(GLO)- Trong khó khăn bộn bề, thầy-cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) vẫn tận tụy ngày đêm đem “cái chữ” đến với các em học sinh vùng sâu, vùng xa nhằm giúp các em có được một tương lai tươi sáng.
Một buổi học của các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne. Ảnh: V.H |
Từ thị trấn Kbang, tôi phải vượt hơn 85 km với rất nhiều đoạn đèo dốc quanh co mới tới được xã Kon Pne. Mặc dù đã hẹn trước với thầy giáo Phạm Văn Hinh-Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne nhưng khi tôi có mặt tại trường thì thầy và nhiều giáo viên đi vắng. Hỏi ra mới biết họ đang vào làng vận động học sinh tới trường, vì hôm qua có mấy em học sinh đột nhiên nghỉ học. Khi hoàng hôn dần khuất sau dãy núi cũng là lúc các thầy cô trở về trường. Dường như để tôi hiểu được phần nào chuyện dạy học ở đây, thầy Hinh cho biết: “Trường được thành lập từ năm 1985, hiện nay, nhà trường có 342 học sinh cả hai hệ Tiểu học và THCS, trong đó có 168 em học bán trú. Toàn trường có 25 cán bộ giáo viên, đa số còn rất trẻ. Chính sức trẻ ấy đã vẽ nên nhiều câu chuyện đẹp về tinh thần khắc phục khó khăn để “gieo chữ” nơi vùng đất khó này”.
Tâm sự với chúng tôi, nhiều thầy-cô giáo ở đây bảo, ngày đầu tiên nhận quyết định về trường công tác, không ít người đã khóc vì thấy quá xa xôi cách trở. Nhưng rồi, tình yêu nghề và tình thương học sinh đã giữ họ ở lại trường, ở lại với mảnh đất Kon Pne bộn bề khó khăn này. Đêm ở lại trường, tôi được thầy Hinh kể cho nghe nhiều câu chuyện vui trên hành trình “gieo chữ” của mình và các đồng nghiệp. Thầy Hinh kể: Cách đây chừng một tháng, vào một buổi chiều, tôi cùng 2 thầy trong trường đến làng vận động các em tới trường. Từ trường đi xe máy được hơn 3 km thì phải đi bộ vào tận từng gia đình để vận động. Xong việc thì trời đã khuya. Anh em quay ra thì mất phương hướng, không biết xe để nơi nào. Tìm mãi đến gần 12 giờ đêm mới thấy xe. Vội vàng chạy về chợp mắt một chút, anh em lại phải dậy để cùng đồng nghiệp lo bữa ăn sáng cho các em.
Kon Pne là một xã nghèo. Trước đây, các em học sinh gặp muôn vàn khó khăn khi đến trường, nên việc vận động các em đi học vô cùng vất vả. Nhưng mọi chuyện bắt đầu thay đổi kể từ năm 2015 khi trường được chuyển sang hệ bán trú. Mặc dù chưa đáp ứng hết nhu cầu của các em học sinh, nhưng phần nào mô hình bán trú đã giúp các em ở xa trung tâm xã có điểm tựa về tinh thần và vật chất để vững vàng hơn trên hành trình đi tìm tri thức. Theo tâm sự của các thầy cô trong trường, dẫu cái nghèo, cái đói vẫn ẩn hiện sau những nếp nhà ở Kon Pne nhưng khi đã ý thức được việc học thì khát vọng được đến trường của các em nơi đây chưa bao giờ tắt. Nhiều câu chuyện cảm động về tinh thần vượt khó của học sinh ở ngôi trường này khiến tôi hết sức cảm động. Đó là em Đinh Hoay-học sinh lớp 4B, mồ côi cả cha lẫn mẹ, được một người trong làng nuôi, nhưng em vẫn luôn chuyên cần tới lớp. Nhiều thầy-cô giáo và bạn bè đều có nhận xét, Hoay ít khi nghỉ học, chỉ trừ những lúc đau ốm, còn ở trường em luôn chăm chỉ trong học tập và sinh hoạt. Hay như trường hợp của em Đinh Y Đek, mặc dù gia đình đông anh em, cuộc sống khó khăn nhưng em vẫn vươn lên để đạt được thành tích học tập cao, mới đây em là học sinh duy nhất của trường đạt danh hiệu học sinh giỏi huyện môn Lịch sử.
Đối với các em học sinh học bán trú, bên cạnh việc được thầy cô chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, buổi chiều và tối, các em còn được thầy cô dạy kèm miễn phí, hướng dẫn ôn bài. Chính sự gần gũi, yêu thương ấy đã giúp các em vơi đi những khó khăn thiếu thốn về vật chất, tình cảm khi sống xa gia đình để chuyên tâm học hành.
Chia tay Kon Pne khi cơn mưa rừng bất ngờ ập tới, những tiếng i, a học bài, những nụ cười giòn tan của các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne văng vẳng bên tai làm lòng tôi ấm lại. Vẫn biết rằng cuộc hành trình đi tới tương lai của các em còn lắm gian truân, nhưng tôi tin, với sự tâm huyết, yêu nghề của các thầy-cô giáo nơi đây, ước mơ về một tương lai tươi sáng của các em học sinh vùng đất nghèo Kon Pne sẽ sớm trở thành hiện thực.
Vĩnh Hoàng