Hỗ trợ nguồn lực đầu tư trồng rừng
Nhằm nghiên cứu, khai thác tín chỉ carbon từ rừng trồng, Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree phối hợp với các chuyên gia châu Âu đã tiến hành khảo sát thực địa diện tích đất lâm nghiệp, công tác trồng rừng tại các ban quản lý, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh để lập hồ sơ dự án trồng mới.
Theo đánh giá của đoàn khảo sát, tại lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ quản lý còn một số diện tích đất trống, đồi trọc có tiềm năng liên kết trồng rừng.
Ông Nguyễn Tất Thành-Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ-cho rằng: Nguồn vốn đầu tư trồng rừng từ ngân sách còn hạn hẹp nên việc xã hội hóa các dự án trồng rừng là rất cần thiết. Nếu dự án của Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree thực hiện theo đúng cam kết sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho đơn vị chủ rừng, người dân cũng như đối với việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Đặc biệt, việc nhà đầu tư tham gia trồng rừng không chỉ góp phần tăng thêm diện tích rừng trồng, phủ xanh diện tích đất rừng nhưng chưa có rừng mà còn kết hợp khai thác tín chỉ carbon từ rừng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hùng-Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang cho biết: Nếu doanh nghiệp cam kết hỗ trợ chi phí trồng rừng, tài trợ chuyên gia khảo sát và tiến hành thu mua tín chỉ carbon từ rừng với giá 10 USD/tấn CO2 thì đơn vị chủ rừng và người dân sẽ có thu nhập tăng thêm, giúp nâng cao đời sống từ việc trồng rừng.
“Hiện nguồn kinh phí chi trả từ dịch vụ môi trường rừng phục vụ công tác quản lý và bảo vệ rừng còn khó khăn. Nếu có doanh nghiệp chung tay trồng rừng và có đánh giá tín chỉ carbon thì rất thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, đơn vị chủ rừng và người dân được hưởng lợi”-ông Hùng nói.
Sau khi khảo sát thực tế, Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree đang tiến hành lập hồ sơ trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến sinh tự nhiên và lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng.
Ông Lê Thanh Tùng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree-thông tin: Tổng hợp diện tích mà đơn vị có thể đầu tư là 155.000 ha. Trong đó, có 27.000 ha đất trống, 53.000 ha rừng trồng và 75.000 ha rừng nghèo tái sinh.
Dự kiến về sản lượng carbon khoảng 15-30 tấn CO2/ha/năm, được chia theo từng giai đoạn. Cụ thể, 5 năm đầu, 10 năm, 20 năm tiếp theo, sự suy giảm carbon từ 35 năm đến 50 năm (do thời điểm này cây già và chết dần).
Ông Lê Thanh Tùng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree: Việc bán tín chỉ carbon rừng sẽ giúp tăng thu nhập cho doanh nghiệp thông qua nguồn thu từ kết quả giảm phát thải. Với hồ sơ năng lực cùng kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực phát triển các dự án tín chỉ carbon tại các địa phương có rừng trong nước, Công ty sẽ nỗ lực thực hiện dự án mới tại địa bàn tỉnh Gia Lai.
“Khi triển khai dự án, chúng tôi cam kết đầu tư trồng rừng không thu hồi lại vốn đã giải ngân cho người dân trồng rừng hoặc các chủ rừng, các đơn vị phát triển rừng (việc thu hồi vốn, hoàn vốn là trong dài hạn, sinh lợi từ tín chỉ carbon đem lại).
Đồng thời, không thu hồi chi phí tư vấn các nhà khoa học châu Âu lập hồ sơ, chi phí chứng nhận tín chỉ carbon các tổ chức quốc tế và cũng không yêu cầu các địa phương cho Công ty thuê đất hoặc sở hữu việc sử dụng đất.
Chúng tôi chỉ cần có hành lang pháp lý ràng buộc giữa công ty với đơn vị trồng trong việc quản lý, chăm sóc và bảo vệ rừng”-ông Tùng nêu quan điểm.
Thống nhất chủ trương lập dự án
Theo kết quả công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2023, tổng diện tích đất có rừng của tỉnh Gia Lai là gần 650 ngàn ha. Trong đó, rừng tự nhiên trên 478,6 ngàn ha, rừng trồng trên 156,4 ngàn ha và rừng trồng chưa thành rừng trên 14,8 ngàn ha. Gia Lai có diện tích rừng lớn nhất khu vực Tây Nguyên và thứ 4 cả nước. Đây là tiềm năng lớn để tỉnh phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng.
Tuy nhiên, tín chỉ carbon là vấn đề mới, mang tính chất cam kết giao dịch quốc tế, chưa có các quy định cụ thể của pháp luật Việt Nam. Do vậy, sau khi Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành hướng dẫn về tín chỉ carbon rừng, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan và lấy ý kiến của các cơ quan chuyên ngành tham mưu, đề xuất UBND tỉnh theo quy định.
Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh cơ bản thống nhất chủ trương thí điểm lập hồ sơ trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên và lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp, đây là nội dung mới, phạm vi triển khai rộng, thời gian kéo dài. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tiến hành rà soát hồ sơ, tham mưu UBND tỉnh đúng các quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
Đồng thời, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các đơn vị có liên quan, tham khảo ý kiến các cơ quan quản lý chuyên ngành để xác định năng lực tài chính, kinh nghiệm trong việc triển khai của các đơn vị được đề xuất thực hiện chủ trương thí điểm trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng. T
rong đó, đề xuất cụ thể thời điểm kết thúc việc khảo sát, lập đề án thí điểm và nội dung đề xuất phải có sự thống nhất của các sở, ngành, đơn vị liên quan. Mặt khác, tất cả chi phí liên quan đến việc khảo sát, lập đề án do các đơn vị được cho khảo sát tự chi trả, không sử dụng ngân sách để chi trả cho các nội dung có liên quan (kể cả trường hợp hồ sơ khảo sát không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận).
Trao đổi xung quanh vấn đề này, Tiến sĩ Hà Thăng Long-Trưởng Văn phòng Hội Động vật Frankfurt tại Việt Nam-nhận định: Nếu có hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng thì việc thương mại hóa tín chỉ carbon rừng có tiềm năng vô cùng lớn. Trong khi chờ cơ chế thì việc trồng rừng đánh giá tín chỉ carbon cần cẩn trọng tính khả thi dự án đầu tư, thủ tục pháp lý và tìm hiểu sâu hơn về nguồn vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, cần có kế hoạch, lộ trình để đưa ra những giải pháp lâu dài, bền vững trong việc chia sẻ lợi ích với người dân trong việc thương mại hóa tín chỉ carbon rừng trồng.
Tại Gia Lai, các quy định mới của pháp luật đã tháo gỡ được những “điểm nghẽn”, tạo không gian pháp lý cho lâm nghiệp, các chủ rừng điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững để triển khai được nhiều các hoạt động kinh tế, giải quyết sinh kế trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Việc thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm triển khai các dự án trồng rừng; nâng cao chất lượng rừng tự nhiên bằng các biện pháp lâm sinh như cải tạo rừng, khoanh nuôi tái sinh, nuôi dưỡng rừng, làm giàu rừng. Từng bước tiếp cận triển khai tín chỉ carbon để khai thác tiềm năng, lợi thế lớn của tỉnh trong tăng trưởng xanh.