An Khê năng động trong phát triển kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với tinh thần “cựu nhưng không cũ”, Hội Cựu chiến binh (CCB) thị xã An Khê đã vận động hội viên tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no.

Ông Phạm Ngọc Ánh-Chủ tịch Hội CCB thị xã An Khê-cho hay: Năm 2022, Hội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã triển khai trồng thực nghiệm 5 ha dổi tại xã Thành An, Song An và phường Ngô Mây. Đây là loại cây mang lại lợi ích kép về mặt kinh tế khi vừa khai thác hạt, vừa khai thác gỗ.

“Sau khi khảo sát thực tế, chúng tôi chọn 4 hội viên tham gia trồng thực nghiệm. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hỗ trợ cây giống, phân bón trong 3 năm đầu tiên. Hiện nay, diện tích dổi trồng tại xã Song An đã bắt đầu ra bông. Nếu mô hình thực nghiệm thành công, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích”-ông Ánh nói.

Phó Chủ tịch Hội CCB xã Tú An Hồ Văn Hay trồng cây dổi trên đất đồi để tạo nguồn sinh kế bền vững. Ảnh: S.C

Phó Chủ tịch Hội CCB xã Tú An Hồ Văn Hay trồng cây dổi trên đất đồi để tạo nguồn sinh kế bền vững. Ảnh: S.C

Song song với đó, Hội CCB thị xã vận động, hỗ trợ cây dổi giống cho ông Hồ Văn Hay-Phó Chủ tịch Hội CCB xã Tú An để trồng thực nghiệm tại vùng đất đồi.

Chia sẻ kinh nghiệm sau hơn 2 năm trồng dổi, ông Hay cho biết: “Tôi trồng 5 sào dổi vừa để chống sạt lở, vừa tạo nguồn thu nhập sau này. Khi cây còn nhỏ, tôi trồng xen thêm đậu đỗ để tăng độ ẩm, cải tạo đất. Đến năm thứ 5, cây dổi sẽ cho hạt để làm gia vị, làm thảo dược. Khi cây trưởng thành thì khai thác gỗ. Mỗi năm, tôi làm bồn và bón 2 đợt phân. Nếu có nước tưới đều thì cây sẽ phát triển tốt hơn, nhanh cho khai thác hạt hơn”.

Bên cạnh tự chủ nguồn lực kinh tế gia đình, các hội viên Câu lạc bộ CCB sản xuất kinh doanh giỏi thị xã còn đóng góp xây dựng quỹ hỗ trợ lẫn nhau. Hàng tháng, mỗi thành viên tự nguyện góp để hình thành nguồn quỹ hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất.

Ông Trịnh Đăng Cam (Hội CCB xã Thành An) đã tận dụng diện tích đất sẵn có của gia đình để trồng mía, trồng lúa, vừa nuôi bò, gà, bồ câu để có nguồn thu nhập ổn định. Ngay trên đất vườn nhà, ông còn trồng thêm một số cây ăn quả như nhãn, xoài, mít, kết hợp trồng các loại rau màu ngắn ngày.

Ông Ánh thông tin: “Hội CCB thị xã có 1.157 hội viên. Hội đã thành lập Câu lạc bộ CCB sản xuất kinh doanh giỏi với 94 thành viên. Phát huy tinh thần tiên phong gương mẫu, đi đầu thực hiện các phong trào, cuộc vận động, Hội đã tích cực triển khai các phong trào CCB thi đua giúp nhau làm kinh tế giỏi, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, hỗ trợ hội viên cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả, khuyến khích hội viên phát triển mô hình kinh tế gia trại, trang trại. Nhờ đó đã nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho gia đình CCB”.

Tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ, hội viên Cựu chiến binh xã Thành An phát triển kinh tế nông nghiệp tăng thu nhập, ổn định đời sống. Ảnh: Sơn Ca

Tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ, hội viên Cựu chiến binh xã Thành An phát triển kinh tế nông nghiệp tăng thu nhập, ổn định đời sống. Ảnh: Sơn Ca

Trao đổi với P.V, bà Trần Thị Thủy Tiên-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã An Khê-cho biết: “Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách ủy thác qua Hội CCB được chuyển tải đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Dư nợ tín dụng ủy thác thông qua Hội CCB đạt 47,4 tỷ đồng/888 hộ vay, chiếm 16,7% tổng dư nợ ủy thác. Đi đôi với tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng ủy thác qua Hội CCB được nâng cao, không có nợ quá hạn”.

Cũng theo Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã, thông qua công tác phối hợp kiểm tra, giám sát tại cơ sở cho thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách được hộ vay chuyển dịch linh hoạt hiệu quả vào đời sống, kinh tế bằng các mô hình sản xuất đa canh tạo thu nhập thường xuyên, ổn định.

Nhiều hội viên CCB là gương điển hình tiên tiến sản xuất kinh doanh giỏi cũng là tổ trưởng tổ vay vốn đã tích cực hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy phong trào sản xuất, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.