Công ty TNHH MTV cao su Mang Yang bán tài sản xong mới đấu giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vừa qua, Báo Gia Lai tiếp nhận đơn phản ánh của người dân về việc nhiều diện tích cao su tại Nông trường Đoàn Kết (Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang) đã khai thác bán gỗ, củi trước khi tổ chức đấu giá vườn cây thanh lý.

Theo hồ sơ, ngày 27-3-2023, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có Công văn số 607/CSVN-KHĐT gửi Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang về việc thỏa thuận giá bán khởi điểm và phương thức bán cây cao su thanh lý để thực hiện tái canh năm 2023 của đơn vị.

Công văn nêu rõ: Căn cứ Quyết định số 311/QĐ-HĐTVCSVN của Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam về việc ban hành quy chế bán gỗ cao su thanh lý của các công ty cao su thuộc Tập đoàn; Công văn số 417/HĐQTCSVN-KHĐT về việc yêu cầu bổ sung thực hiện quy chế bán gỗ cao su thanh lý của các công ty cao su thuộc Tập đoàn. Xét Tờ trình số 12/TTr-HĐYVCSVN ngày 12-2-2023 của Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang về việc phê duyệt giá bán khởi điểm và phương thức bán vườn cây cao su thanh lý năm 2023 (332,21 ha); thực hiện theo Quyết định số 30/QĐ-HĐQTCSVN ngày 7-2-2023 của Tập đoàn về việc thanh lý vườn cây cao su để thực hiện công tác tái canh năm 2023. Theo Chứng thư thẩm định giá số 02901.8/2023/CT-VAAE/CNHN ngày 12-1-2023 của Chi nhánh Hà Nội-Công ty cổ phần Giám định và Thẩm định tài sản Việt Nam về việc thẩm định giá tài sản thanh lý là vườn cây cao su thanh lý (332,21 ha) của Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang…

Tập đoàn thỏa thuận việc thanh lý bán gỗ, củi cao su để thực hiện công tác tái canh năm 2023 của Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang với diện tích 332,21 ha, tổng số cây thanh lý là 133.247 cây, trữ lượng gỗ 44.982,33 ster, củi 8.996,47 ster; tổng giá trị khởi điểm hơn 32,3 tỷ đồng, quy ra giá bình quân gỗ là 700 ngàn đồng/ster, củi là 100 ngàn đồng/ster hay 243.062 đồng/cây, 97.490.380 đồng/ha. Phương thức bán đấu giá công khai, rộng rãi. Giao Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang căn cứ tình hình thực tế để chủ động xác định quy mô gói đấu giá phù hợp, đảm bảo nâng cao hiệu quả của việc tổ chức đấu giá theo đúng trình tự và quy định pháp luật.

Một doanh nghiệp đang thu dọn gỗ cao su và xay cành để làm chất đốt (ảnh chụp ngày 12-4, trước khi có phiên đấu giá). Ảnh: Lê Nam

Một doanh nghiệp đang thu dọn gỗ cao su và xay cành để làm chất đốt (ảnh chụp ngày 12-4, trước khi có phiên đấu giá). Ảnh: Lê Nam

Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang đã mở gói thầu số 2 vườn cây cao su thanh lý tại Nông trường Bờ Ngoong (huyện Chư Sê), Nông trường Đoàn Kết (huyện Đak Đoa) với tổng diện tích 127,71 ha, tổng số cây thanh lý 50.130 cây, tổng trữ lượng gỗ 15.738,22 ster, tổng trữ lượng củi 3.147,65 ster với giá khởi điểm 11.331.519.000 đồng, do Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam (6/4 Mạc Thái Tổ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) tổ chức đấu giá tài sản. Theo đó, ngày 10-4-2023, Công ty Đấu giá Hợp danh Bắc Trung Nam có Thông báo số 401-02/TB-BTN về việc đấu giá tài sản. Thời gian bắt đầu đấu giá từ 14 giờ 30 phút ngày 24-4-2023 và kết thúc lúc 15 giờ 10 phút ngày 24-4-2023. Hình thức đấu giá trực tuyến và bước giá là 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, qua phản ánh của người dân và tìm hiểu của P.V Báo Gia Lai thì nhiều diện tích cao su thuộc gói thầu số 2 tại Nông trường Đoàn Kết mặc dù ngày 24-4-2023 mới tổ chức đấu giá nhưng trước đó đã có một số đơn vị khai thác xong diện tích này tại khu vực xã Hneng, huyện Đak Đoa. Vườn cây thanh lý đã được cắt và dọn sạch sẽ. Thậm chí, người thuê đất trồng trong vườn cao su tái canh cũng đã chuẩn bị đất để trồng cây ngắn ngày.

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao khi chưa tổ chức đấu giá và chưa có kết quả đấu giá đã có đơn vị tiến hành khai thác? Có hay không sự thiếu minh bạch, rõ ràng trong công tác tổ chức đấu giá?

Một doanh nghiệp thuê người dân thu dọn rễ cây cao su đã khai thác từ lâu để chuẩn bị trồng cây trong vườn tái canh (Ảnh chụp ngày 25-4), sau một ngày diễn ra phiên đấu giá. Ảnh: Lê Nam

Một doanh nghiệp thuê người dân thu dọn rễ cây cao su đã khai thác từ lâu để chuẩn bị trồng cây trong vườn tái canh (Ảnh chụp ngày 25-4), sau một ngày diễn ra phiên đấu giá. Ảnh: Lê Nam

Ngày 20-12-2022, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam tổ chức phiên đấu giá trực tuyến công khai thanh lý vườn cao su hết hạn khai thác với tổng diện tích 126,47 ha/56.318 cây. Tham gia buổi đấu giá trực tuyến có 15 đơn vị, doanh nghiệp đủ điều kiện. Thời gian đấu giá 60 phút, mức giá khởi điểm hơn 20,5 tỷ đồng. Kết thúc phiên đấu giá, Công ty TNHH Thương mại vận tải Phước Thịnh Phát Gia Lai (xã Ia Băng, huyện Chư Prông) đã trúng đấu giá với số tiền hơn 35,6 tỷ đồng.

Trao đổi với P.V liên quan đến việc khai thác cây cao su thanh lý, ông Trương Ngọc Chiến-Giám đốc Nông trường Đoàn Kết-cho biết: Diện tích thanh lý cây cao su tại khu vực xã Hneng thuộc các lô 16, 22, 23 và 24. Những diện tích này đã cắt từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

“Nhiệm vụ của chúng tôi chỉ biết quản lý vườn cây, điều hành nhân công, còn thủ tục đấu giá thanh lý vườn cây là của Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang. Để rõ hơn vấn đề này, các anh liên hệ trực tiếp với Công ty”-ông Chiến nói.

Nếu đúng như lời ông Chiến thì vườn cây này đã được khai thác bán trước khi được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho phép.

Khi được hỏi về vấn đề này, ông Trương Minh Tiến-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang-xác nhận: Ngày 24-4-2023, Công ty mới tổ chức đấu giá gói thầu để thanh lý vườn cây cao su tại khu vực xã Hneng, huyện Đak Đoa.

Lý giải việc chưa tổ chức đấu giá mà đã khai thác vườn cây thanh lý, ông Tiến cho rằng: “Tất nhiên trong quá trình làm thì nó có thế này thế kia, chưa chuẩn là đúng. Anh em có làm “chút đỉnh” trước (diện tích khai thác trước) đó thì cũng trúng luôn. Hiện nay tài sản đó đã là của họ”.

Vườn cao su thuộc Nông trường Đoàn Kết tại khu vực xã Hneng đã được cắt hết (cảnh chụp ngày 12-4) trước thời điểm diễn ra phiên đấu giá thanh lý tài sản. Ảnh: Lê Nam

Vườn cao su thuộc Nông trường Đoàn Kết tại khu vực xã Hneng đã được cắt hết (cảnh chụp ngày 12-4) trước thời điểm diễn ra phiên đấu giá thanh lý tài sản. Ảnh: Lê Nam

Như vậy, cần phải làm rõ trong quá trình triển khai đấu giá cây cao su thanh lý để thực hiện tái canh năm 2023 của Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang vì sao chưa tổ chức đấu giá đã cho đơn vị vào khai thác? Trách nhiệm thuộc về ai và việc đấu giá tài sản có công khai, minh bạch chưa? Bởi lẽ, gói thầu số 2 vườn cây cao su thanh lý tại Nông trường Bờ Ngoong, Nông trường Đoàn Kết với tổng diện tích 127,71 ha, giá khởi điểm 11.331.519.000 đồng, do Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam tổ chức đấu giá tài sản nhưng kết quả trúng đấu giá là 11.431.519.000 đồng (tăng 100 triệu đồng, tương đương 1 bước nhảy giá trong phiên đấu giá).

Có thể bạn quan tâm

Bác sĩ Nguyễn Quang Khôi (Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi tỉnh) thăm hỏi một trường hợp bị thương do tai nạn pháo nổ. Ảnh: N.N

Cảnh báo tai nạn do pháo nổ

(GLO)- Hơn 1 tháng trở lại đây, Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu do tai nạn pháo nổ, trong đó có bệnh nhân được đưa đến cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương. Hầu hết các trường hợp bị thương tích là do tự chế pháo và đốt pháo.

Kê biên 40 bất động sản, tạm giữ 50 tỷ đồng trong vụ Công ty Trung Hậu 68

Kê biên 40 bất động sản, tạm giữ 50 tỷ đồng trong vụ Công ty Trung Hậu 68

Với 294 tỷ đồng hưởng lợi bất chính từ khai thác cát, Chủ tịch Công ty Cổ phần đầu tư Trung Hậu 68 đã chỉ đạo "rửa tiền" phục vụ mục đích chi tiêu cá nhân như mua nhiều xe sang, nhà đất. Cơ quan điều tra đã thu giữ hơn 50 tỷ đồng, kê biên 40 bất động sản đảm bảo công tác thi hành án.