Tại Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh, mủ cao su từ vùng nguyên liệu có chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn VFCS/PEFC-FM sẽ được sản xuất theo quy trình xanh từ bước chọn giống, trồng, chăm sóc, khai thác và tái canh.
Theo đó, Công ty hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giữ lại thảm thực vật để giữ ẩm vườn cây và hạn chế xói mòn đất. Sau khi khai thác, mủ cao su sẽ được đưa vào sản xuất khép kín theo quy trình từ khâu tiếp nhận nguồn nguyên liệu đến xe chuyên dụng chở mủ cao su.
Từ công đoạn sản xuất, chế biến cho đến thành phẩm và chuyển giao cho khách hàng đều được đánh dấu nhận diện đúng quy định của chuỗi hành trình sản phẩm theo PEFC/CoC. Công ty phấn đấu trên 6.137,95 ha trong tổng số gần 10.000 ha cao su trong nước được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững. Đây là cơ sở rất quan trọng để thực hiện đồng bộ quy trình sản xuất xanh cho sản phẩm mủ cao su.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình-Phó Giám đốc Nông trường Cao su Ia Nhin-cho biết: Đơn vị được công nhận chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho toàn bộ diện tích 1.234 ha.
“Hàng năm, chúng tôi tổ chức tập huấn cho công nhân nắm rõ về an toàn vệ sinh lao động ngoài vườn cây, phân loại mủ nguyên liệu để đưa về nhà máy đảm bảo đúng quy trình theo VFCS/PEFC (quản lý rừng bền vững) và PEFC/CoC (chuỗi hành trình sản phẩm).
Khi được vào hệ thống phát triển rừng bền vững thì chúng tôi phải đảm bảo môi trường sống xanh, khu vực sản xuất luôn sạch sẽ, sử dụng thuốc phải đảm bảo những hoạt chất sinh học tốt nhất để không ảnh hưởng đến người lao động, dân cư địa phương; đặc biệt là động-thực vật trong khu vực vườn cây. Đó là những điểm mới khi đơn vị tham gia vào hoạt động quản lý rừng bền vững”-bà Bình thông tin.
Chị Trịnh Thị Hiệu-Công nhân tổ 11 (Nông trường Cao su Ia Nhin) chia sẻ: “Từ khi được công nhận chứng chỉ quản lý rừng bền vững, chúng tôi được tập huấn an toàn vệ sinh lao động, được hướng dẫn thế nào là sản xuất sạch gắn liền với bảo vệ môi trường.
Chúng tôi còn được hướng dẫn cách phân loại mủ nguyên liệu vườn cây nên hàm lượng mủ cao hơn, chất lượng mủ nguyên liệu tốt hơn. Nhờ vậy mà thu nhập của công nhân tăng lên, đời sống được đảm bảo”.
Bên cạnh áp dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001, ISO 14001, hợp chuẩn sản phẩm mủ theo TCVN 3769, các chứng nhận quản lý rừng bền vững theo VFCS/PEFC và sản xuất sản phẩm tuân theo chuỗi hành trình sản phẩm PEFC/CoC, Công ty còn đẩy mạnh đầu tư cải tiến công nghệ trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường. Trong đó, áp dụng công nghệ Biomass sử dụng nhiệt hóa hơi trong chế biến sản phẩm thay thế cho dầu DO nhằm cải thiện chất lượng không khí.
Bên cạnh đó, việc tận dụng lượng nước mưa, nước thải từ quá trình chế biến mủ cao su cũng được xử lý đạt chuẩn để tái sử dụng cho hoạt động sản xuất, vừa giảm được chi phí, tiết kiệm nguồn tài nguyên lại không gây ô nhiễm môi trường.
Cao su Chư Pah trao 3 căn nhà "Mái ấm Công đoàn" cho công nhân khó khăn
Cao su Chư Păh tặng 83 suất quà cho các gia đình chính sách dịp 27-7
Để thực hiện việc phát triển xanh, bền vững, Công ty phải tốn chi phí khá lớn. Tuy vậy, đây là sự đầu tư cho tương lai và đơn vị cũng xác định dựa vào các yếu tố bền vững để thúc đẩy doanh thu, lợi nhuận trong dài hạn nhằm nâng cao giá trị thương hiệu.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Tổng Giám đốc Công ty Huỳnh Thị Nga cho biết: Để hướng tới mô hình xanh, Công ty luôn đảm bảo trong quá trình sản xuất phải tuân theo 3 tiêu chuẩn: môi trường, kinh tế và đóng góp cho cộng đồng. Chúng tôi nhận thấy rằng việc hướng tới sản phẩm xanh là xu thế tất yếu.
Cùng với đó, hàng năm, Công ty cũng đã đầu tư hàng tỷ đồng cho công tác quản lý và bảo vệ môi trường, đầu tư cho các vấn đề an sinh xã hội. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát các quy trình của đơn vị để khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm hoàn thiện tốt hơn quy trình sản xuất xanh.