Công trình của ý Đảng và lòng dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong không khí hân hoan của những ngày đầu xuân mới, sáng 1-2, tại cánh đồng làng Vơng Chép (xã Ayun), huyện Chư Sê tổ chức lễ ra quân xuống đồng đón nước công trình thủy lợi Plei Keo sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020. Đây là vụ sản xuất Đông Xuân đầu tiên trên địa bàn xã từ trước tới nay. Việc chuyển đổi gieo trồng lúa 1 vụ sang 2 vụ hứa hẹn mở ra một cuộc sống mới ấm no cho bà con ở vùng đất khó Ayun.
Về dự lễ phát động có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy; Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Kpă Thuyên-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Chư Sê; hệ thống chính trị cùng đông đảo bà con nhân dân xã Ayun.
“Món quà” ý nghĩa
Ayun là xã Anh hùng trong kháng chiến song lại thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Chư Sê. Toàn xã có 889 hộ với 3.795 khẩu, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 98%; gần 60% thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Từ bao đời nay, đời sống người dân nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất cây nông nghiệp ngắn ngày và chăn nuôi gia súc. Việc sản xuất của bà con hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời nên nhiều diện tích đất vẫn chưa thể khai thác canh tác một cách triệt để. Theo đó, toàn xã chỉ có khoảng 30 ha lúa và hơn 10 ha rau màu các loại có nguồn nước tưới chủ động từ công trình thủy lợi đập Ia Boong và Ia Pết; còn lại trên 300 ha trồng lúa không có nguồn nước để sản xuất vụ Đông Xuân nên chỉ canh tác được 1 vụ/năm. Cái đói, cái nghèo vì thế vẫn đeo bám dai dẳng nhiều nếp nhà.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ 2 từ phải sang) cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Chư Sê gieo sạ lúa tại chân ruộng làng Vơng Chép, xã Ayun, huyện Chư Sê. Ảnh: Hồng Thi
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ 2 từ phải sang) cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Chư Sê gieo sạ lúa tại chân ruộng làng Vơng Chép, xã Ayun, huyện Chư Sê. Ảnh: Hồng Thi
Tháng 4-2017, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất trăn trở về những khó khăn mà người dân xã Ayun đang gặp phải. Sau khi xem xét các đề xuất của lãnh đạo địa phương, Tổng Bí thư thống nhất tiếp tục đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Plei Keo tại xã Ayun; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành tính toán, hỗ trợ kinh phí để tỉnh Gia Lai đẩy nhanh triển khai dự án, tạo điều kiện cho bà con có nước sinh hoạt, sản xuất. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh rằng, thủy lợi Plei Keo chính là cú hích quan trọng để Ayun phát triển đi lên.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, năm 2018, công trình thủy lợi Plei Keo được khởi công với tổng kinh phí 116 tỷ đồng; trong đó vốn Trung ương 100 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách tỉnh 6 tỷ đồng và nguồn đối ứng của huyện Chư Sê 10 tỷ đồng (kênh tưới và đền bù). Năng lực tưới thiết kế của công trình khoảng 500 ha, trong đó có 400 ha lúa nước và 100 ha rau màu các loại. Sau hơn 2 năm thi công, đến nay, công trình đã cơ bản hoàn thiện và bước đầu dẫn nước về một số cánh đồng khô cạn trên địa bàn xã Ayun để canh tác lúa nước 2 vụ. Đây thực sự là món quà lớn đầy ý nghĩa, là tình cảm của đồng chí Nguyễn Phú Trọng nói riêng, của Đảng và Nhà nước ta nói chung dành cho người dân xã Ayun Anh hùng.
Nhìn dòng nước mát từ công trình thủy lợi Plei Keo chảy về lênh láng khắp các thửa ruộng, ông Kpuih Minh (làng Vơng Chép) không giấu được sự vui mừng xen lẫn xúc động. Bởi lẽ, niềm mơ ước bao lâu của bà con nơi đây giờ đã trở thành hiện thực. “Gia đình tôi có 2 sào ruộng, lâu nay chỉ chờ đến tháng 5 trời mưa mới có thể gieo 1 vụ lúa. Nay có thủy lợi Plei Keo rồi, dân làng không lo thiếu nước sản xuất nữa. Người dân Ayun chúng tôi biết ơn Đảng và Nhà nước lắm, nhất là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã quan tâm chia sẻ khó khăn để bà con từng bước phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo”-ông Minh bày tỏ.
Quyết tâm phát huy hiệu quả công trình
Cánh đồng làng Vơng Chép có lẽ chưa bao giờ rộn ràng và đông vui đến thế. Không chỉ có lãnh đạo tỉnh, huyện mà toàn bộ người dân các thôn, làng của xã Ayun cũng đều có mặt đông đủ để cùng tham dự lễ phát động ra quân xuống đồng đón nước công trình thủy lợi Plei Keo, bắt đầu sản xuất vụ Đông Xuân đầu tiên kể từ trước tới nay. Dưới ánh nắng đầu xuân ấm áp, từng đàn én chao liệng trên khắp cánh đồng mênh mang nước như hòa chung niềm vui lớn với người dân địa phương.  
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ 3 từ trái sang) và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Văn Niên (bìa trái) tặng quà cho người dân xã Ayun. Ảnh: Đức Thụy
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ 3 từ trái sang) và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Văn Niên (bìa trái) tặng quà cho người dân xã Ayun. Ảnh: Đức Thụy
Tại khu đất trống gần cánh đồng, một số cán bộ nông nghiệp của huyện Chư Sê cùng bà con làng Vơng Chép kiểm tra lúa giống trước khi đem gieo sạ. Những hạt lúa được ngâm nước và ủ ấm đúng tỷ lệ nên nẩy mình căng mọng, đâm rễ trắng dài. Sau khi dùng tay vốc cho tơi ra, lúa giống được dân làng cho vào những chiếc gùi rồi đem đặt ngay ngắn trên bờ ruộng để chuẩn bị sản xuất. Anh Kpă Gôn phấn khởi nói: “Từ khi nước thủy lợi Plei Keo được dẫn về cánh đồng làng Vơng Chép, bà con đã tập trung làm đất để canh tác lúa vụ Đông Xuân. Lâu nay, chưa bao giờ khắp cánh đồng Vơng Chép, không khí sản xuất lại tất bật như thế. Bắt đầu từ năm 2020 trở về sau, dân làng chúng tôi sẽ quyết tâm chuyển đổi diện tích lúa nước 1 vụ sang 2 vụ để từng bước cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu chính đáng”.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hồng Linh-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê-cho biết: Công trình thủy lợi Plei Keo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với xã nghèo Ayun. Không chỉ làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất, công trình đi vào vận hành thông suốt sẽ là cơ hội để bà con nơi đây vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Huyện cũng sẽ chỉ đạo các cấp, ngành, xã Ayun và người dân tổ chức khai thác, sử dụng nguồn nước đúng mục đích, có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, tích cực chuyển đổi trồng lúa nước 1 vụ sang 2 vụ đạt kết quả cao trong thời gian đến.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang hỏi thăm tình hình đời sống, sản xuất của người dân làng Vơng Chép. Ảnh: Hồng Thi
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang hỏi thăm tình hình đời sống, sản xuất của người dân làng Vơng Chép. Ảnh: Hồng Thi
Được biết, ngay sau lễ phát động này, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê sẽ phối hợp với UBND xã Ayun xây dựng mô hình cánh đồng lúa liên kết với 20 ha lúa 2 vụ; hướng dẫn nhân dân sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, chất lượng cao, từng bước cơ giới hóa từ khâu gieo sạ đến thu hoạch nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất cây trồng. Về phía xã Ayun, ông Nguyễn Đức Cường-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cũng nêu quyết tâm: Thời gian đến, xã sẽ phối hợp với các ban, ngành của huyện tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát huy hiệu quả công trình thủy lợi Plei Keo, mở rộng diện tích tưới; chuyển đổi các diện tích đất lúa nước 1 vụ thành 2 vụ; đưa các loại cây trồng có năng suất, chất lượng cao như: cây ăn quả, bắp lai, đậu đỗ các loại… phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương để phát triển sản xuất, qua đó giảm nghèo bền vững và chung sức xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Hòa chung niềm vui với người dân xã Ayun, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Chư Sê đã trực tiếp xuống đồng cày ruộng, gieo sạ lúa, chính thức phát động sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 trên cánh đồng Vơng Chép. Tiếng máy cày nổ rền vang cả cánh đồng lẫn trong tiếng cười vui phấn khởi của toàn thể cán bộ và nhân dân địa phương. Từ nay, bà con Ayun đã có điều kiện thuận lợi để gieo trồng vụ Đông Xuân, từng bước đẩy lùi đói nghèo và xây dựng cuộc sống mới ngày một đủ đầy, no ấm.


Để động viên người dân thi đua lao động sản xuất, tại lễ phát động, Thường trực Tỉnh ủy và HĐND tỉnh Gia Lai đã trao tặng phần quà và 1 máy cắt lúa cho xã Ayun. Ngoài ra, huyện Chư Sê cũng trích ngân sách hỗ trợ phân bón cho 20 hộ dân của làng Vơng Chép tham gia sản xuất lúa nước 2 vụ, mỗi hộ 50 kg.

 HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng thời điểm này, người dân trồng hoa tại thành phố Kon Tum đang tất bật gieo trồng, chăm sóc cây hoa để phục vụ thị trường, với hy vọng sẽ có một vụ hoa Tết thành công.

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

(GLO)- Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, toàn tỉnh có 15 mã số vùng trồng xuất khẩu được cấp mới với diện tích 332,09 ha xuất khẩu trên thị trường Trung Quốc và 4 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu với tổng công suất 155 tấn quả tươi/ngày.

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Liên kết sản xuất phục vụ xuất khẩu

(GLO)- Việc liên kết sản xuất đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai chú trọng nhằm tạo nguồn nông sản chất lượng phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, nông sản của tỉnh đã thâm nhập thị trường của gần 50 quốc gia trên thế giới.